Quản lý

Cần làm gì để đường sắt hút khách du lịch?

07/11/2019, 07:13

Với mạng lưới 15 tuyến đường sắt đi qua 34 tỉnh, TP, nhưng đường sắt mới chỉ vận chuyển hơn 10% lượng khách du lịch, với tổng doanh thu 0,53%.

img
Nâng cấp hạ tầng đường sắt là việc làm tiên quyết nhằm hút khách đi tàu. Ảnh: Khánh Linh

Hạ tầng xuống cấp, phương tiện vừa yếu vừa thiếu

Chia sẻ với Báo Giao thông sau khi kết thúc mùa cao điểm du lịch hè vừa qua, lãnh đạo nhiều công ty du lịch cho biết, chất lượng dịch vụ của đường sắt đã có cải thiện so với trước. Tuy nhiên, việc cải thiện này vẫn chậm và chưa đáp ứng được đòi hỏi ngày càng khắt khe của hành khách.

Ông Phạm Quang Tùng, Giám đốc Công ty Du lịch TSC cho biết, do hạ tầng đường đơn, tàu phải tránh vượt nhiều, chỉ xảy ra một sự cố là hàng chục đoàn tàu phải rồng rắn dừng nhiều tiếng chờ đợi, ảnh hưởng lớn đến chương trình tour của các đoàn khách. Cùng đó, chất lượng phương tiện chưa đảm bảo; hạ tầng, dịch vụ dưới ga còn nghèo nàn, chưa “nhắm” trúng yêu cầu của khách du lịch. “Khách quốc tế sang Việt Nam có nhu cầu trải nghiệm đi bằng tàu hỏa cao nhưng họ cũng có yêu cầu rất cao về các dịch vụ, nhưng đa số đều chưa đáp ứng được”, ông Tùng bày tỏ.

Bà Phạm Thị Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Violette trains Việt Nam chia sẻ: “Hạ tầng đường sắt nhiều năm nay vẫn thế. Một số ga có cải tiến hơn, có mái che, ke ga, khu vực đón ga cũng khang trang hơn. Gần đây, toa xe cũng được đầu tư cải tạo, đóng mới. Tuy nhiên, cần phải đầu tư, cải tiến liên tục vì cứ đi vào hoạt động một thời gian lại xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu của khách, nhất là khu vệ sinh, hiện còn khá nhếch nhác”.

Một cán bộ làm dịch vụ vận tải, du lịch đường sắt phía Nam (đề nghị giấu tên) cho biết, hành trình dài, tàu xóc lắc và chậm nhiều giờ là những vấn đề mà khách du lịch hay phàn nàn nhất. “Chất lượng dịch vụ, giá vé đã được cải thiện so với trước. Nhưng hành trình dài quá, đi tàu Sài Gòn - Đà Nẵng nhanh nhất cũng mất hơn mười 10 giờ. Tàu xóc lắc nên khách cũng đâu nghỉ ngơi được? Thành ra gần đây lượng khách du lịch bằng đường sắt có phần chững lại”, vị này nhận xét.

Theo bà Kim Thị Thu Hà, Phó ban Kế hoạch kinh doanh, Tổng công ty Đường sắt VN, phản ánh của các đơn vị du lịch cũng chính là những tồn tại lâu nay của đường sắt. Theo thống kê, đường sắt mới chỉ vận chuyển tương đương hơn 10% lượng khách du lịch, với tổng doanh thu tương đương 0,53%. Đây là con số rất khiêm tốn so với mạng lưới 15 tuyến đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành phố, nhiều địa danh du lịch nổi tiếng khắp Bắc, Trung, Nam.

Cải thiện từ gốc hạ tầng

Kết cấu hạ tầng đường sắt xuống cấp, cộng thêm hạn chế tốc độ chạy tàu, ảnh hưởng lớn tới chất lượng dịch vụ khách du lịch. Đáng nói, trong số 297 ga toàn mạng lưới đường sắt, có đến 220 ga đã được xây dựng từ rất lâu, quá niên hạn sử dụng; trong đó có 25 nhà ga đã được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Về phương tiện, đường sắt hiện có 23 chủng loại toa xe với 1.008 toa xe khách; trong đó chỉ có 667 toa xe có niên hạn sử dụng dưới 30 năm.


Trước thực trạng trên, Bộ GTVT đang lập và xin ý kiến góp ý rộng rãi về Đề án cải thiện hạ tầng và chất lượng dịch vụ đường sắt phục vụ khách du lịch. Mục tiêu của đề án là nhằm tăng cường kiểm soát, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt trong hoạt động phục vụ khách du lịch, nâng cao hình ảnh, uy tín của phương thức vận tải đường sắt phục vụ du lịch nói riêng. Đồng thời, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt có trọng tâm, trọng điểm nhằm tăng cường kết nối với các phương thức vận tải.

Đề án đặt ra mục tiêu nâng cao thị phần vận tải đường sắt, từ năm 2020 - 2030 đáp ứng khoảng 3 - 4% thị phần vận tải hành khách theo Chiến lược phát triển GTVT đường sắt đã đề ra. Để thực hiện mục tiêu này, dự thảo đưa ra các giải pháp ở 4 nhóm đối tượng chính: Kết cấu hạ tầng đường sắt; Phương tiện vận tải đường sắt; Điều hành vận tải đường sắt; Dịch vụ phục vụ hành khách đường sắt. Trong đó, nhóm giải pháp hàng đầu là nâng cao đầu tư cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt. Theo đó, cần tăng thêm chi phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt hàng năm để thực hiện tốt công tác bảo trì, giảm xóc lắc với việc bổ sung thêm từ 500 - 1.000 tỷ đồng/năm từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế. Cùng đó, cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM và tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai giai đoạn 2, hiện đang là hai tuyến du lịch trọng điểm của đường sắt.

Bà Kim Thị Thu Hà cho biết, Tổng công ty Đường sắt VN cũng đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ và khai thác nhà ga. Theo đó, đơn vị này kiến nghị Nhà nước tăng vốn tại 297 khu ga và tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát để Tổng công ty tự đầu tư hoặc kêu gọi xã hội hóa đầu tư, phát triển các khu ga đường sắt thành các trung tâm dịch vụ thương mại và du lịch tại địa phương. “Về phương tiện, thời gian tới, ngành đường sắt dự kiến sẽ đầu tư 1.100 tỷ đồng, trong đó đầu tư đầu máy khoảng 400 tỷ đồng, toa xe 600 tỷ đồng, phụ tùng - vật tư sửa chữa cải tạo 100 tỷ đồng”, bà Hà thông tin.Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, năng lực hạ tầng hạn chế dẫn đến hành trình tàu dài, rất khó cạnh tranh với các phương tiện khác. Nhà ga chưa được đầu tư tương xứng, chưa có các khu dành riêng phục vụ khách du lịch... do đó, đầu tư hạ tầng chính là đầu tư cái gốc để tăng năng lực phục vụ khách du lịch của ngành Đường sắt. “Đầu tư bằng nguồn vốn nào, từ tổng công ty, các công ty vận tải đường sắt hay các đối tác khác, tới đây cần nghiên cứu, tuy nhiên, mục đích vẫn phải vì phục vụ hành khách, không phải vì lợi ích thương mại”, bà Lý Hà nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.