Ngày 12/5, nguồn tin của Báo Giao thông cho biết, UBND TP Cần Thơ vừa có văn bản gửi UBND 2 tỉnh Đồng Tháp và Kiên Giang về việc đề xuất đầu tư dự án cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu trong giai đoạn 2023 - 2030 từ nguồn vốn Trung ương.
Hồi cuối năm 2022, UBND TP Cần Thơ cũng đã có công văn đề nghị UBND 2 tỉnh Đồng Tháp và Kiên Giang xem xét, có ý kiến thống nhất giao cho Cần Thơ làm cơ quan chủ quản, lập đề án đề xuất dự án cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu tham gia chương trình DPO (hỗ trợ ngân sách có mục tiêu).
Sông Hậu - đoạn một bên là Cần Thơ, một bên là Đồng Tháp
Trong đó chi phí đầu tư xây dựng công trình sẽ do Cần Thơ chịu trách nhiệm và tổ chức thực hiện. Chi phí GPMB và tái định cư sẽ do Cần Thơ và Đồng Tháp chịu trách nhiệm và thực hiện. 2 địa phương sau đó đã có công văn thống nhất với đề xuất của Cần Thơ.
Hồi tháng 2/2023, UBND TP Cần Thơ có tờ trình đến Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính đề xuất dự án cầu Ô Môn tham gia chương trình DPO với tên gọi Dự án Phát triển mạng lưới giao thông vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu TP Cần Thơ - Dự án 2 (Đầu tư xây dựng cầu Ô Môn qua sông Hậu, kết nối Cần Thơ và Đồng Tháp).
Ngày 10/4, Bộ Tài chính có công văn gửi Bộ KH&ĐT, UBND TP Cần Thơ góp ý các đề xuất dự án sử dụng vốn vay Nhật Bản, trong đó có nội dung:
Việc xây dựng cầu Ô Môn mang tính chất liên kết vùng, theo quy định nhiệm vụ chi đầu tư phát triển của ngân sách Trung ương bao gồm: việc đầu tư cho dự án, các dự án có tính chất liên kết vùng, khu vực của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương.
Do vậy, việc đầu tư Dự án 2 thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương.
Cầu Vàm Cống - 1 trong những cây cầu vượt sông Hậu
Bên cạnh đó, tại cuộc họp Ban điều phối chung các dự án Mekong DPO hồi tháng đầu tháng 4/2023, Bộ KH&ĐT có ý kiến chưa thống nhất đưa cầu Ô Môn vào danh mục dự án tham gia Chương tình Mekong DPO trình Thủ tướng. Dự án sẽ được đầu tư trong giai đoạn tiếp theo.
Từ những lý do đó, UBND TP Cần Thơ đề nghị UBND 2 tỉnh Đồng Tháp và Kiên Giang xem xét, thống nhất quan điểm về việc đầu tư xây dựng cầu Ô Môn nằm trên tuyến hành lang liên vùng.
Theo UBND TP Cần Thơ, dự án phù hợp với quy hoạch tuyến đường kết nối huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) - quận Ô Môn (Cần Thơ) - TP Sa Đéc (Đồng Tháp).
Trong đó cầu Ô Môn là tuyến đường liên tỉnh kết nối thông suốt TP Cần Thơ với 2 tỉnh còn lại và các vùng ĐBSCL và tuyến đường này đã được đưa vào quy hoạch.
UBND TP Cần Thơ cho rằng, cầu Ô Môn là hạng mục hết sức quan trọng để kết nối thông suốt tuyến đường nói trên. Khi hoàn thành, cầu Ô Môn sẽ hoàn thiện tuyến hành lang liên tỉnh theo quy hoạch được duyệt, tăng cường liên kết vùng.
UBND TP Cần Thơ đề nghị Chính phủ giao Bộ GTVT nghiên cứu đầu tư cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu từ nguồn vốn Trung ương.
Theo tờ trình của UBND TP Cần Thơ trước đó, dự án cầu Ô Môn có tổng chiều dài khoảng 5,4km, điểm đầu giao QL54, cách bến phà Phong Hòa - Ô Môn khoảng 2,7km về phía thượng nguồn sông Hậu (thuộc tỉnh Đồng Tháp).
Điểm cuối tại điểm giao ĐT920 (thuộc địa phận phường Thới An, quận Ô Môn). Cầu thiết kế có quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, vận tốc 80km/h.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 9.187 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng, các thiết bị hơn 5.950 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 291 tỷ đồng...
Cần Thơ đề xuất sử dụng nguồn vốn ODA (vay từ Nhật Bản) khoảng 7.276 tỷ đồng, còn lại hơn 1.911 tỷ đồng sử dụng từ ngân sách TP và các nguồn vốn khác. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023-2030.
Trên sông Hậu đoạn thuộc TP Cần Thơ có cầu Cần Thơ và cầu Vàm Cống, nối với tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp. Cầu Ô Môn dự kiến nằm giữa 2 cầu này.
UBND TP Cần Thơ cho rằng khoảng cách giữa 2 cầu này hơn 50km, chưa đảm bảo thuận lợi cho kết nối giữa các tỉnh trong khu vực.
Hơn nữa, thời gian di chuyển của phương tiện giao thông kéo dài, làm tăng lượng khí thải nhà kính gây ra sự nóng lên toàn cầu, từ đó làm biến đổi khí hậu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận