Áp lực nguồn cung và ba kịch bản
Năm 2025 được dự báo sẽ là năm có tốc độ tăng trưởng rất cao của nền kinh tế, phấn đấu đạt khoảng 7 - 8%; từ năm 2026 trở đi phấn đấu đạt khoảng 10%.
Với những con số trên, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận, nhu cầu sử dụng điện của các doanh nghiệp và của cả nền kinh tế, xã hội trong những năm tới sẽ rất lớn. Cung ứng điện phải đảm bảo đạt từ 11% trở lên. Đây là áp lực lớn trong bối cảnh nhiều nguồn điện lớn chậm tiến độ.
Ông Diên còn lưu ý, những mục tiêu nổi bật năm 2024 như tăng trưởng GDP đạt trên 7%; đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu; thu hút gần 40 tỷ USD vốn FDI... sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong năm 2025.
Trên cơ sở này, Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) cho biết, đã xây dựng 3 kịch bản cung ứng tương ứng với các mức tăng trưởng cụ thể.
Kịch bản 1: tăng trưởng 10,5%, tương ứng tăng trưởng điện sản xuất và nhập khẩu đạt 342,3 tỷ kWh; kịch bản 2: tăng trưởng 13,3%, đạt 351 tỷ kWh; kịch bản 3: tăng trưởng 14,3%, đạt 354 tỷ kWh.
NSMO cho hay, về tiến độ nguồn điện truyền thống (thủy điện, nhiệt điện) dự kiến bổ sung thêm 4.081 MW từ nay đến hết năm 2025, còn nguồn nhập khẩu (chủ yếu từ Lào) có thể thêm 1.160 MW. Công suất năng lượng tái tạo dự kiến cũng tăng thêm 1.177 MW (từ tháng 10/2024 đến hết ngày 31/12/2025).
Do đó, nếu kinh tế tăng trưởng ở kịch bản 1, hệ thống điện quốc gia sẽ đáp ứng đủ trong cả năm 2025. Với kịch bản hai, sẽ cần huy động tối đa các nguồn nhiệt điện than, nguồn khí nội địa và các nguồn LNG, dầu được huy động rất cao.
Còn với phương án phụ tải tăng trưởng đột biến cực đoan 14,3%, trong trường hợp xảy ra các yếu tố xếp chồng như thủy văn kém, phụ tải tăng cao cực đoan, các nguồn nhiệt điện than miền Bắc sự cố trong giai đoạn cao điểm mùa khô… hệ thống điện quốc gia ngoài huy động tối đa các nguồn như kịch bản hai, còn có khả năng phải thực hiện điều chỉnh phụ tải, huy động nguồn diesel khách hàng trong giai đoạn tháng 4 - 6.
"Rất khó nhưng khó mấy cũng phải làm"
Tại hội nghị tổng kết năm 2024 của Tập đoàn Điện lực - EVN, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại mục tiêu tăng trưởng hai con số. Nếu vậy, tăng trưởng điện phải gấp 1,5 lần.
"Rất khó nhưng khó mấy cũng phải làm. Vấn đề là có dám nghĩ, dám làm và biết cách làm hay không. Vì vậy, ngành điện phải có đột phá", Thủ tướng lưu ý và cho rằng, phải phát huy tính tự lực tự cường, bản lĩnh của ngành điện, linh hoạt, sáng tạo, đổi mới để triển khai.
Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Đặng Hoàng An cho hay, năm qua, EVN đã thực hiện nhiều giải pháp sẵn sàng cho cung ứng điện những năm tới.
Cụ thể, đã hoàn thành đưa vào vận hành dự án nhà máy thủy điện Ialy mở rộng (360MW); hoàn thành 199 dự án lưới điện 110 - 500kV (tổng quy mô gần 4.100km đường dây và gần 15.500MVA trạm biến áp); tập trung thi công Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng (dự kiến phát điện cuối năm 2025), Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch; thu xếp vốn các dự án thủy điện Trị An mở rộng, thủy điện tích năng Bác Ái để khởi công đầu năm 2025.
Tuy nhiên, EVN cũng thừa nhận, còn tiềm ẩn một số rủi ro cho khu vực miền Bắc trong các thời điểm cao điểm cuối mùa khô (giai đoạn từ tháng 5 - 7, nếu nhu cầu tăng đột biến).
Những khó khăn có thể ảnh hưởng đến cung ứng điện là khả năng cấp khí thiên nhiên trong năm 2025 sẽ bị suy giảm mạnh so với các năm trước đây; các nguồn thủy điện lớn cơ bản đã khai thác hết; nhiệt điện than sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn tín dụng.
Trong khi các nguồn nhiệt điện khí, ngoại trừ dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 và Hiệp Phước 1 với tổng công suất khoảng 2.824MW có thể hoàn thành trước năm 2030, các dự án LNG còn lại khó đáp ứng tiến độ hoàn thành trước năm 2030; cơ chế cho điện gió ngoài khơi chưa rõ…
Cần có quyết định kịp thời
Theo các chuyên gia, Bộ Công thương cần sớm hoàn thiện các nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể để khi Luật Điện lực sửa đổi có hiệu lực (1/2/2025), các doanh nghiệp, tổ chức liên quan có căn cứ triển khai các dự án mới.
Việc phát triển điện gió ngoài khơi nhận được nhiều quan tâm của giới đầu tư khi dự thảo nghị định quy định một số điều của Luật Điện lực sửa đổi đã dành riêng một chương quy định về nhiều cơ chế đặc biệt khuyến khích, ưu đãi đầu tư cho nguồn điện này.
Đây là tín hiệu đáng mừng kể từ vụ rời đi hồi giữa năm của 2 "ông lớn" điện gió hàng đầu thế giới là Orsted và Equinor (Na Uy), sau thời gian chờ đợi chính sách.
Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu công suất điện gió ngoài khơi của Việt Nam đến năm 2030 đạt 6.000MW, định hướng đến năm 2050 đạt từ 70.000 - 91.000MW.
Ông Stuart Livesey, Trưởng đại diện Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners tại Việt Nam (CIP - đơn vị làm điện gió ngoài khơi hàng đầu Đan Mạch) cho hay, mốc thời gian còn lại 6 năm là cực kỳ khó khăn. Bởi một dự án điện gió ngoài khơi cần thời gian phát triển và xây dựng trung bình từ 6 - 8 năm.
Song, đại diện CIP góp ý, Việt Nam vẫn có cơ hội đạt được một phần công suất trong 6.000W nếu có các quyết định táo bạo và ngay lập tức, bao gồm: Giao dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên cho các doanh nghiệp Nhà nước và đối tác quốc tế có năng lực, kinh nghiệm vào đầu năm 2025 để bắt đầu khảo sát; tạo điều kiện để doanh nghiệp Nhà nước hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm nhằm bảo đảm thành công cho dự án.
Đồng thời, nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện gió ngoài khơi bao gồm ưu đãi về thuế, ưu đãi về giá điện, các điều khoản hợp đồng mua bán điện phù hợp.
Ngoài điện gió ngoài khơi, nguồn điện khí LNG được kỳ vọng là nguồn điện nền thay thế điện than cũng còn nhiều vướng mắc.
Theo Quy hoạch điện VIII, tổng quy mô công suất các dự án nhà máy điện khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.424MW (23 dự án), trong đó, tổng công suất nhà máy điện khí sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) là 22.524MW (13 dự án). Tuy nhiên, hiện mới chỉ có một dự án đang xây dựng là Nhơn Trạch 3&4, dự kiến vận hành thương mại vào tháng 5/2025.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận