Kinh tế

Cách nào Việt Nam đón bắt cơ hội?

06/02/2019, 06:59

Để phát triển thị trường lao động, Công nghiệp 4.0 đòi hỏi nguồn lao động sáng tạo, lao động tri thức...

img
Cách nào Việt Nam đón bắt cơ hội?

Chính phủ đã có chủ trương xây dựng chiến lược quốc gia về cách mạng 4.0. Theo đó, Bộ KH&ĐT được giao nghiên cứu Đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và xây dựng Mạng lưới nhân lực thực hiện Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0.

img
PGS. TS. Vũ Quang Thọ

PGS. TS. Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:

Đào tạo nguồn lao động chất lượng cao

CMCN 4.0 được cho là cuộc cách mạng thần kỳ về kỹ thuật. Nó hỗ trợ con người, giảm sức lao động, tạo ra hàng loạt chuyển biến tích cực về kỹ thuật và công nghệ. Tuy nhiên, nó cũng tác động không nhỏ đến thị trường lao động Việt Nam, nếu người lao động không thích ứng kịp với những yêu cầu từ cuộc cách mạng, từ đó sẽ dễ đẩy người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp, mất việc làm và nhiều hệ quả xã hội khác.

Để phát triển thị trường lao động, Công nghiệp 4.0 đòi hỏi nguồn lao động sáng tạo, lao động tri thức, tức lao động được đào tạo cơ bản, chuyên nghiệp.

Do đó, trước hết Việt Nam cần xây dựng và phát triển chính sách ngành công nghiệp phù hợp với CMCN 4.0. Chúng ta đang thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ưu tiên phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, chính sách công nghiệp của Việt Nam hiện vẫn tập trung nhiều vào các ngành có giá trị gia tăng thấp, kỹ năng thấp, giản đơn và sử dụng nhiều lao động, dễ bị thay thế bằng máy móc tự động hóa hoàn toàn/robot, điển hình là ngành dệt may, da giày, điện tử… Đối với ngành nông nghiệp, tốc độ công nghiệp hóa nông nghiệp không đạt được bao nhiêu so với đòi hỏi của nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Nền kinh tế nào thì người lao động ấy. Nền kinh tế hiện nay của Việt Nam sẽ đưa đến kết quả là nguồn nhân lực của Việt Nam kỹ năng thấp, chất lượng và năng suất thấp, tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng thấp và con người sẽ không có cơ hội để phát triển.

Để thay đổi và phát triển chính sách ngành cho CMCN 4.0, nếu Việt Nam chọn con đường chờ đợi các doanh nghiệp tự và đầu tư vào những ngành nghề mới, sẽ là sự không khôn ngoan và không tạo ra những đột phá. Mục tiêu của doanh nghiệp là hiệu quả và lợi nhuận. Vì vậy, đương nhiên doanh nghiệp sẽ đầu tư mạnh vào những ngành tạo ra lợi nhuận, chi phí thấp, ít rủi ro. Có chăng chỉ một bộ phận nhỏ trong các doanh nghiệp dám liều lĩnh và mạo hiểm đầu tư vào các ngành mới của Công nghệ 4.0, bởi chi phí đầu tư sẽ lớn, rủi ro cao và không hiệu quả đối với khả năng sinh lời lợi nhuận của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đi đầu này sẽ không tạo ra đột phá cho sự phát triển của cả Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ phải là kiến trúc sư cho các ngành công nghiệp mới của CMCN 4.0, tạo ra ngành trụ cột để thu hút FDI cũng như điều chỉnh chính sách về đào tạo, cơ sở hạ tầng và thu hút nguồn nhân lực vào các ngành mới này. Chỉ như vậy, Việt Nam mới không bị tụt lại phía sau trong CMCN 4.0.

img
TS. Lê Xuân Nghĩa

TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia:

Lập quỹ khuyến khích phát triển

Hiện nay, Việt Nam mới đang trong giai đoạn khởi động tiếp cận CMCN 4.0. Cuộc cách mạng nào cũng vậy, cần có sự tích tụ về lượng mới biến thành chất. Với CMCN 4.0, nền tảng chính là cơ sở dữ liệu với kết nối vạn vật. Trong khi đó, tại Việt Nam phương tiện kết nối đã có nhưng trình độ phần mềm và quy trình kết nối còn rất yếu. Do đó, điều kiện tiên quyết Việt Nam cần phát triển số hóa cơ sở dữ liệu trong mọi lĩnh vực. Thứ 2, phải có đội ngũ nhân lực tương thích với cách thức sáng tạo công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực của mình.

Để thực hiện được, chúng ta cần có cách tiếp cận bài bản. Trước mắt, xem xét lại hệ thống giáo dục đào tạo các nghề sử dụng công nghệ nhân tạo, kết nối vạn vật; mạnh dạn tập trung đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp thông minh, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh... bằng việc xây dựng lộ trình cụ thể. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có chính sách lập quỹ đầu tư khuyến khích phát triển công nghệ 4.0 với việc lấy doanh nghiệp là trọng tâm.

img
TS. Cấn Văn Lực

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng:

Cần chiến lược quốc gia

Trên thế giới hiện có khoảng 20 nước xây dựng chiến lược quốc gia về CMCN 4.0. Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện tận dụng tốt CMCN 4.0: Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam liên tục thăng hạng, năm 2018 chúng ta lại được xếp hạng 45/126 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số này…

Năm 2019 được dự báo là năm của “kinh doanh số và năng suất lao động”. Trong thời đại công nghệ số, công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một xu thế, là nền tảng công nghệ có tính ưu việt cần sớm tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu, ứng dụng và triển khai. Do đó, Việt Nam không được quá trễ trong công nghệ blockchain. Là một nước đi sau, chúng ta có thể rút kinh nghiệm và đi tắt đón đầu. Hiện nay, đã có một số lĩnh vực tại Việt Nam manh nha ứng dụng công nghệ này như y tế, ngân hàng, nông nghiệp, logistics…

Để blockchain có thể “thành hình”, Việt Nam cần sớm tạo ra khuôn khổ pháp lý và hệ sinh thái để người dân, doanh nghiệp và Chính phủ tăng cường ứng dụng. Trước mắt, cần lựa chọn một số lĩnh vực để nghiên cứu và ứng dụng trước như tài chính ngân hàng (thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại, giao dịch chứng khoán…), y tế, giáo dục (đẩy lên một số chương trình đào tạo chuẩn, cấp chứng chỉ, bằng cấp), nông nghiệp (truy xuất hàng hóa, hỗ trợ thông tin dữ liệu làm chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng) và logistics.

Điều kiện cần để làm được cách mạng 4.0, làm được blockchain thì phải có cơ sở dữ liệu. Do đó, Chính phủ cần sớm chỉ đạo để hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về cá nhân dùng để xác thực. Bên cạnh đó, cần xây dựng, phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng về công nghệ và viễn thông, tăng cường an ninh mạng, đảm bảo an toàn và bảo mật cho người dân, khách hàng.

Điều quan trọng là cần nâng cao hiểu biết và nhận thức của người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý về CMCN4.0 nói chung và blockchain nói riêng, bởi nếu một sản phẩm công nghệ hiện đại đến mấy mà người ta không hiểu, không biết, không dùng, sản phẩm đó sẽ trở nên vô nghĩa. Do vậy, cần một chiến lược để tăng cường nhận thức và hiểu biết qua nhiều kênh khác nhau. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tăng cường hợp tác quốc tế để học tập kinh nghiệm từ những nước đang triển khai. Việc hợp tác sẽ giúp xử lý các vấn đề xuyên biên giới như an ninh mạng, giao dịch xuyên biên giới, hoạt động về thương mại, đầu tư quốc tế gắn với blockchain.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.