Quản lý

“Cân, đong” chuyện bay thẳng đến Mỹ

02/08/2019, 07:22

Khó khăn, lợi thế... là chuyện được nhiều chuyên gia đề cập tại Tọa đàm “Bay thẳng Việt - Mỹ: Sẵn sàng cho ngày cất cánh” diễn ra chiều 1/8.

img
Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết tin rằng bay thẳng tới Mỹ sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Bamboo

Không còn rào cản pháp lý

Theo Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường, để mở đường bay thì trước hết phải nghiên cứu thị trường, kế đó cần nghiên cứu năng lực của mình đến đâu, cơ sở pháp lý của hai bên như thế nào, có tạo điều kiện hay không? Về khung pháp lý, theo ông Cường, theo Hiệp định Vận tải hàng không Việt Nam - Hoa Kỳ, việc vận tải hàng hoá, hành khách là hoàn toàn mở, không có giới hạn nào. Máy bay của Hoa Kỳ thậm chí có thể đậu tại Việt Nam lấy khách và đưa đến nước thứ 3. Hạn chế duy nhất theo ông Cường là việc trao đổi quyền vận chuyển thứ 5 qua nước thứ 3 (quyền nhận hành khách, hàng hoá, thư tín từ nước thứ hai để chở đến nước thứ ba và ngược lại).

“Đây là điểm then chốt với hãng hàng không Việt Nam. Nếu ta không có phương tiện bay thẳng mà phải có 1 điểm dừng kỹ thuật thì phải có thương quyền 5”, ông Cường nói và cho biết: Hiện tại, Bamboo đang muốn bay thẳng không điểm dừng, do đó không vướng thương quyền 5.

Nhắc lại Cục Hàng không VN đã nhận được phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1) hồi tháng 2/2019, ông Cường khẳng định đây là điều kiện tiên quyết cho phép bất cứ hãng hàng không nào của Việt Nam muốn khai thác đến Hoa Kỳ đều có thể nộp đơn.

Liên quan đến thị trường, ông Cường cho hay, thị trường vận tải hàng không đến Mỹ là một thị trường lớn, giàu tiềm năng với tổng dung lượng thị trường giữa Việt Nam và Hoa Kỳ năm 2017 đạt trên 700 nghìn lượt hành khách với tỷ lệ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010-2017 đạt trên 8%/năm. “Thị trường chỉ cần khoảng 30 nghìn khách/năm là có thể mở được đường bay ngắn. Ngược lại, có đường bay, thị trường lại tiếp tục được mở rộng ra. Như đường bay TP HCM - Thanh Hoá, dự báo ban đầu chỉ khoảng 60 nghìn khách/năm nhưng sau 10 tháng đã đạt được gần 100 nghìn khách”, ông Cường dẫn chứng và khẳng định, có đường bay thẳng đến Mỹ sẽ tạo cơ hội rất lớn cho thị trường phát triển.

Chuyên gia lo lỗ, Chủ tịch FLC khẳng định sẽ lãi

TS Lâm Thuỳ Dương (Viện Chiến lược Phát triển, Bộ KH&ĐT):
“Điểm tựa” là lượng khách tăng nhanh
Lượng khách du lịch Việt Nam đến Mỹ đã tăng mạnh từ mức vài chục nghìn người/năm lên hơn 100 nghìn người vào năm 2018. Ở chiều ngược lại, tiềm năng gia tăng lượng du khách Mỹ vào Việt Nam còn rất lớn. Năm 2017 có khoảng 6,8 triệu người Mỹ đã đến tham quan, du lịch các quốc gia châu Á, nhưng mới chỉ có khoảng 5% số du khách này đến Việt Nam.
Một “điểm tựa” nữa cho đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ là lượng khách đi máy bay là Việt kiều và du học sinh dự kiến sẽ tăng nhanh. Số liệu năm 2017 ghi nhận, có đến hơn 1,3 triệu người Việt cư trú tại Hoa Kỳ. Du học sinh cũng sẽ là lượng khách không nhỏ của các đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ. Năm học 2017-2018, Việt Nam có 24.325 sinh viên tăng 8,4% và con số này dự kiến còn tăng mạnh.


Cũng mong muốn có đường bay thẳng đến Mỹ, Đại sứ Lê Công Phụng, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, mở được đường bay sang Mỹ sẽ đáp ứng được nhu cầu của đông đảo người dân Việt Nam và cộng đồng Việt kiều Mỹ. Mặc dù vậy, ông Phụng cũng bày tỏ e ngại về hiệu quả kinh tế khi cho hay, theo thông tin của ông, hiện các đường bay dài của các hãng hàng không trong nước khai thác đều đang lỗ, dù là đường bay đến Pháp, Đức hay Anh…

Rất nhiều chuyên gia kỳ cựu về hàng không cũng đã khẳng định khai thác đường bay thẳng Việt - Mỹ không hề dễ và Mỹ không thực sự là một thị trường tiềm năng. “Cần phải 5-10 năm, các hãng mới có thể khai thác hòa vốn đường bay này. Ước tính, mức lỗ trong những năm đầu khai thác ít nhất cũng lên tới 30 - 50 triệu USD mỗi năm. Thực tế, United Airlines đã bay đến TP HCM từ năm 2007, sau 5 năm đã chấm dứt đường bay. Delta Airlines cũng đã bay tới TP HCM và cũng phải đóng đường bay rất nhanh sau đó.

Đi ngược lại quan điểm này, cùng với việc tái khẳng định quyết tâm bay thẳng đến Mỹ, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết - cha đẻ của hãng hàng không Bamboo Airways cũng nhấn mạnh: Sẽ bay và sẽ có lãi. “Nhiều người nói Bamboo Airways bay thẳng đến Mỹ là không khả thi, là chém gió. Tôi là người nói nhiều, nhưng làm nhiều hơn nói”.

Nhắc đến con số tổng dung lượng thị trường giữa Việt Nam và Hoa Kỳ năm 2017 đạt trên 700 nghìn lượt hành khách với tỷ lệ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010 - 2017 đạt trên 8%/năm, ông Quyết tự tin: “Tiềm năng cơ hội như thế thì không lý do gì mà không có khách hàng”.

Chia sẻ chi phí cho một chuyến bay đi Mỹ, ông Quyết cho hay: Mỗi tháng, chi phí thuê tàu là 1 triệu USD (23 tỷ đồng), chi phí nhiên liệu 61 tỷ đồng (900 USD/tấn, 175 tấn/chuyến, 17 chuyến/tháng), chi phí kỹ thuật 700 nghìn USD (16 tỷ đồng) và các chi phí dịch vụ mặt đất, khai thác 1 tỷ, chi phí khác 6 tỷ, tổng chi phí mỗi tháng là 113,6 tỷ đồng. Giả sử bán với giá 1.100 USD/vé khứ hồi (25,3 triệu đồng, trong khi Japan Airlines và Cathay Pacific đang bán 1.600 USD và 1.300 USD), nếu bay Boeing 787-9 (với 240 khách), số tiền thu về 98,9 tỷ đồng, lỗ khoảng 14 tỷ. Nếu bay Airbus A350 (280 khách), số tiền thu về là 120,4 tỷ đồng, tương ứng lãi 6,8 tỷ đồng mỗi tháng và chỉ cần tăng 200 USD/vé khứ hồi, tức là bán với giá 1.300 USD/vé khứ hồi, sẽ lãi khoảng 28 tỷ đồng. “Đây là tính bay thẳng, không có điểm dừng. Trong trường hợp qua một nước thứ 3, số lãi còn lớn hơn nhiều”, ông Quyết nói.

Ông Quyết cũng cho hay các tàu bay Boeing 787-9 và Airbus A350 đều có số ghế nhiều hơn, tuy nhiên, Bamboo phải giảm tải để đủ nhiên liệu bay thẳng và tăng ghế C, do đó tính trung bình 240 ghế với B787 và 280 ghế với A350.

Thừa nhận mở đường bay thẳng tới Mỹ cũng có thể có những rủi ro trong đó có việc không thể lấp đầy số ghế như kỳ vọng, ông Quyết vẫn khẳng định, tất cả đã được Bamboo Airways tính tới, và một trong những giải pháp đặt ra là giảm tần suất bay.

Hiện nay hãng đã có hơn 30 phi công đội bay Boeing 787-9 và hơn 10 phi công đã từng bay Airbus 350. Đội ngũ phi công của hãng luôn sẵn sàng để khai thác bay thẳng tới Mỹ vào cuối năm 2020.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.