Chuyện dọc đường

Cần gì để người dân bỏ xe cá nhân?

26/09/2023, 06:25

Việc hạn chế xe cá nhân được xem là giải pháp cần kíp. Tuy nhiên, hạn chế theo cách nào hoàn toàn không đơn giản.

Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu các địa phương ưu tiên đầu tư vận tải hành khách công cộng, nhất là loại hình lưu lượng lớn.

Người dân được khuyến khích chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông xanh gắn với lộ trình hạn chế dần phương tiện cá nhân tại đô thị lớn.

photo-1695661418291

Đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm do quá nhiều phương tiện cá nhân tham gia giao thông. Ảnh: Tạ Hải.

Chính phủ giao các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội và TP.HCM phân luồng giao thông, quản lý xe cá nhân để tạo không gian đi bộ trên vỉa hè cho người dân, giúp họ dễ tiếp cận phương tiện vận tải công cộng.

Vào năm ngoái, Chính phủ cũng đã giao 5 thành phố trực thuộc Trung ương là: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP.HCM nghiên cứu xây dựng đề án phân vùng hạn chế xe máy phù hợp hạ tầng và năng lực vận tải hành khách công cộng.

Hạn chế xe cá nhân tại các đô thị lớn luôn là vấn đề được nhiều người dân quan tâm, ủng hộ. Tuy nhiên, khi triển khai, người dân cũng có quyền đòi hỏi việc nhu cầu đi lại của họ cũng phải được giải quyết một cách thuận tiện nhất.

Chỉ tính riêng tại Hà Nội, hiện có khoảng 6,4 triệu phương tiện, trong đó xe máy là 5,6 triệu; ô tô 600.000, thêm khoảng 2 triệu phương tiện vãng lai. Với số lượng phương tiện không ngừng gia tăng, áp lực đối với giao thông của thành phố mỗi ngày một lớn.

Vì thế, việc hạn chế xe cá nhân được xem là giải pháp cần kíp. Tuy nhiên, hạn chế theo cách nào hoàn toàn không đơn giản. Việc dừng hoạt động xe máy ở các quận bên trong Vành đai 3 và 4 đã được tính đến.

Còn tại TP.HCM, nơi đang có khoảng 8,4 triệu phương tiện, đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát xe cá nhân cũng đã được xây dựng. Xe máy sẽ được hạn chế đầu tiên ở khu trung tâm, sau đó mở rộng qua khu vực lân cận khi đủ điều kiện. Đến năm 2025, khu vực hạn chế xe máy dự kiến tại một số tuyến đường trong giờ cao điểm...

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là khi hạn chế xe máy, người dân sẽ đi lại bằng phương tiện gì? Hiện nay, hệ thống vận tải hành khách công cộng mới chỉ đáp ứng được tỷ lệ nhỏ nhu cầu của hành khách. Ngoài tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, tuyến buýt nhanh BRT ở Hà Nội, lựa chọn duy nhất của người dân vẫn là xe buýt (gồm cả buýt thường và một số tuyến buýt điện).

Trong khi đó, cần thẳng thắn nhìn nhận, dịch vụ và chất lượng xe buýt hiện nay phần lớn chưa thực sự tốt để người dân lựa chọn thay thế phương tiện cá nhân. Việc trễ giờ, tắc đường, chất lượng phục vụ khiến nhiều người còn e ngại.

Và để hạn chế xe cá nhân, việc thu phí vào trung tâm cũng đã được đặt ra. Nhưng mức thu bao nhiêu, có phù hợp với đại bộ phận người dân hay không… cũng là vấn đề lớn, chưa có được câu trả lời rõ ràng.

Với việc một số tuyến metro sẽ được đưa vào sử dụng thời gian tới ở cả hai đô thị lớn, người dân sẽ có thêm lựa chọn. Tuy nhiên, việc kết nối giao thông thế nào để người dân thuận tiện trong đi lại thì vẫn chưa rõ.

Có thể nói, hạn chế xe cá nhân là cần thiết, song hạn chế theo cách thức thế nào lại là vấn đề không đơn giản. Điều này đòi hỏi các đô thị lớn cần tham khảo kinh nghiệm từ các thành phố lớn trên thế giới, xem xét kỹ lưỡng với điều kiện cụ thể để áp dụng.

Và quan trọng nhất, khi người dân thấy được lợi ích từ phương tiện công cộng mang lại, tự khắc họ sẽ bỏ phương tiện cá nhân. Bởi chẳng ai muốn hàng ngày phải đối mặt với ùn tắc, tai nạn, khói bụi. Vấn đề là chính quyền làm thế nào để người dân thấy được điều đó.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.