Chính trị

Cách mạng tháng Tám và những bài học không bao giờ cũ

Bài học của Cách mạng giành độc lập vẫn là bài học của công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước hôm nay, trong đó có cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Trên mọi cỗ xe, để tiến lên phía trước có hiệu quả (nhanh và an toàn) không thể thiếu được tấm gương chiếu hậu. Lịch sử cũng tựa như tấm gương chiếu hậu ấy.

Trên con đường đưa đất nước phát triển, Cách mạng tháng Tám diễn ra cách nay đã 76 năm nhưng đã để lại cho chúng ta nhiều bài học không bao giờ cũ.

img

Quang cảnh buổi lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945

Tầm nhìn sáng suốt, quyết tâm sắt đá

Ngay từ năm 1924, Nguyễn Ái Quốc từ nước Nga của cuộc cách mạng vô sản đã đưa ra quan điểm: “Chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước” và tiên đoán cuộc cách mạng ở Việt Nam sẽ diễn ra theo một hình thái như sau: “Cuộc khởi nghĩa phải được chuẩn bị trong quần chúng, nổ ra trong thành phố theo kiểu các cuộc cách mạng châu Âu chứ không phải nổ ra đột ngột ở biên giới Trung Quốc theo phương pháp của các nhà cách mạng trước đây”.

21 năm sau, cuộc Cách mạng tháng 8/1945 diễn ra đúng như vậy: Hà Nội (19/8), Huế (23/8) và Sài Gòn (25/8) là những cái mốc quyết định sự thành công trọn vẹn của cuộc cách mạng này trên toàn bộ lãnh thổ nước ta.

Năm 1941, khi trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, ở chiến khu, Nguyễn Ái Quốc viết “Diễn ca Lịch sử nước ta” kết thúc bằng câu: “45 - sự nghiệp hoàn thành” tựa như một lời tiên đoán. Bốn năm sau đó (1945), lời dự báo ấy trở thành hiện thực.

Tháng 10/1944, Nguyễn Ái Quốc viết thư kêu gọi đồng bào toàn quốc chỉ rõ: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt… Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh”.

Vào thời điểm ấy Mặt trận Việt Minh đang tích cực tiếp xúc với các lực lượng Đồng Minh, đặc biệt là Hoa Kỳ ở khu vực để trở thành một thành viên trong mặt trận chống chủ nghĩa phát-xít Nhật tại Mặt trận Thái Bình Dương.

Nhờ vậy, trong Tuyên ngôn Độc lập, chúng ta dõng dạc nói với thế giới rằng: “Một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát-xít mấy năm nay. Dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập!”.

Và khi thời cơ đã hiện rõ, nhà lãnh đạo tối cao của cuộc Cách mạng Việt Nam thể hiện một ý chí sắt đá: “Dù có phải đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Như vậy, tầm nhìn sáng suốt và quyết tâm sắt đá của bộ máy lãnh đạo, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân tố quyết định thắng lợi của Cách mạng.

Lãnh đạo sát sao, kỷ luật chặt chẽ

img

Sáng sớm 19/8/1945, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội để mít tinh và sau đó tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền

Tối 13/8/1945, ngay khi vừa nghe tin phát-xít Nhật đầu hàng, giữa lúc Quốc dân Đại hội đang họp ở Tân Trào, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc đã ban bố Quân lệnh số 1.

Ngày 14 và 15/8/1945 Hội nghị toàn quốc của Đảng cũng họp tại Tân Trào vạch rõ: “Những điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi. Toàn dân tộc đang sôi nổi đợi giờ khởi nghĩa giành quyền độc lập”.

Ngày 16 và 17/8/1945 Quốc dân Đại hội được triệu tập tại Tân Trào thành lập Ủy ban Giải phóng Dân tộc, hình thức tiền thân của chính quyền cách mạng, định quốc kỳ và quốc ca. Quốc dân Đại hội ra lời hiệu triệu toàn dân đứng lên.

Đơn vị vũ trang Đại đội Việt - Mỹ gồm các chiến sĩ Giải phóng quân và một nhóm quân nhân Hoa Kỳ thuộc đơn vị OSS (Tổ chức tình báo chiến lược) làm lễ xuất quân và Nam tiến, hướng về đánh quân Nhật đồn trú ở Thái Nguyên...

Ngày 18/8, Hải Dương, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Nam khởi nghĩa giành chính quyền; 19/8, Hà Nội tổng khởi nghĩa... 23/8, Kinh đô Huế và tỉnh Thừa Thiên khởi nghĩa... ngày 25/8, thành phố Sài Gòn chính quyền về tay nhân dân... ngày 30/8, tại Huế, vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị...

Diễn biến của cuộc khởi nghĩa trên toàn quốc diễn ra mau lẹ như một cơn lốc. Và trong một thời gian dài, người viết sử phóng bút viết về sự kiện vĩ đại này như một kịch bản hoàn chỉnh thể hiện rất đậm nét theo trình tự từ trên xuống dưới, từ Bắc vào Nam, từ Trung ương xuống địa phương để thể hiện rõ cái nguyên lý kinh điển: Có đường lối đúng, có sự lãnh đạo sát sao thì mọi chủ trương đều thành hiện thực nhờ vào một kỷ luật chặt chẽ của tổ chức cách mạng và sự tin tưởng của nhân dân…

Nắm thời cơ, đo lường được lòng dân

Cho đến một lần, Ban liên lạc các cựu chiến sĩ của Đội Thanh niên Ngô Quyền, một trong những lực lượng nòng cốt tham gia tổng khởi nghĩa ở Hà Nội họp mặt truyền thống vào năm 1998.

Bài học sâu sắc của cuộc Cách mạng vĩ đại cách đây đã 76 năm cho thấy khi nào những người lãnh đạo có tầm nhìn sáng suốt lại thu phục được lòng dân, tin vào sức mạnh của dân, thì những đuờng lối đúng đắn mới trở thành hiện thực trong cuộc sống.

Bài học của Cách mạng giành độc lập năm xưa cũng vẫn là bài học của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ngày hôm nay, trong đó có cuộc chiến đấu chống dịch bệnh đang diễn ra không kém phần gian khổ và quyết liệt đúng vào thời điểm chúng ta tổ chức kỷ niệm sự kiện đáng nhớ này.


Khi ôn lại ký ức những ngày cách mạng sôi nổi, mọi người nhắc tới người lãnh đạo cao nhất của cuộc Tổng khởi nghĩa ở Thủ đô là xứ ủy viên Bắc kỳ Nguyễn Khang.

Mọi người ghi nhận rằng, trong tối 13/8, Nguyễn Khang đã cùng Đảng bộ Hà Nội đã bàn bạc để đi đến quyết định sẵn sàng huy động quần chúng nổi dậy.

Nhưng cho đến 17/8, nhận thấy thời cơ đã đến nhanh hơn sau khi cao trào cách mạng của quần chúng dâng cao trong khi lực lượng quân Nhật và chính quyền thân Nhật đã mất hết ý chí, Đảng bộ Hà Nội đã quyết định Tổng khởi nghĩa vào lúc chưa hề nhận được lệnh tổng khởi nghĩa cũng như Bản quân lệnh số 1 phát ra từ chiến khu Tân Trào cách đó đã mấy ngày (13/8).

Kết cục: Cuộc Tổng khởi nghĩa đã thành công trọn vẹn chỉ trong một buổi sáng ngày 19/8/1945.

Dự buổi gặp mặt đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã xác nhận một sự thực là: Trong khi đơn vị vũ trang chính quy nhất của cách mạng lúc đó là Đại đội Việt - Mỹ còn chưa giải quyết được quân Nhật ở Thái Nguyên thì tin Hà Nội đã khởỉ nghĩa thành công làm mọi người vừa phấn khởi vừa ngỡ ngàng.

Trong hồi ức của mình, Giáo sư Trần Văn Giàu, năm 1945 là người chỉ huy cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Sài Gòn cũng thuật lại rằng, cho đến lúc quyết định khởi sự cuộc nổi dậy giành chính quyền thì Nam bộ vẫn chưa nhận được Quân lệnh số 1 của Trung ương gửi vào.

Nhưng khi nghe tin Hà Nội đã thành công, đó chính là mệnh lệnh phát ra từ trái tim và bản lĩnh của người cách mạng. Với Sài Gòn, cũng như Nam bộ mới trải qua thất bại đẫm máu của Khởi nghĩa Nam Kỳ thì càng không thể manh động được.

Nhưng tin tức từ Hà Nội và nhiều địa phương khác khiến những người lãnh đạo quả quyết khởi động. Và Sài Gòn, đầu não chính trị ở phương Nam đã giành được chính quyền trong ngày 25/8, chỉ cách 1 tuần sau Hà Nội!

Như vậy, tính năng động từ phía dưới không trái ngược với sự chỉ đạo từ phía trên. Nó là kết quả của một quá trình chuẩn bị lâu dài, của sự tôi luyện qua thử thách thực tế và quan trọng hơn nữa là nó đo lường được lòng dân.

Cái cẩm nang khiến cho cả nước hành động thống nhất, nhịp nhàng chính là bản “Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” được Trung ương đưa ra ngay khi Nhật vừa đảo chính Pháp (ngày 9/3/1945).

Ông Lê Trọng Nghĩa, một trong những người lãnh đạo chủ chốt cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội kể lại rằng: Sở dĩ Hà Nội quyết định hành động trước khi nhận được lệnh của Trung ương vì lẽ chính nhân dân đã thức tỉnh, tác động vào những người lãnh đạo.

Buổi sáng 17/8/1945, khi cuộc mít tinh do Tổng hội Công chức triệu tập tại Nhà hát Lớn với mục đích được thông báo là để ủng hộ chính phủ thân Nhật thì những người lãnh đạo của Việt Minh và Đảng bộ Hà Nội chỉ chủ trương đả phá mục tiêu của những người tổ chức cuộc mít tinh đó.

Nhưng chính diễn biến của sự kiện, đặc biệt là ý chí của người dân thể hiện trong cuộc mít tinh khi xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng và bài hát “Tiến quân ca” cùng những lời hô hào diễn thuyết của các chiến sĩ Việt Minh đã thúc giục những người lãnh đạo phải hành động.

Ông kể rằng, Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ Nguyễn Khang vào buổi sáng còn đắn đo bao nhiêu thì sau khi chứng kiến sự kiện và gặp gỡ người dân thì đến buổi chiều hăng hái, quyết tâm hành động bấy nhiêu.

Ông Nghĩa khẳng định rằng, chính vì nắm bắt được mạch đập của lòng dân mà người lãnh đạo đã thành công trong một sứ mệnh tưởng chừng vô cùng khó khăn, trong khi mọi sự lưỡng lự hay dao động vào thời điểm này có thể làm thời cơ vượt qua trong khoảnh khắc của lịch sử.

Ngay sau khi Cách mạng tháng 8/1945 thành công, một Nhà nước cộng hòa vừa thoát khỏi ngót trăm năm đô hộ của thực dân và hơn ngàn năm chế độ quân chủ đã đưa ra những thông điệp về sự hội nhập với một thế giới hiện đại mà giá trị của nó được thực tiễn lịch sử chứng nghiệm như một nguyên lý cho sự tồn vong của dân tộc Việt Nam cho đến tận ngày nay: “Việt Nam làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ, không muốn gây sự với một ai” ; “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực”…

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.