Tăng đầu tư để cạnh tranh
Sáng 1/11, tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 2401D (Lào Cai), hoạt động đăng kiểm diễn ra bình thường, phía trong khu vực phòng chờ, khách hàng thảnh thơi ngồi uống nước, theo dõi hoạt động kiểm định qua màn hình camera giám sát.
Lãnh đạo trung tâm cho biết, năm 2016, đơn vị này thực hiện cổ phần hóa, chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cổ phần 100% vốn tư nhân.
"Dù giai đoạn đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng việc cổ phần hóa giúp trung tâm được tự chủ trong đầu tư cũng như vận hành hoạt động. Chúng tôi đã tập trung đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu người dân, tăng sự cạnh tranh và thu hút khách hàng", vị này cho hay.
Tương tự, tại Sơn La, ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Công ty CP Đăng kiểm cơ giới thủy, bộ Sơn La (2602D) cho biết, sau khi cổ phần hóa, hoạt động của đơn vị thay đổi theo hướng năng động hơn để cạnh tranh với trung tâm tư nhân khác trên địa bàn.
Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, bộ máy hoạt động khi được cơ cấu lại không còn cồng kềnh như trước, giảm tối đa các thủ tục. Mỗi nhân viên đều phải kiêm nhiệm các công việc khác nhau nhưng luôn phục vụ nhiệt tình, tận tâm.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn Anh, vì không còn là đơn vị sự nghiệp công lập nên giá thuê đất kinh doanh, tiền điện, nước… đều cao hơn trước, trong khi lượng xe ngày càng sụt giảm vì sự xuất hiện của rất nhiều trung tâm khác trên địa bàn. Cùng đó, sau khi quy định về miễn đăng kiểm lần đầu và giãn chu kỳ kiểm định cho một số loại xe có hiệu lực nhưng giá dịch vụ kiểm định không tăng trong 10 năm qua khiến đơn vị rơi vào cảnh khó khăn.
"Lương cho đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ bị giảm, không còn đủ hấp dẫn nên việc tuyển thêm nhân lực ngày càng khó", ông Tuấn Anh chia sẻ.
Cùng cảnh, lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm 2401D cho biết, dù đã cổ phần hóa được 8 năm nhưng đơn vị còn khó khăn về tài chính, thu không đủ chi. Hiện nay, thu nhập của đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ chỉ trên mức lương tối thiểu một chút.
Tách bạch quản lý và cung cấp dịch vụ
Theo Quyết định 17/2024 của Thủ tướng Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 10/12/2024), đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực kiểm định kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa (trừ lĩnh vực đăng kiểm tàu biển và công trình biển) sẽ chuyển đổi sang công ty cổ phần, Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 17/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 26/2021 về danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, có hiệu lực từ ngày 10/12/2024.
Quyết định đã bổ sung thêm 3 ngành, lĩnh vực đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chuyển thành công ty cổ phần, Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ gồm: Kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; Kiểm định xây dựng; Kiểm định kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa (trừ lĩnh vực đăng kiểm tàu biển và công trình biển).
Thực tế, tại nhiều địa phương, từ năm 2016, bên cạnh các trung tâm đăng kiểm tư nhân, nhiều trung tâm đăng kiểm trước đây là đơn vị trực thuộc Sở GTVT cũng đã thực hiện cổ phần hóa.
Như vậy, khác với giai đoạn trước, các trung tâm đăng kiểm là đơn vị sự nghiệp công lập có thể cổ phần 100% vốn tư nhân thì nay, chỉ cổ phần tối đa 49% vốn tư nhân, Nhà nước vẫn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Đại diện Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ GTVT cho biết, theo mô hình hiện nay, các trung tâm đăng kiểm khối V (thuộc Bộ GTVT) không là đối tượng thuộc Quyết định 17/2024 để chuyển đổi mô hình cổ phần hóa.
Đối với các trung tâm đăng kiểm địa phương (thuộc UBND tỉnh) là đơn vị sự nghiệp công lập sẽ phải triển khai theo Quyết định 17/2024 khi đủ điều kiện.
Ngoài ra, hiện Cục Đăng kiểm VN đang xây dựng, hoàn thiện Đề án "Đổi mới công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm" theo hướng tách chức năng quản lý Nhà nước với cung cấp dịch vụ công.
Trong đó, sẽ thành lập các trung tâm sự nghiệp công lập để quản lý các đơn vị đăng kiểm. Khi đề án được thông qua, các trung tâm sự nghiệp công lập đi vào hoạt động, trong 3 năm sẽ rà soát, đánh giá có nên cổ phần hóa hay không cũng như kế hoạch, lộ trình việc cổ phần hóa.
Hoạt động có lãi mới đủ điều kiện
Một chuyên gia lĩnh vực đăng kiểm cho biết, theo Nghị định 150/2020, điều kiện để chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần là đơn vị phải có vốn và tài sản, là pháp nhân độc lập, có báo cáo tài chính 3 năm, tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư hoặc tự đảm bảo được chi thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi (tức là hoạt động có lãi).
Khi đơn vị đủ điều kiện này, chủ sở hữu lên kế hoạch, lộ trình cổ phần hóa, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, được phê duyệt mới được tổ chức thực hiện.
Chiếu các điều kiện trên với lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới, hiện các trung tâm đăng kiểm khối V (thuộc Bộ GTVT) không thuộc đối tượng này khi không có tài sản được giao (tài sản chủ yếu là con người), mặt bằng đi thuê và nguồn tài chính vẫn còn phụ thuộc vào đơn vị chủ sở hữu.
Đối với các trung tâm đăng kiểm là đơn vị sự nghiệp công lập ở địa phương (khối S), UBND tỉnh/thành phố sẽ có trách nhiệm rà soát điều kiện của từng đơn vị để lên kế hoạch cổ phần hóa và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi thực hiện.
Các trung tâm đăng kiểm mong muốn gì?
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, thực hiện chuyển đổi sang công ty cổ phần trong giai đoạn 2017-2020, vào năm 2018-2019, Trung tâm Đăng kiểm 2201S (Tuyên Quang) cũng tiến hành làm thủ tục định giá tài sản, phương án cổ phần hóa.
Tuy nhiên, theo đại diện trung tâm này, khi UBND tỉnh có công văn gửi Bộ Kế hoạch & Đầu tư để báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, việc cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp hoạt động lĩnh vực kiểm định xe cơ giới chưa thực hiện tiếp cho đến trước năm 2025.
"Chính vì vậy, dù đã sẵn sàng nhưng hiện trung tâm vẫn là đơn vị sự nghiệp công lập. Tới đây, nếu tỉnh rà soát và quyết định tái cổ phần hóa, đơn vị sẽ phải thực hiện định giá tài sản, phương án cổ phần hóa lại từ đầu", vị này cho hay.
Tại Hòa Bình, Trung tâm Đăng kiểm 2801S có quyết định cổ phần hóa từ 7 năm trước nhưng đến nay cũng chưa thực hiện được. Đại diện đơn vị cho biết, trung tâm mới chuyển đổi vị trí, đầu tư trang thiết bị mới, thời gian khấu hao còn dài. Việc cổ phần hóa sẽ khó thu hút được nhà đầu tư do chi phí lớn, trong khi lượng xe đăng kiểm sụt giảm.
Lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm 2903V (Hà Nội) cho biết, thời gian qua dù chưa có chủ trương cổ phần hóa nhưng do ảnh hưởng của các chính sách về chu kỳ đăng kiểm khiến lượng xe giảm mạnh. Đơn vị cũng đã chủ động cơ cấu lại nhân sự, sắp xếp bộ máy làm việc gọn gàng nhất để cơ cấu chi phí hợp lý, hiệu quả. Đến nay, trung tâm đăng kiểm này chỉ còn 21 cán bộ, nhân viên, trong khi trước đây có 25-30 người.
"Nếu có chủ trương và đủ điều kiện cổ phần hóa, sẽ thực hiện theo lộ trình. Tuy nhiên, cổ phần hóa đồng nghĩa với việc trung tâm phải tự chi trả lương, thưởng cho người lao động trong khi trong nhiều tháng qua, đơn vị vẫn phải xin hỗ trợ từ Cục Đăng kiểm VN.
Chưa năm nào, đầu tháng 10 lượng xe đến đăng kiểm vắng như hiện nay. Nếu giá dịch vụ kiểm định xe không tăng, hầu hết các trung tâm đăng kiểm đều phải gồng lỗ mỗi tháng. Với bối cảnh này, khó có thể thu hút được nhà đầu tư mua cổ phần", vị này nhìn nhận.
Đồng quan điểm, lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm 2201S cho biết, dự kiến giai đoạn 2025-2027, lượng xe có nhu cầu đăng kiểm khó có thể tăng trưởng. Chưa kể, khi chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp đồng nghĩa với việc các chi phí về thuê đất, tiền điện cũng sẽ tăng theo, không còn được hưởng mức giá như đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong khi số lượng các trung tâm đăng kiểm ngày càng tăng, để cổ phần hóa hiệu quả, cần sớm ban hành giá dịch vụ kiểm định mới. Mức tăng phải đảm bảo nguồn thu của trung tâm để có thể chi trả được các khoản chi phí, trả lương phù hợp cho người lao động. Mặt khác, cần sớm có trợ cấp độc hại cho đăng kiểm viên vì môi trường làm việc rất khắc nghiệt, qua đó, có thêm yếu tố thu hút nhân lực cho lĩnh vực này.
Theo thống kê, cả nước hiện có 292 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới với 542 dây chuyền, trong đó 69 đơn vị khối S và 13 đơn vị khối V, còn lại là các trung tâm đăng kiểm tư nhân.
Có 10 địa phương đã thực hiện cổ phần hóa trung tâm đăng kiểm trong thời gian qua, gồm: Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Tĩnh, Lào Cai, Sơn La, Bến Tre, Hậu Giang, Quảng Nam, Bắc Kạn, Hải Dương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận