Đến 2030, nâng dự trữ xăng dầu lên 75-80 ngày nhập ròng
Theo thông tin từ Bộ Công thương, dự trữ xăng dầu quốc gia mức bình quân 5 năm qua khoảng hơn 370.000 m3 mỗi năm. Số lượng này tương đương 9 ngày nhập khẩu ròng, và 6,5 ngày tiêu thụ. Bộ Công thương đánh giá, đây là mức thấp so với nhu cầu thực tế. Trong khi, nhiều nước trên thế giới đã dự trữ lên 90 ngày.
Hiện nước ta chưa có hệ thống kho riêng cho dự trữ quốc gia, nên xăng dầu dự trữ vẫn phải gửi tại kho của doanh nghiệp. Tổng mức dự trữ xăng dầu (gồm lưu thông, sản xuất và dự trữ quốc gia) mới ở mức khiêm tốn khoảng 65 ngày nhập ròng.
Năm qua thị trường xăng dầu có thời điểm rơi vào khủng hoảng vì nhiều cửa hàng không có xăng để bán
Theo Bộ Công thương, 5 năm qua, các doanh nghiệp đầu mối đã thực hiện đúng dự trữ lưu thông, đảm bảo đủ hàng cho hệ thống phân phối, thị trường nội địa. Tuy vậy, trong một số thời điểm, nhất là giai đoạn nguồn cung trong nước gặp sự cố như hồi tháng 1 và 2 năm 2022, "lượng hàng dự trữ của doanh nghiệp không đủ 20 ngày".
Việc này dẫn tới khi nhu cầu tăng vọt, lượng hàng mà doanh nghiệp cung ứng cho hệ thống phân phối trực thuộc giữa các địa bàn không đồng đều, chưa cung ứng kịp cho các cửa hàng bán lẻ. Nguồn cung xăng dầu tại một số địa phương vì thế bị gián đoạn, thiếu cục bộ.
Với khí đốt, hệ thống kho khí hoá lỏng (LPG) dự trữ khá hạn chế, với 10 kho, dung tích 10.000 m3 trở lên. Cả nước cũng chưa có kho khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) đưa vào vận hành. Việc xây dựng mới các tuyến ống dẫn khí từ kho đến các hộ tiêu thụ cũng gặp khó khăn, do khi quy hoạch, các khu công nghiệp chưa dành hành lang cho tuyến ống dẫn khí đốt.
Bộ Công thương cho hay, dự thảo Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia, Việt Nam tính nâng dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu đạt 75-80 ngày nhập ròng đến 2030, và 90 ngày nhập khẩu ròng đến 2050. Khí đốt dự trữ đạt tối thiểu 15 ngày tiêu thụ.
Nhưng hiện nay, cơ sở vật chất được thiết kế theo các tiêu chuẩn cũ đã không đáp ứng được các tiêu chuẩn hiện tại, cần cải tạo, sửa chữa nhiều để đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tế và bảo đảm an toàn cho quá trình vận hành.
Bộ này tính toán, tổng vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt đến năm 2030 khoảng 270.000 tỷ đồng, được huy động chủ yếu từ nguồn vốn ngoài ngân sách, vốn của doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Cần lưu ý đến "tính động", "tính mở" để sửa khi cần
Góp ý cho dự thảo Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia, TS. Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng: Quy hoạch chịu tác động rất lớn từ biến động thị trường quốc tế, khả năng cung ứng và nhu cầu thị trường, cũng như chuyển đổi năng lượng, môi trường.
Do đó, quá trình thực hiện Quy hoạch cần lưu ý đến “tính động” để sau này có sự điều chỉnh phù hợp. “Cần tránh quy hoạch cứng khi cơ cấu năng lượng sẽ có sự thay đổi trong thời gian tới”, ông Bảo bày tỏ.
TS. Nguyễn Anh Đức, Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam, đồng tình quan điểm và nhấn mạnh: Quá trình thực hiện Quy hoạch cần phải tính toán đến các cam kết của Việt Nam về giảm phát thải ròng bằng 0, chuyển đổi năng lượng công bằng, ứng phó biến đổi khí hậu…
Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cũng lưu ý đến "tính động", "tính mở" trong Quy hoạch vì liên quan đến sự thay đổi về công nghệ dự trữ, các loại nhiên liệu sử dụng trong tương lai, cũng như xu hướng chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng tái tạo ngày càng mạnh mẽ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận