Chính trị

TS Nguyễn Viết Chức: Cán bộ muốn có uy tín, phải có văn hóa!

26/11/2021, 06:00

Văn hóa chính trị suy cho cùng chính là nêu cao tinh thần trách nhiệm, vì dân, vì nước của những cán bộ, đảng viên.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vừa diễn ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu rất quan trọng.

Trò chuyện với Báo Giao thông, TS. Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chia sẻ, những chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị đã gợi mở ra những vấn đề rất lớn, để từ đó tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, trong đó có việc xây dựng văn hóa trong Đảng và hệ thống chính trị.

img

TS. Nguyễn Viết Chức

Để văn hóa “soi đường cho quốc dân đi”

Qua theo dõi thông tin từ Hội nghị, ông có kỳ vọng gì về sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới, nhất là từ những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Hội nghị vừa qua là sự kiện rất lớn, có ý nghĩa cho cả thời điểm hiện nay và cả giai đoạn sắp tới, đem lại những kỳ vọng lớn đối với sự nghiệp phát triển, chấn hưng nền văn hóa của dân tộc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự Hội nghị với một tâm thế mà như ông nói là rất hào hứng. Điều này một phần thể hiện nhân cách khiêm tốn của Tổng Bí thư, nhưng đó cũng là trải lòng của người lãnh đạo cao nhất của Đảng. Tổng Bí thư không chỉ đến chỉ đạo mà thật sự hào hứng khi dự Hội nghị.

Sau sự kiện này, những nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa sẽ triển khai nhiều giải pháp để chấn hưng nền văn hóa. Vì đây là nội dung đã được Đảng đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII, đồng thời cũng là ý chí nguyện vọng của nhân dân.

Những tham luận tại Hội nghĩ cũng đã chỉ ra những mặt tồn tại của công tác văn hóa trong thời gian vừa qua. Điều này sẽ giúp chúng ta có những giải pháp để khắc phục những tồn tại đó, để văn hóa thời gian tới thực sự “soi đường cho quốc dân đi”.

Với những gì đã diễn ra trong Hội nghị và đặc biệt là sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi tin rằng, văn hóa sẽ được xây dựng tốt hơn, những thành tựu trong 35 năm đổi mới cũng như trong suốt quá trình cách mạng của dân tộc sẽ được phát huy trong thời kỳ mới.

Văn hóa sẽ được đặt ngang tầm với kinh tế, chính trị và được quan tâm đầu tư tương xứng hơn, thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, là động lực để khơi dậy khát vọng sáng tạo, đổi mới, khát vọng đưa đất nước trở nên hùng cường.

img

Đại biểu tham quan triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, bên lề Hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức ngày 24/11. Ảnh: L.Đ

Đảng xác định, trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế; xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị. Theo ông, điều đó có ý nghĩa như thế nào?

Văn hóa của chúng ta là đa dạng trong thống nhất, vì vậy văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị cũng thống nhất trong văn hóa của Việt Nam.

Ngoài những chuẩn mực văn hóa chung thì cán bộ, đảng viên phải có những chuẩn mực cao hơn người dân bình thường. Bởi cán bộ, đảng viên có trách nhiệm nêu gương, không chỉ trong cơ quan tổ chức mình tham gia làm việc mà còn phải nêu gương cho toàn nhân dân.

Đặc biệt là những cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp thì dứt khoát phải có tinh thần nêu gương cao nhất, phẩm chất đạo đức phải thực sự trong sạch. Hay nói khác đi, người cán bộ phải là người tiêu biểu về đạo đức cách mạng để trở thành chỗ dựa và niềm tin cậy của nhân dân.

Chúng ta đã xác định rõ là xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chiến lược, người đứng đầu phải có năng lực, phẩm chất, uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Phẩm chất, năng lực, uy tín chính là văn hóa trong Đảng, trong hệ thống chính trị.

Muốn có phẩm chất uy tín thì không thể không có văn hóa. Ngay cả năng lực thì cũng phải có văn hóa, bởi văn hóa hiểu rộng ra là những kiến thức của nhân loại. Vì vậy, cán bộ phải thực sự có kiến thức thì mới có thể thực hiện được nhiệm vụ.

Nếu có thể nói một cách ngắn gọn nhất về phẩm chất cần có của một người cán bộ đảng viên, đó sẽ là gì, thưa ông?

Như lời Bác Hồ đã từng dạy, cán bộ đảng viên phải biết cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Ở bối cảnh hiện nay, mặc dù đất nước đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế nhưng so với các nước phát triển khác thì chúng ta càng phải nỗ lực phấn đấu rất nhiều.

Chình vì vậy, cán bộ, đảng viên càng phải nêu cao tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư hơn nữa.

“Sáng là cán bộ tốt, chiều vướng lao lý”

img

Ngoài những chuẩn mực văn hóa chung thì cán bộ, đảng viên phải có những chuẩn mực cao hơn người dân bình thường (Trong ảnh: Cán bộ hướng dẫn người dân làm thủ tục tại bộ phận một cửa, UBND phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: Tạ Hải

Theo ông, tác động của hội nhập kinh tế quốc tế và mặt trái của nền kinh tế thị trường có ảnh hưởng thế nào tới văn hóa, đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay?

Văn hóa chính trị suy cho cùng chính là nêu cao tinh thần trách nhiệm, vì dân, vì nước của những cán bộ, đảng viên. Dù kinh tế thị trường hay không thì cũng phải nêu cao tinh thần này.

Tiến trình hội nhập quốc tế đã mang lại cho chúng ta rất nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức. Nó cũng có những tác động tiêu cực, khiến một số cán bộ, đảng viên bị lôi kéo, mua chuộc bởi đồng tiền.

Tại Hội nghị vừa qua đã có rất nhiều tham luận với không ít giải pháp được đưa ra. Theo tôi, giải pháp đầu tiên và quan trọng bậc nhất đó là nâng cao nhận thức, vị trí vai trò của văn hóa.

Có một thực tế mà đã được nhiều ý kiến chỉ ra, đó là không phải lúc nào, ở đâu cũng có nhận thức đúng về văn hóa. Chúng ta đã xác định văn hóa là động lực nội sinh để phát triển nhanh và bền vững. Chính vì thế, muốn trở thành động lực thì văn hóa phải được đầu tư trước.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội thì cần phải được quan tâm trước, như chúng ta xây một căn nhà thì điều đầu tiên là phải làm móng.

TS. Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam


Mặt trái của nền kinh tế thị trường làm cho một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt dễ bị sa ngã, bị cám dỗ trước đồng tiền, quyền lực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Thời gian qua, nhiều vụ việc vi phạm phải xử lý kỷ luật đối với cán bộ rơi vào những lãnh đạo có vị trí chủ chốt trong các cơ quan, đơn vị, địa phương, do tham nhũng, lãng phí, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định, vi phạm về đạo đức, lối sống.

Với những “viên đạn bọc đường” do mặt trái của kinh tế thị trường “đẻ ra”, nếu cán bộ không tu dưỡng đạo đức thường xuyên, liên tục thì rất có thể “sáng là cán bộ tốt, nhưng chiều lại vướng vào vòng lao lý”.

Nhưng theo tôi, những vi phạm, khuyết điểm ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trong thời gian qua không hẳn là do mặt trái của kinh tế thị trường.

Mà đây chính là hệ quả của sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện của những cán bộ, đảng viên đó.

Như Tổng Bí thư đã nói, nếu anh tu dưỡng, rèn luyện thì trong hoàn cảnh nào cũng trong sáng, quang minh.

Hàng chục nghìn đảng viên có khuyết điểm, vi phạm đã bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự chỉ trong một thời gian ngắn. Ông có cho rằng, đó chính là hệ lụy từ việc xây dựng văn hóa con người mới chưa được thật sự chú trọng và quan tâm đúng mức?

Thời gian qua, chúng ta đã có những quan tâm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa. Tuy nhiên bệnh thành tích, bệnh háo danh, bệnh giả dối, hám tiền, hám lợi, quên cả danh dự, trách nhiệm của mình đã len lỏi, âm ỉ trong một số bộ phận cán bộ đã lâu mà bây giờ mới phát tác.

Việc xử lý cán bộ thời gian qua cũng thể hiện sự quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Muốn trong sạch, vững mạnh thì không thể nào không loại bỏ những phần tử không trong sáng ra khỏi tổ chức của mình.

Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận khách quan là con số hàng chục nghìn đảng viên có những vi phạm, khuyết điểm trong thời gian qua là nhiều, song không phải là đa số trong tổng số đảng viên của chúng ta.

Đại đa số đảng viên, cán bộ của chúng ta vẫn rất gương mẫu, tâm huyết và trách nhiệm với nhân dân. Chính vì vậy mà đất nước ta mới ổn định và phát triển như hiện nay.

Điều này không phải ta tự nhận định mà đã được bạn bè quốc tế đánh giá như thế.

Chính vì vậy, để phát huy những giá trị tốt đẹp, những ưu điểm và hạn chế nhược điểm của cán bộ, đảng viên, thời gian qua chúng ta không chỉ đẩy mạnh giáo dục về đạo đức, tư tưởng, chính trị mà Đảng còn ban hành nhiều quy định, Nhà nước ban hành nhiều chính sách pháp luật để ngăn chặn, đẩy lùi hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống.

Một trong những bài học được rút ra là xây dựng văn hóa trong chính trị được triển khai gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Theo ông, làm thế nào để việc học tập theo Bác diễn ra thực chất?

Nhìn lại tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa chính trị có thể thấy, tinh thần trọng dân, vì dân, đạo đức cách mạng của người cán bộ được đề cập đến rất sâu sắc. Trong đó, tư tưởng của Bác luôn nhấn mạnh quan điểm “vì dân phục vụ”.

Phong cách Hồ Chí Minh là “trọng dân, thương yêu dân, gần gũi dân”. Đảng viên của Đảng và cán bộ, nhân viên của Nhà nước là công bộc trung thành của dân, làm việc theo tinh thần chí công vô tư.

Chính vì vậy mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự chuyên tâm không chỉ trong việc học tập mà phải làm theo đạo đức, phong cách của Người.

Việc học tập và làm theo Bác phải được mỗi cán bộ, đảng viên chủ động, không phải chỉ khi phát động phong trào thì mới tham gia để cho đông đủ. Nếu chủ động học tập và làm theo, thì sẽ tạo thành nền nếp trong mỗi cán bộ, đảng viên.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.