Lật tẩy hàng loạt vi phạm của nhà xe Thành Bưởi
Bài 1: Sau tai nạn vẫn hoạt động trái phép nhộn nhịp
Bài 2: Từ chạy xe dù đến né thuế làm thất thu ngân sách
Bài 3: Năm đời phó chủ tịch TP.HCM chưa dẹp được bến xe lậu Thành Bưởi
Bài 4: Kỳ lạ bến xe khách Thành Bưởi giữa nội đô Đà Lạt
Bài cuối: Cách nào xử lý tận gốc vi phạm xe Thành Bưởi?
Các chuyên gia, luật sư, nhà quản lý đề xuất những giải pháp để xử lý triệt để vi phạm của nhà xe Thành Bưởi cũng như những nhà xe có hành vi tương tự, đảm bảo kỷ cương pháp luật, trật tự an toàn giao thông.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách TP.HCM:
Cần rút giấy phép doanh nghiệp có nhiều xe vi phạm
Các doanh nghiệp làm ăn chân chính đã từng kiến nghị rằng, với những xe vi phạm tốc độ nhiều lần cần thu phù hiệu. Thời gian thu phù hiệu có quy định cụ thể, một tháng hay mấy tháng.
Doanh nghiệp nào mà trong tháng có nhiều xe vi phạm luật, có thể xét tỷ lệ phần trăm trên số xe mà họ đăng ký. Nếu vượt một tỷ lệ nhất định có thể thu hồi giấy phép kinh doanh có thời hạn. Có làm như vậy mới đủ sức răn đe.
Ông Đỗ Phú Đạt, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông: Xe vào bến cần được kiểm tra chặt chẽ
Tại bến xe, thông thường có 2 đợt kiểm tra về an toàn, lái xe trước khi xuất bến. Thứ nhất bản thân các doanh nghiệp phải tự kiểm tra tài xế, các nhân viên của mình. Thứ hai là bến xe phải kiểm tra lại hồ sơ pháp lý, bằng lái, đăng kiểm, số khách, tình trạng sức khỏe tài xế… trước khi xuất bến. Tất cả phải đảm bảo theo quy định của pháp luật mới cho xuất bến.
Đối với xe hợp đồng bên ngoài, chủ doanh nghiệp phải tự kiểm tra. Trường hợp như xe Thành Bưởi là họ quản lý lỏng lẻo, tài xế bị tạm giữ giấy phép lái xe vẫn cho lái là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Các nhà xe hiện nay chạy dù rất nhiều, không riêng Thành Bưởi. Về góc độ quản lý, cơ quan chức năng, sở GTVT các địa phương phải quyết liệt mới có thể giải quyết tận gốc vấn đề.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, chuyên gia giao thông: Địa phương phải làm hết trách nhiệm
Vấn nạn xe dù bến cóc, đón trả khách sai quy định và gây tai nạn đã tồn tại rất lâu. Vụ tai nạn liên quan xe Thành Bưởi trên quốc lộ 20 khiến 5 người tử vong vừa qua lại một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động.
Các ngành chức năng phải có trách nhiệm kiểm tra, xử lý. Ví dụ tài xế đã điều khiển phương tiện đúng quy định chưa, có bằng lái không? Doanh nghiệp có tuân thủ việc yêu cầu tài xế chỉ chạy đúng số giờ quy định trong ngày hay không?
Việc kiểm tra xử lý đã được phân cấp về cho địa phương, vì vậy trách nhiệm thuộc về địa phương. Việc thanh tra trách nhiệm quản lý Nhà nước của các địa phương với hoạt động vận tải trên địa bàn là rất cần thiết, từ đó có đề xuất xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân buông lỏng, để cho xe dù lộng hành.
Các tỉnh, thành cần quyết liệt, làm hết trách nhiệm từ khâu đầu tiên chứ không đợi đến khi xảy ra việc rồi mới thanh tra, kiểm tra.
Luật sư Lê Văn Hoan (Trưởng Văn phòng luật sư Lê Văn, Đoàn Luật sư TP.HCM): Làm rõ các dấu hiệu lách luật, né thuế, phí
Bộ luật Tố tụng hình sự, trong phạm vi trách nhiệm của mình, cơ quan Nhà nước phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Bản án của Tòa án nhân dân TP.HCM nhận định Công ty Thành Bưởi có dấu hiệu "lách luật, né thuế, phí" nên cần thiết kiến nghị cơ quan điều tra xác minh làm rõ các dấu hiệu trên để xử lý theo quy định của pháp luật. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng.
CSGT, Thanh tra giao thông, thậm chí cơ quan thuế đã vào cuộc kiểm tra nhưng không phát hiện vi phạm, bởi doanh nghiệp đã có cách đối phó, lách luật.
Chỉ có cơ quan điều tra với chức năng nhiệm vụ của mình, được phép cải trang, mật phục…mới phát hiện ra những vi phạm có tính hệ thống của các doanh nghiệp này.
Luật sư Nguyễn Hà (Đoàn Luật sư Hà Nội): Không thể để nhà xe coi thường tính mạng hành khách
Theo quy định, trước khi xe xuất bến, người điều hành vận tải phải kiểm tra các giấy tờ cần thiết như: Giấy phép người lái xe; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; Giấy vận tải… Điều này cho thấy chủ xe Thành Bưởi biết nhưng vẫn giao xe cho tài xế không có bằng lái điều khiển, đó là hành vi cố ý. Những năm trước cũng từng có trường hợp lái xe Thành Bưởi gây tai nạn khi bằng lái đang bị tạm giữ.
Kinh doanh vận tải hành khách, nhưng có dấu hiệu coi thường tính mạng hành khách là tình tiết tăng nặng, nên không thể chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính.
Cùng với đó, Thành Bưởi có tình trạng lách luật, né thuế, phí, lập bến lậu khắp nơi ở TP.HCM. Cơ quan chức năng cũng đã xử phạt, báo chí phản ánh nhiều lần. Với những vi phạm xuyên suốt, kéo dài liên tục trong nhiều năm như vậy cũng đã đủ để đề nghị rút giấy phép kinh doanh.
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT TP.HCM: Kiến nghị sửa nhiều quy định để xử lý triệt để
Thực tế thời gian qua, Thành ủy, UBND TP.HCM đã có nhiều chỉ đạo trong việc xử lý nạn xe dù, bến cóc.
Sở GTVT TP.HCM với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước đã có những biện pháp trong việc xử lý. Chẳng hạn 6 tháng hoặc một năm công bố công khai các điểm đón trả khách không đúng nơi quy định của các nhà xe tại các quận, huyện. Từ đó, kiến nghị UBND thành phố có chỉ đạo các quận, huyện, TP Thủ Đức xử lý. Hay như việc tham mưu để cấm xe khách giường nằm vào nội đô từ 6h-22h cũng góp phần lập lại trật tự ATGT.
Sở GTVT cũng đã chỉ đạo Thanh tra sở phối hợp với Phòng CSGT kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, Sở đã ban hành quyết định thu hồi 6.236 phù hiệu của các phương tiện do vi phạm tốc độ. Với nhà xe Thành Bưởi, Sở đã thu hồi 246 phù hiệu.
Tuy nhiên, tình trạng xe khách đón, trả khách không đúng nơi quy định vẫn còn tồn tại. Nguyên nhân chủ yếu là việc kiểm tra, xử lý của một số địa phương chưa duy trì thường xuyên, thiếu quyết liệt.
Một số đơn vị vận tải, trong đó có Công ty TNHH Thành Bưởi đã lợi dụng khe hở của pháp luật để hoạt động đón trả khách không đúng quy định (ví dụ, trên xe khi kiểm tra có đầy đủ hợp đồng vận chuyển, danh sách hành khách theo quy định).
Các hành vi vi phạm khó xử lý do dữ liệu thiết bị giám sát hành trình hiện tại chỉ mới xử lý được vi phạm tốc độ nhưng cũng chưa đảm bảo thời gian vì phải phụ thuộc vào việc kết quả xử lý thông tin dữ liệu của Cục Đường bộ VN trên phần mềm quản lý (thường có độ trễ khoảng 2 tháng).
Hành vi vi phạm như "sử dụng xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, xe kinh doanh vận tải khách du lịch mà xe đó có số chuyến trùng lặp điểm đầu và trùng lặp điểm cuối vượt quá quy định" khó xử lý do chưa đủ công cụ trích xuất để xử phạt vi phạm hành chính.
Ngoài ra, dữ liệu từ GPS hiện nay chỉ đủ xem xét thu hồi phù hiệu, biển hiệu, chưa xử phạt được việc "núp bóng" đối với xe hợp đồng, du lịch tổ chức hoạt động tương tự như tuyến cố định (thường gọi là "xe dù bến cóc").
Việc thu hồi phù hiệu chưa quy định bao nhiêu lâu; Hay như vi phạm bao nhiêu lần sẽ đề nghị thu hồi giấy phép kinh doanh… Những nội dung này, Sở GTVT đã tham mưu UBND thành phố kiến nghị cơ quan có thẩm quyền để sửa đổi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận