Vận tải

Cách nào trị dứt điểm xe khách trá hình?

25/11/2022, 10:00

Vấn nạn xe khách trá hình không chỉ gây thất thu thuế phí, các bến xe, nhà xe đối diện nguy cơ phá sản mà còn gây mất trật tự ATGT nghiêm trọng.

Tình trạng xe khách trá hình đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành không chỉ khiến Nhà nước thất thu thuế phí, các bến xe, nhà xe tuyến cố định đứng trước nguy cơ phá sản mà còn gây mất trật tự ATGT nghiêm trọng.

Báo Giao thông trao đổi với bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ VN về những giải pháp căn cơ để giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Nhiều bến xe có nguy cơ phá sản

img

Bà Phan Thị Thu Hiền. Ảnh: Tạ Hải

Thời gian qua dư luận bức xúc về tình trạng xe hợp đồng trá hình hoạt động như tuyến cố định diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước, bà đánh giá thế nào về thực trạng này?

Thời gian gần đây tình trạng xe khách hoạt động tuyến cố định bỏ cả bến xe ra thành lập văn phòng đại diện, ra ngoài chạy vòng vo tìm khách, gom khách đang gia tăng, diễn biến phức tạp.

Nhiều đơn vị vận tải khách tuyến cố định tìm cách xin giảm tần suất hoạt động từ 20 - 40% lưu lượng/tháng. Điều này làm cho bến xe giảm đáng kể số lượng xe vào bến, lượng khách đến bến chỉ còn 20 - 50%, nhiều bến xe có nguy cơ phá sản.

Mặt khác xe ô tô kinh doanh tuyến cố định tại nhiều địa phương đang bị cạnh tranh khốc liệt với các phương tiện vận chuyển hợp đồng hoạt động trá hình, đặc biệt là các tuyến có cự ly dưới 300km.

Hiện có khoảng 930.000 phương tiện kinh doanh vận tải khách và hàng hóa, trong đó có 320.000 xe kinh doanh vận tải khách. Trong số này, xe hợp đồng và du lịch chiếm tới 220.000 xe, bằng khoảng 70%.

Còn lại taxi chiếm 20%, số còn lại xe tuyến cố định chỉ chiếm 5,8% và xe buýt chiếm 3%. Nhìn vào con số này, loại hình xe hợp đồng đang chiếm số lượng lớn.

Với số lượng lớn xe hợp đồng như vậy, luồn lách trong các tuyến phố, đón khách tận nhà sẽ gây ra ùn tắc giao thông, mất an toàn trong nội đô. Bên cạnh đó cũng khiến hơn 600 bến xe trong cả nước hoạt động không hiệu quả.

Theo bà, đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này?

Luật GTĐB đến nay đã ban hành được 14 năm, trong khi thực tế hoạt động vận tải đã có nhiều biến động theo thị trường và xã hội.

Theo quy định tại Nghị định 100/2019 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, lực lượng TTGT không có quyền dừng các phương tiện di chuyển trên đường, dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý Nhà nước về vận tải đường bộ (phần mềm quản lý xe hợp đồng, lệnh vận chuyển điện tử) hiện mới đang thực hiện xây dựng và hình thành các cơ sở dữ liệu.

Số lượng hành khách đi xe tuyến cố định giảm, không thu hút hành khách đi xe do để đến được bến, hành khách phải đi xe buýt hoặc đi taxi khá tốn kém và bất tiện.

Cùng đó, mật độ bến xe khách tại các địa phương thấp, nhiều địa phương có xu hướng di chuyển bến xe khách ra xa khu vực trung tâm trong khi vận tải công cộng kết nối chưa đáp ứng được yêu cầu...

Từ đó tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng trá hình tuyến cố định ngày càng bùng phát mạnh.

Khó khăn trong xử lý

img

Đoàn liên ngành kiểm tra xe khách Thành Bưởi BKS 51B – 256.28 đang dừng đón khách trên đường Hùng Vương, TP Hồ Chí Minh (Ảnh chụp lúc 15h33 ngày 10/11)

Xe hợp đồng trá hình đã tồn tại từ lâu, vậy bất cập hiện nay nằm ở các quy định pháp luật chưa đầy đủ hay ở khâu thực thi, thưa bà?

Tại các địa phương, Thanh tra Sở GTVT với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quy định đã thường xuyên tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm.

Tuy nhiên, TTGT gặp nhiều khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý do không đủ lực lượng để thường xuyên theo dõi, giám sát, trong khi đó địa bàn quản lý rộng, thẩm quyền hạn chế.

Theo quy định tại Nghị định 100/2019, lực lượng TTGT không có quyền dừng các phương tiện di chuyển trên đường, dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

Nhiều doanh nghiệp vận tải đã lợi dụng kẽ hở để lách luật nên công tác xử lý gặp nhiều khó khăn.

Vậy theo bà, để đảm bảo có thị trường kinh doanh vận tải cạnh tranh lành mạnh, tới đây, Cục Đường bộ VN sẽ có những giải pháp gì?

Cục Đường bộ VN sẽ kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan tham mưu thuộc Bộ GTVT bố trí nguồn vốn xây dựng hệ thống công nghệ thông tin quản lý hoạt động kinh doanh vận tải toàn quốc.

Khi xây dựng xong, phần mềm sẽ cung cấp tài khoản truy cập cho các Sở GTVT, lực lượng TTGT, CSGT để theo dõi, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Đồng thời giám sát chặt các loại hình kinh doanh vận tải và chống thất thu thuế, đảm bảo công bằng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh.

Nghị định 10 đã quy định xe hợp đồng trước khi xuất bến phải gửi danh sách hành khách bằng email về các Sở GTVT. Các điều kiện khác quản lý xe hợp đồng cũng đã được quy định rõ.

Sẽ có phần mềm quản lý xe hợp đồng

Nghị định 10 cũng quy định từ ngày 1/1/2022 phải có phần mềm quản lý xe hợp đồng, đến nay phần mềm này đã hoàn thiện hay chưa, thưa bà?

Đến nay, phần mềm này chưa hoàn thiện. Vì vậy, trước mắt chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm quy định xe hợp đồng trước khi bắt đầu chuyến đi phải gửi danh sách hành khách về sở GTVT để kiểm soát. Căn cứ vào email này và các quy định khác đối với xe hợp đồng để xử lý nghiêm.

Trong 5 loại hình vận tải, loại hình vận tải khách tuyến cố định và xe hợp đồng, du lịch đang nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Xe khách tuyến cố định ngày một giảm dần, có tình trạng xe bỏ bến, bỏ tuyến để chạy xe hợp đồng. Ở đây đang có sự cạnh tranh không lành mạnh, chạy xe hợp đồng dễ dàng hơn, hiệu quả hơn. Doanh nghiệp sẵn sàng bỏ “giờ vàng, nốt đẹp” để chạy hợp đồng.

Bà Phan Thị Thu Hiền


Phần mềm này đã chậm 1 năm, Cục Đường bộ VN sẽ phấn đấu trước tháng 6/2023 sẽ xây dựng xong và đưa vào áp dụng.

Đồng thời, yêu cầu các sở GTVT thanh tra đột xuất chuyên đề về xe hợp đồng. Đây là đối tượng chính để Cục Đường bộ VN và các sở GTVT tập trung quản lý trong thời gian tới.

Sở GTVT các tỉnh, thành phố nào không làm, Cục Đường bộ VN sẽ báo cáo Thường trực tỉnh ủy, UBND tỉnh đó có chỉ đạo. Tất cả sẽ vào cuộc để làm sao siết chặt lại xe hợp đồng.

Một mặt siết xe hợp đồng, mặt khác cũng cần quy định chặt chẽ đối với xe tuyến cố định.

Cục Đường bộ VN sẽ rà soát lại các quy định pháp luật, chẳng hạn quy định hiện nay xe bỏ bến 60 ngày liên tục mới bị xử lý.

Quy định này sẽ được rà soát theo hướng chặt chẽ hơn. Sau khi siết chặt xe hợp đồng, số lượng hành khách xe vào bến sẽ tăng.

Đó chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài giải pháp là gì, thưa bà?

Giải pháp lâu dài cần nghiên cứu sửa đổi Luật GTĐB để phân loại lại các hình thức kinh doanh vận tải hành khách có đặc điểm hoạt động tương đối giống nhau thành một hình thức kinh doanh.

Điều này nhằm mục tiêu tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, minh bạch và công bằng, cùng với siết chặt điều kiện kinh doanh để đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu chính sách phát triển bến xe theo mô hình kinh doanh, dịch vụ tổng hợp nhằm đẩy mạnh, thu hút đầu tư bến xe.

Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách áp dụng chuyển đổi số vào tổ chức hoạt động vận tải đường bộ; xây dựng trung tâm lưu trữ và xử lý dữ liệu thông qua hình ảnh từ camera lắp trên phương tiện để phục vụ cho công tác xử lý vi phạm và bổ sung chế tài xử lý đối với các trường hợp tái phạm nhiều lần tại Nghị định số 10/2020.

Cảm ơn bà!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.