Đến năm 2030, cụm cảng nước sâu Lạch Huyện dự kiến sẽ khẳng định được vai trò cảng cửa ngõ phía Bắc với 18 bến cảng thay vì chỉ có 2 bến như hiện tại (Ảnh minh họa)
Giảm bến container, tăng chiều dài cầu cảng
Công ty Tư vấn xây dựng Cảng - Đường thủy (Tedi Port) đang phối hợp với Cục Hàng hải VN hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu bến cảng Lạch Huyện đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trình Bộ GTVT xem xét, phê duyệt. Quy hoạch lần này sẽ có hàng loạt thay đổi so với quy hoạch trước đó tại quyết định số 2973 được Bộ GTVT phê duyệt năm 2014.
Theo quy hoạch hiện tại, cụm cảng Lạch Huyện sẽ có 6 bến container, 3 bến tổng hợp. Năm 2030 sẽ có 16 bến container với tổng chiều dài 6.000m, 7 bến tổng hợp có tổng chiều dài 1.750m, khả năng tiếp nhận tàu container đến 8.000 Teu, tàu tổng hợp đến 100.000 DWT.
Nhằm nâng cao công suất khai thác của cụm cảng Lạch Huyện, Cục Hàng hải VN cũng đã nghiên cứu, đề xuất phương án nâng cấp luồng hàng hải Lạch Huyện thành luồng hai chiều theo hướng tận dụng taluy bên phải để mở rộng luồng. Trong đó, chiều bên phải dự kiến phục vụ tàu 10.000 DWT đầy tải, 20.000 DWT giảm tải. Chiều hiện hữu phục vụ các tàu đến 100.000 DWT theo thiết kế.
Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải VN
Tại dự thảo quy hoạch mới, đến năm 2025, số bến container dự kiến từ 5 - 6 bến và 2 bến tổng hợp. Năm 2030 sẽ có 10 - 12 bến container với chiều dài từ 4.200 - 5.100m, 3 bến tổng hợp tổng chiều dài 1.000m, năng lực tiếp nhận tàu container đến 12.000 Teu và tàu tổng hợp đến 100.000 DWT.
Về số lượng bến, con số 23 bến container và tổng hợp tại Lạch Huyện vào năm 2030 được điều chỉnh giảm xuống chỉ còn 13 - 15 bến ở cùng thời điểm.
Đặc biệt, trước xu thế gia tăng kích cỡ của đội tàu container thế giới, quy mô bến tại Lạch Huyện cũng được điều chỉnh tăng từ 750m lên 950m/cảng.
Sản lượng hàng hóa thông qua cảng cũng được điều chỉnh. Năm 2025, tổng lượng hàng thông qua ước đạt 31 - 35 triệu tấn, trong đó hàng container từ 27 - 30 triệu tấn (tương đương 2,2 - 2,4 triệu Teu). Đến năm 2030, tổng lượng hàng thông qua ước khoảng 76 - 85 triệu tấn, hàng container từ 69 - 76 triệu tấn (tương đương 5,5 - 6,1 triệu Teu)
So sánh với quy hoạch khu Lạch Huyện năm 2014, tỷ trọng container dự báo trong giai đoạn 2025 - 2030 tại quy hoạch lần này chỉ bằng 60 - 70%. Sự điều chỉnh này là do theo tiến trình đầu tư tại Lạch Huyện đang chậm và tư vấn căn cứ vào khả năng xây dựng thực tế tại cụm cảng.
Theo lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, bên cạnh việc điều chỉnh về năng lực tiếp nhận tàu, quy mô, số lượng bến cảng, đơn vị tư vấn cũng đề xuất phân lại khu chức năng tại Lạch Huyện.
Nếu quy hoạch trước đây, các bến phục vụ tàu tổng hợp và tàu container được sắp xếp trong cùng một khu bến thì quy hoạch điều chỉnh bổ sung khu vực thượng lưu bến 1 (tính đến bến phà Gót hiện tại) và khu vực đảo Cái Tráp.
Trên cơ sở đó, các khu bến được phân định chuyên biệt hơn với khu bến container sẽ nằm tại vị trí từ bến số 1 hiện hữu ra phía ngoài biển để đáp ứng vai trò là cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế. Khu bến tổng hợp (kết hợp bến khách quốc tế khi có nhu cầu) được ấn định từ thượng lưu bến số 1 đến vị trí di dời phà Gót.
Khu bến hàng lỏng, khí sẽ nằm ở khu vực đảo Cái Tráp với chiều dài cầu cảng khoảng 1.000m thay vì quy hoạch tại bờ trái sông Chanh.
Đặc biệt, quy hoạch điều chỉnh đã bố trí rõ các bến sà lan phục vụ vận chuyển hàng hóa đến cụm cảng nước sâu phía Bắc.
Trong đó, giai đoạn 2025 - 2030, kịch bản thấp hàng container chiếm 2%, hàng tổng hợp chiếm 30% hàng qua cảng biển Hải Phòng, Lạch Huyện sẽ có số lượng 6 - 15 bến; kịch bản cao hàng container chiếm 5%, hàng tổng hợp chiếm 35% hàng qua cảng biển Hải Phòng sẽ có từ 7 - 18 bến.
Sẵn sàng kết nối đa phương tiện
Đề cập tới năng lực hạ tầng giao thông phục vụ cho cảng nước sâu Lạch Huyện, ông Lê Tấn Đạt, Phó TGĐ Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình Hàng hải cho biết, hiện tại, theo quy hoạch, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện hiện nay đủ để thông qua hàng hóa cho 15 bến ở khu Lạch Huyện (đến năm 2030).
Bên cạnh đó là tuyến đường Tân Vũ - Lạch Huyện được quy hoạch bề rộng 122m gồm 8 làn đường chính và 4 làn đường gom, hiện mới xây dựng được 4 làn.
Tuyến đường sau cảng quy hoạch quy mô hơn 97m bao gồm 8 làn đường chính, 4 làn đường gom hiện mới xây dựng 6 làn ở vị trí bến 1, bến 2 và sẽ được tiếp tục xây dựng khi có các bến số 3 - 6 (đến năm 2025).
“Trước thực trạng ùn tắc trên tuyến Tân Vũ - Lạch Huyện do các phương tiện đi du lịch ngoài Cát Bà, ảnh hưởng đến năng lực vận chuyển đi/đến cảng Lạch Huyện, TP Hải Phòng cũng đang cho một tập đoàn tư nhân nghiên cứu cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2 để phục vụ riêng cho du lịch.
Như vậy, đến năm 2030, hệ thống giao thông đường bộ vẫn đủ khả năng đáp ứng cho nhu cầu vận chuyển hàng hóa đi/đến Lạch Huyện”, ông Đạt chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, theo tính toán, một làn xe tại đường Tân Vũ - Lạch Huyện đi được 300 xe container/giờ.
Thời điểm hiện tại, lượng xe container chạy trên tuyến đường này khoảng hơn 4.000 xe ngày/đêm, tức là Tân Vũ - Lạch Huyện vẫn đủ khả năng phục vụ nhu cầu vận tải gia tăng khi Lạch Huyện tăng số bến trong thời gian tới.
Về kết nối với đường thủy nội địa, ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, theo thống kê, lượng hàng vận chuyển về cảng Lạch Huyện bằng phương tiện thủy nội địa hiện vẫn còn khá khiêm tốn. Năm 2020, tổng lượng hàng container qua Lạch Huyện đạt 660.000 Teu thì phương tiện thủy nội địa chỉ vận chuyển 1.360 Teu.
Tuy nhiên, theo ông Thu, giai đoạn năm 2021 - 2025, khi tĩnh không cầu Đuống được nâng cấp, sà lan có thể vận chuyển đến 3 - 4 lớp container từ phía Tây Bắc, đặc biệt là khu vực Việt Trì (Phú Thọ).
Trong tương lai, hàng ở Bắc Ninh và các địa phương có nhiều khu công nghiệp khác như: Bắc Giang, Vĩnh Phúc sẽ đẩy hàng container về Bắc Ninh đưa xuống đường thủy nội địa nên dự báo hàng hóa về khu vực Hải Phòng nói chung và Lạch Huyện nói riêng bằng phương tiện thủy nội địa (sức chở 180 - 220 Teu) sẽ tăng mạnh.
Đối với phương thức kết nối đường sắt, đại diện Tedi Port cho biết, theo quy hoạch tổng thể, đường sắt kết nối với cảng Lạch Huyện sẽ là đoạn tuyến của tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai.
Ông Dương Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ vận tải đường sắt Hải Phòng nhận định, với khổ đường sắt 1.435mm theo quy hoạch, tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai sẽ rất có lợi cho việc rút hàng tại cảng tiếp nhận tàu lớn như Lạch Huyện khi có công suất gấp 2,5 lần nếu đi bằng tàu khổ 1.000mm hiện nay.
Theo tính toán, nếu đi bằng tàu khổ 1.000mm, thời gian giải phóng hàng bằng đường sắt cho một tàu 30.000 tấn phải mất đến hai tháng. Trong khi, nếu được kết nối đường sắt khổ 1.435mm, thời gian giải phóng hàng cho một tàu 100.000 DWT chỉ mất có 20 ngày.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận