Hồi sinh nhờ ca ghép chiều 30 Tết
TS.BS Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ, nữ bệnh nhân 21 tuổi, quê tỉnh Bắc Kạn, đang là sinh viên ngành IT của một trường đại học đã phải bỏ học giữa chừng vì mắc bệnh phổi giai đoạn cuối. Người bệnh phải thở oxy dài hạn tại nhà, cần người hỗ trợ các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Cô gái này mắc bệnh lý u cơ trơn bạch huyết ở phổi (LAM) hay còn gọi là bệnh hiếm gặp phổi đục lỗ, thường xảy ra ở phụ nữ trẻ. Bệnh lý này tạo các kén khí trong phổi, lan toả và làm mất chức năng phổi.
Người bệnh đã được quản lý, theo dõi tại Bệnh viện Phổi Trung ương từ năm 2020, chờ ghép phổi từ vài tháng nay vì 2 lá phổi tổn thương nghiêm trọng, tình trạng suy hô hấp nặng, tiên lượng tử vong cao.
13h ngày 8/2/2024 (29 Tết), sau khi nhận được thông tin có phổi hiến từ Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Bệnh viện Phổi Trung ương đã kích hoạt khẩn cấp chương trình ghép phổi và tổ chức hội chẩn lựa chọn người bệnh được nhận tạng ngay trong đêm.
Bệnh viện Phổi Trung ương đã huy động khoảng 80 nhân lực tham gia và nhiều nhân lực khác làm việc trực tuyến, phối hợp với Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện 108, Bệnh viện E, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Tim Hà Nội... Trong đêm, bệnh viện mời 3 bệnh nhân chờ ghép để lựa chọn, sau hội chẩn với chuyên gia nước ngoài. Các bác sĩ đã quyết định chọn cô gái 21 vì có nguy cơ tử vong sớm hơn cả.
Ca phẫu thuật được tiến hành ngày 9/2 (30 Tết), kéo dài 12 giờ (từ 10 - 22h) do ê kip y bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với Bệnh viện E thực hiện.
Hồi phục kỳ diệu
Chia sẻ về tình hình sức khỏe bệnh nhân sau ca ghép, TS Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết: Trong ngày 30 Tết khi nhận thông tin có phổi hiến, 2 bàn mổ lấy phổi từ người hiến và gỡ dính chuẩn bị ghép phổi cùng song song hoạt động. Ca ghép lần lượt thực hiện ghép phổi trái, rồi sang phổi phải.
"Điều kỳ diệu, ra khỏi phòng mổ 12h đêm, sáng hôm sau bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản. Bệnh nhân tự thở, điều này cũng đồng nghĩa ca cấy ghép phổi thành công. Một ngày sau phẫu thuật, kết quả film phổi chụp cho thấy rất tốt. Ngày thứ hai, bệnh nhân được cho tập ăn để đánh giá hoạt động phổi. Và ngày thứ ba, bệnh nhân tiếp tục đứng dậy và đi lại được trong 5 phút liên tục với sự hỗ trợ của nhân viên y tế.
Ngày thứ tư tiếp tục tập đi và rút dẫn lưu khí màng phổi, đạt liều ức chế miễn dịch cho bệnh nhân. Ngày thứ năm – hôm nay 15/2, bệnh nhân đi lại liên tục được 10 phút. Bệnh nhân hồi phục kỳ diệu", BS Bích Ngọc chia sẻ.
Theo bác sĩ Ngọc, với kết quả sau ghép như hiện nay, cô gái sẽ sống cuộc đời mới với 2 lá phổi mới, tương lai quay lại giảng đường đại học là rất gần.
Trước sự thành công của ca ghép phổi này, PGS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép tạng Quốc gia, chia sẻ: "Tôi có rất nhiều hình ảnh bệnh nhân suy phổi, suy tim chờ đợi được ghép tạng nhưng không thể chờ được và đã ra đi. Các trường hợp suy tim, suy phổi không có cơ hội sống được lâu như suy các tạng khác. Chính vì vậy khi đón nhận thông tin này, tôi rất xúc động. Trên thực tế, với 10 ca chết não chỉ có thể có 2 ca có thể lấy phổi để ghép bởi đặc thù hai lá phổi rất khó lấy, dễ nhiễm trùng và hỏng phổi. Và đây là ca thứ 10 ghép phổi trên toàn quốc, tuy nhiên trước đó một số ca đã mất".
Rưng rưng nước mắt, chị P.T.T, mẹ bệnh nhân chia sẻ: "Từ tấm lòng người mẹ tôi vô cùng xúc động, cảm ơn ê-kíp các y bác sĩ đã nỗ lực cứu sống con gái tôi, đặc biệt cảm ơn đến gia đình người đã hiến tặng 2 lá phổi. Gia đình tôi vốn sống ở vùng khó khăn. Con bệnh ngày một nặng, nếu không có oxy, con không thể tham gia bất kỳ hoạt động nào.
Mỗi ngày đi làm trở về nhà, tôi luôn cất tiếng gọi con chỉ để mong chờ tiếng trả lời của con, điều đó đồng nghĩa con vẫn còn tồn tại. Tôi đã từng nghĩ một ngày nào đó, con tuột khỏi vòng tay mình. Giờ đây, được phẫu thuật ghép thành công, con tôi tiếp tục được sống, được theo đuổi ước mơ của mình".
Ghép phổi là kỹ thuật khó nhất trong các kỹ thuật ghép tạng đòi hỏi sự phối hợp nghiêm ngặt của tất cả các bộ phận, các bác sĩ, chuyên gia phải đánh giá tình trạng phổi của người cho, người nhận rất chặt chẽ.
Quy trình lấy phổi và ghép phổi phức tạp đòi hỏi kỹ thuật cao từ khâu bảo quản, vận chuyển, kiểm soát nhiễm khuẩn, gây mê hồi sức, tim mạch, phẫu thuật lồng ngực, dược, huyết học, miễn dịch, phục hồi chức năng, dinh dưỡng...
Bên cạnh đó, quá trình chăm sóc hậu phẫu cũng là yếu tố quyết định sự sống của người bệnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận