Tiết kiệm điện trong doanh nghiệp không chỉ cải thiện chi phí vận hành kinh doanh mà còn giúp doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) ngày càng chặt chẽ.
Tại Việt Nam, tiêu chuẩn này đang dần trở thành tiêu chí quan trọng đang được các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu khi muốn gia nhập vào các thị trường lớn như châu Âu hoặc các nước phát triển khác...
Vậy, giải pháp tiết kiệm điện trong doanh nghiệp thế nào cho đúng cách? Báo Giao thông tổng hợp một số giải pháp gợi ý đang được thực hiện trong thực tiễn.
Các biện pháp tiết kiệm điện năng trong sản xuất, logistic, nhà máy khu công nghiệp
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là các cơ sở sản xuất ở các nhà máy, khu công nghiệp hay logistic, có thể áp dụng những giải pháp sau đây để tiết kiệm điện hiệu quả:
1. Thay đổi thói quen và tăng ý thức tiết kiệm năng lượng của nhân công: Đào tạo nhân viên về ý thức tiết kiệm năng lượng. Thông qua việc hướng dẫn và khuyến khích nhân viên sử dụng thiết bị điện một cách hiệu quả, doanh nghiệp có thể giảm thiểu lãng phí năng lượng do việc sử dụng không hiệu quả từ nhân viên.
2. Thay thế các thiết bị máy móc cũ bằng các thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng: Đầu tư vào các thiết bị công nghệ mới có hiệu suất sử dụng điện cao hơn là một chiến lược mang lại lợi ích kép: giảm chi phí vận hành và tiết kiệm năng lượng. Các thiết bị này thường đi kèm với công nghệ tiết kiệm năng lượng tiên tiến hơn, có khả năng điều khiển và giám sát tự động.
3. Đưa ra quy định thời gian vận hành máy móc, thiết bị rõ ràng: Xây dựng và tuân thủ kế hoạch vận hành thiết bị một cách hợp lý giúp tránh việc hoạt động máy móc vượt quá mức thời gian cần thiết. Điều này không chỉ giảm thiểu lãng phí năng lượng mà còn kéo dài tuổi thọ và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng các thiết bị.
4. Lên kế hoạch kiểm tra, bảo dưỡng máy móc định kỳ, thường xuyên: Bảo trì định kỳ là bước quan trọng để duy trì hiệu suất hoạt động của máy móc ở mức cao nhất. Việc thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng giúp phát hiện sớm các sự cố tiềm ẩn, từ đó giảm thiểu tỷ lệ hỏng hóc và tiết kiệm năng lượng trong suốt quá trình vận hành.
5. Tự động hoá, kiểm soát và tối ưu lãng phí điện: Đầu tư vào hệ thống tự động hoá để quản lý và giám sát việc sử dụng điện trong nhà máy cũng là một giải pháp thông minh.
Chẳng hạn như doanh nghiệp có thể lắp đặt các thiết bị điều khiển thông minh, chiếu sáng thông minh tại các khu vực sản xuất, và các nội khu khác nhau trong nhà máy. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể thiết lập riêng quy trình kiểm soát điện ứng với từng nhu cầu thực tế sử dụng khác nhau.
Ví dụ như, tại khu vực sản xuất A sẽ cần tập trung hệ thống chiếu sáng, và nhiệt độ sản xuất bằng nhiệt độ môi trường sẽ khác với khu vực kho hàng B chỉ cần chiếu sáng khi phát hiện chuyển động người và hàng hoá cần duy trì nhiệt độ mát liên tục. Từ đó, giúp tránh các thất thoát về lãng phí điện năng, góp phần vào việc tối ưu chi phí vận hành cho doanh nghiệp.
Giải pháp tiết kiệm điện trong các doanh nghiệp văn phòng
Tại các văn phòng công ty, việc tiết kiệm điện cũng rất quan trọng và có thể thực hiện thông qua những phương pháp sau:
Tiết kiệm điện năng từ việc sử dụng đèn: Thay thế các bóng đèn truyền thống bằng đèn led. Đèn led không chỉ tiết kiệm điện năng mà còn có tuổi thọ cao và ít phát ra nhiệt.
Tắt và rút dây tất cả những thiết bị khi không sử dụng hoặc đi ra ngoài: Hướng dẫn nhân viên tắt hết các thiết bị điện khi không cần thiết, như máy tính, máy in, hoặc các thiết bị điện gia dụng để ngăn chặn sự tiêu tốn điện không cần thiết.
Sử dụng các vật dụng tông sáng: Tối ưu màu sắc của nội thất và trang trí để phản xạ ánh sáng tự nhiên một cách tối đa. Sử dụng màu sắc nhạt nhằm phản chiếu ánh sáng trong phòng làm việc.
Tiết kiệm điện năng từ máy lạnh: Thực hiện bảo trì và vệ sinh máy lạnh định kỳ để duy trì hiệu suất hoạt động tối ưu. Làm sạch lưới lọc và kiểm tra ga máy lạnh thường xuyên để giảm thiểu tiêu tốn điện năng.
Tận dụng ánh sáng thiên nhiên: Thiết kế không gian mở và sử dụng cửa sổ lớn để tận dụng ánh sáng tự nhiên vào trong văn phòng. Điều này không chỉ giảm thiểu sử dụng đèn chiếu sáng mà còn mang lại lợi ích về sức khỏe và tăng cường năng suất làm việc cho nhân viên.
Sử dụng giải pháp hiện đại: Đầu tư vào các công nghệ tự động hóa và hệ thống quản lý năng lượng để tự động điều chỉnh việc sử dụng đèn và các thiết bị điện theo nhu cầu thực tế và điều kiện môi trường. Các hệ thống này không chỉ giúp tiết kiệm năng lượng mà còn cải thiện hiệu quả vận hành và quản lý tài nguyên trong doanh nghiệp.
Giải pháp tiết kiệm điện trong các doanh nghiệp thương mại
Việc tiết kiệm điện ở các doanh nghiệp thương mại cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp và kinh tế đất nước. Dưới đây là một số giải pháp tiêu biểu nhằm tiết kiệm điện trong các doanh nghiệp thương mại:
1. Sử dụng giải pháp quản lý năng lượng thông minh:
Cài đặt hệ thống giám sát và điều khiển: Đầu tư vào các hệ thống giám sát năng lượng để theo dõi tiêu thụ điện năng của các thiết bị và hệ thống trong doanh nghiệp. Các dữ liệu thu thập được từ hệ thống giám sát giúp xác định các vấn đề tiêu tốn năng lượng không cần thiết và đưa ra các biện pháp cải tiến.
Áp dụng các biện pháp tiết kiệm phù hợp: Dựa trên dữ liệu từ hệ thống giám sát, thiết lập các chính sách và quy trình để giảm lãng phí năng lượng, ví dụ như thiết lập lịch trình hoạt động cho các thiết bị điện tử, máy tính và hệ thống chiếu sáng.
2. Tối ưu hóa hệ thống chiếu sáng:
Để tiết kiệm điện năng hiệu quả trong các không gian ít người đi qua, việc sử dụng cảm biến tự động là một giải pháp thông minh. Cảm biến chỉ bật đèn khi phát hiện chuyển động và tắt sau một khoảng thời gian nhất định, từ đó giảm thiểu việc hoạt động không cần thiết của đèn.
Sử dụng đèn LED thông minh cũng là một biện pháp hiệu quả để giảm tiêu thụ năng lượng. Đèn LED không chỉ tiết kiệm điện mà còn có tuổi thọ cao và ít phát ra nhiệt, giúp giảm nhu cầu sử dụng hệ thống làm mát.
Ngoài ra, việc áp dụng hệ thống tự động để điều chỉnh cường độ chiếu sáng dựa trên điều kiện ánh sáng tự nhiên trong không gian làm việc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa sử dụng năng lượng và giảm chi phí hoạt động.
3. Đào tạo và nâng cao nhận thức cho nhân viên:
Tổ chức các khóa đào tạo về tiết kiệm năng lượng và sử dụng thiết bị hiệu quả cho nhân viên. Nhân viên cần được hướng dẫn và khuyến khích thực hiện các thói quen tiết kiệm năng lượng trong công việc hàng ngày.
4. Bảo trì và vệ sinh định kỳ các thiết bị điện tử:
Kiểm tra và làm sạch lưới lọc và bộ làm mát của hệ thống điều hòa không khí định kỳ. Điều này giúp duy trì hiệu suất hoạt động của máy và giảm thiểu tiêu tốn điện năng không cần thiết.
Mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có đặc thù riêng về hoạt động và cơ sở hạ tầng, do đó, việc áp dụng biện pháp tiết kiệm điện phù hợp sẽ giúp tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và giảm chi phí năng lượng một cách hiệu quả nhất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận