Sân khấu Trịnh Kim Chi với vở kịch Dã Tâm |
Trước sự cạnh tranh của các gameshow truyền hình, hàng loạt sân khấu kịch rơi vào tình trạng ế ẩm, thua lỗ. Không ít sân khấu phải thường xuyên hoàn tiền vé cho khách do buổi diễn không thành vì vắng khán giả.
Quản lý thả nổi
Sân khấu kịch Sài Gòn chỉ mới 5 năm trước còn là loại hình nghệ thuật hái ra tiền, giờ đây đã rơi vào nỗi hẩm hiu, có sân khấu đã phá sản, còn lại phần lớn đang lay lắt trông chờ khán giả.
Nói về thực trạng sân khấu kịch vắng khách, bà bầu Trịnh Kim Chi cho biết, do bị cạnh tranh khốc liệt từ các loại hình giải trí khác như các gameshow truyền hình, rạp chiếu phim hiện đại. Chưa kể, nghệ sĩ, diễn viên toàn chạy đóng phim, làm giám khảo, tham gia các cuộc thi... chẳng còn ai chuyên tâm tập luyện. Thế nên dù sân khấu kịch TP HCM vẫn sáng đèn nhưng kịch không còn thăng hoa như trước đây. Khán giả không còn xếp hàng mua vé, ùn ùn kéo đến ở mỗi vở diễn, mà giờ đây chính sân khấu kịch phải đợi khán giả, thậm chí mở màn trễ từ 10-15 phút để chờ khán giả vào.
Sự khó khăn khán giả đối với sân khấu kịch còn do cơ quan quản lý thả nổi. Các đoàn kịch của Nhà nước được cấp kinh phí nhưng lại tạo ra những sản phẩm rời xa với nhu cầu của khán giả. Trong khi đó, các sân khấu kịch tư nhân luôn phải tự thân vận động mà không hề có sự kết nối hay hỗ trợ từ khu vực Nhà nước. Nhiều diễn viên sân khấu tiền cát-sê chưa đầy 300.000 đồng mỗi đêm, nhưng vì yêu nghề nên họ vẫn diễn. Mặt khác, điều đáng lưu tâm là các sân khấu kịch tư nhân không ổn định về địa điểm diễn, hầu hết đều thuê mướn và có nguy cơ bị lấy lại.
Cá nhân đạo diễn, nhà biên kịch Huỳnh Tuấn Anh cũng chỉ ra, nhiều nước trong khu vực họ được đầu tư số tiền lớn, cơ sở vật chất đầy đủ với đa dạng các kiểu sân khấu nên diễn viên chỉ chú tâm cho vở diễn, bản thân họ có những vở kịch chất lượng. Còn Việt Nam, đến giờ sân khấu manh mún, muốn sân khấu sống và lưu giữ được nét đẹp của văn hóa Việt, Nhà nước phải đầu tư cùng tư nhân. Anh khẳng định: Một năm, chỉ cần chịu đầu tư 3 vở, trau truốt chúng, thì giá vé có cao người xem vẫn luôn ủng hộ.
Các Nhà hát “đồng thanh” sale
Bà Trịnh Kim Chi cho hay, sân khấu của mình sống được cũng nhờ một số đối tác có sẵn, những hợp đồng cân lên đặt xuống để duy trì đêm diễn. Cạnh đó là những phương pháp hạ giá thành sản phẩm thấp hơn mức giá cũ. Như giá vé xem kịch trung bình từ 120 - 150 nghìn đồng mỗi vé, sân khấu Trịnh Kim Chi giảm giá vé 30% trong tháng 8 - 9.
Bản thân sân khấu kịch Idecaf cũng rơi vào trường hợp tương tự. Họ đưa ra phương án giảm giá vé 30% cho tất cả các vở diễn đến cuối năm, trừ vở Tấm Cám. Cạnh đó, Idecaf khuyến mãi voucher giảm 30% ăn tiệc buffet. Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh cũng có chương trình ưu đãi từ tháng 8 - 11, khi mua 5 vé xem kịch họ được tặng 1 vé miễn phí. Sân khấu kịch Family của nghệ sĩ Gia Bảo cũng áp dụng ưu đãi mua 4 tặng 1 vé dành cho khán giả.
Các sân khấu phải dựng những vở tử tế, có chất lượng, nếu không, sân khấu vẫn tiếp tục trong tình trạng bấp bênh”. NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấuViệt Nam |
Anh Trầm Thanh Thảo, Quản lý rạp Idecaf cho biết, sau khi áp dụng chương trình giảm giá vé, số lượng khán giả đến rạp cũng đã tăng một chút. Còn bà bầu Trịnh Kim Chi thì tiết lộ, khách đến rạp khả quan hơn.
Trong khi các sân khấu kịch phía Nam đang ra sức gồng mình giữa cơn bão hòa của kịch để hút khách, thì phía Bắc lại im lìm. Hiện tại Rạp Hồng Hà của Nhà hát Tuồng đã đóng cửa để sửa chữa trong 3 tháng tới. Nghệ sĩ Chí Trung, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, tháng 6-7 là những tháng khó khăn nhất của ngành Nghệ thuật.
Vì những tháng đó các cơ quan, gia đình đều đi nghỉ mát, Hà Nội vắng tanh. Thời điểm này, nhà hát duy trì 1 tuần từ 3 buổi biểu diễn: Thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật, còn rạp chủ yếu để cho thuê. Giữa tháng 7 trở lại đây, nhà hát mới bắt đầu tập diễn lại. Chiến lược của Nhà hát Tuổi trẻ trong việc kéo khán giả đến với nhà hát cũng phải dùng đến chiêu bài giảm giá trên nhóm mua hay hotdeal (những hình thức mua hàng chung theo nhóm trên mạng có giảm giá) để ghế khán phòng luôn kín nhất có thể.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận