Hạ tầng

Cảng hàng không Điện Biên chờ cơ hội bứt phá

02/05/2019, 07:00

Việc quy hoạch, mở rộng CHK (sân bay) Điện Biên là cơ hội để các tỉnh Tây Bắc nói chung và Điện Biên nói riêng tạo bứt phá phát triển kinh tế.

img
Sân bay Điện Biên hiện có vỏn vẹn 2 chuyến/tuần (Điện Biên - Hà Nội) và chỉ khai thác
được dòng máy bay nhỏ (ATR72). Ảnh: Khánh Linh

Sân bay có nhưng… chưa đủ tầm

Sân bay Mường Thanh được xây dựng và hoàn thành trong những năm thực dân Pháp chiến tranh, chiếm đóng nước ta. Sân bay dã chiến này sau đó thành cứ điểm 206 đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp vận lương thực, súng đạn, quân dược và người nên được xem là sân bay trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong suốt một quãng thời gian dài tới khi cuộc chiến kết thúc.

Năm 1958, quân đội nước ta đảm nhiệm việc quản lý sân bay này. Tới năm 1984, tròn kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đường bay Hà Nội - Điện Biên chính thức được khai thác, các hạng mục công trình sân bay được khôi phục cơ bản cho phép tiếp nhận an toàn các loại máy bay AN24, AK40 hoặc tương đương. Tuy nhiên, sau gần 1 năm khai thác thì điều kiện kỹ thuật vẫn chưa đảm bảo nên sân bay lại ngừng hoạt động và tiếp tục đưa vào sửa chữa.

Tới năm 2004, sân bay này được cấp thêm kinh phí để tu bổ và sửa chữa lại sân đỗ máy bay, lúc này diện tích đã lên tới 12 nghìn m2 với tổng cộng 4 vị trí đỗ khác nhau. Nhà ga hành khách cũng được trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại cùng diện tích khá rộng lên tới 2.500m2, tiếp nhận khoảng 150 hành khách/giờ cao điểm. Tuy nhiên, sân bay Ðiện Biên chỉ khai thác được dòng máy bay nhỏ (ATR72), mỗi tuần có 2 chuyến bay Ðiện Biên - Hà Nội. Những hôm thời tiết xấu, ngay cả hai chuyến bay ít ỏi trong tuần cũng bị hủy… Trong khi đó, nếu đi đường bộ lên Điện Biên mất khoảng 10 - 12 giờ với chặng đường khoảng 500km, qua nhiều đèo cua nguy hiểm.

“Ðiện Biên lại là tỉnh phên giậu phía Tây Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới dài 455km, tiếp giáp 2 nước CHDCND Lào và Trung Quốc, có vị trí vô cùng trọng yếu về quốc phòng, an ninh. Do đó, lãnh đạo tỉnh Ðiện Biên cần xin chủ trương của T.Ư đầu tư nâng cấp CHK Ðiện Biên nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Bên cạnh đó là giữ vững quốc phòng - an ninh trong mọi tình huống”, ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết.

Người dân sẵn sàng di dời nhường đất làm sân bay

Ngày 23/10/2018, Bộ GTVT, UBND tỉnh Điện Biên và các đơn vị liên quan họp xem xét, đánh giá đề xuất dự án đầu tư, xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên của Vietjet, thống nhất việc nghiên cứu phương án đầu tư đường cất/ hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, nhà ga hành khách và các công trình đồng bộ (trừ công trình quản lý bay) theo hình thức PPP loại hợp đồng BOT thông qua việc thu giá dịch vụ để hoàn thành toàn bộ vốn đầu tư. UBND tỉnh Điện Biện chịu trách nhiệm thực hiện công tác GPMB cho dự án.

Theo ông Sơn, sân bay Điện Biên là cầu nối quan trọng kết nối Điện Biên với Thủ đô Hà Nội, các miền trong cả nước và quốc tế, giữ vị trí xung yếu trong đảm bảo quốc phòng - an ninh quốc gia và phát triển kinh tế vùng, đặc biệt quan trọng trong việc triển khai xử lý các tình huống khẩn cấp phục vụ an ninh quốc phòng quốc gia.

“Hiện nay, hạ tầng sân bay Điện Biên chỉ khai thác được máy bay ATR72 và tương đương trở xuống, chưa được đầu tư hệ thống đèn đêm và các trang thiết bị dẫn đường hiện đại nên hoạt động bay gặp nhiều khó khăn, chỉ khai thác được vào ban ngày, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, khí tượng… Bởi vậy, không thể mở thêm các đường bay dài đến các khu vực trong nước và quốc tế. Đây là nút thắt ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, “việc đầu tư cải tạo, nâng cấp sân bay Điện Biên theo quy hoạch được duyệt là rất cấp bách nhằm nâng cao năng lực vận tải hàng không, đồng thời mở thêm một số tuyến bay mới tại sân bay Điện Biên (cả tuyến nội địa và quốc tế) sẽ là tiền đề quan trọng tạo điều kiện cho Điện Biên phát triển đồng bộ và nhảy vọt; thu hút các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế, khai thác các thế mạnh tiềm năng”. Tỉnh Điện Biên đã giao cho các sở, ngành của tỉnh chủ động xây dựng phương án quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án CHK Điện Biên theo quy hoạch điều chỉnh được Bộ GTVT phê duyệt. Đến thời điểm hiện tại, công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư của dự án đã được rà soát, lên phương án với tổng kinh phí dự kiến là 1.210 tỷ đồng (bao gồm cả dự phòng 10%).

“Tỉnh Điện Biên cam kết sẽ chủ động sắp xếp, bố trí bằng nguồn vốn ngân sách địa phương để triển khai thực hiện đảm bảo theo yêu cầu tiến độ của dự án”, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.

Theo tìm hiểu của PV, tới thời điểm này, Sở Xây dựng Điện Biên đã có kế hoạch và phương án GPMB, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng khi triển khai dự án mở rộng CHK Điện Biên. Theo đó, có 4 vị trí tái định cư cho các hộ dân thuộc các tổ 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10 thuộc phường Thanh Trường, TP Điện Biên Phủ và thôn 2a, 2b xã Thanh Luông, huyện Điện Biên đã được lập sơ đồ và bố trí quỹ đất. Công tác tuyên truyền di dời cũng đã được chính quyền các phường, xã phổ biến đến các hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng.

Bà Lò Thị Ngoãn, tổ 1, phường Thanh Trường, TP Điện Biên Phủ cho biết: “Gia đình đã được chính quyền địa phương phát phiếu khảo sát các nhân khẩu và tuyên truyền về kế hoạch GPMB, hỗ trợ tái định cư để nhường đất cho dự án mở rộng, nâng cấp sân bay Điện Biên. Mặc dù chưa biết các hộ dân ở đây sẽ được di dời về đâu nhưng nếu tỉnh bố trí đến nơi có điều kiện sinh sống tốt, có cơ hội phát triển kinh tế thì chúng tôi sẵn sàng thực hiện”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.