Chậm trễ công tác gia tải nền đất yếu
Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) vừa có văn bản số 3577 đề nghị Ban QLDA Mỹ Thuận đôn đốc tiến độ thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1.
Theo đánh giá, công tác gia tải nền đất yếu của các nhà thầu tại dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu - Ảnh minh họa
Văn bản nêu rõ: Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 gồm 3 gói thầu xây lắp đã được Ban QLDA Mỹ Thuận thông báo thực hiện hợp đồng từ ngày 9/4/2021 (gói thầu XL01) và ngày 1/2/2021 (các gói thầu XL02 và XL03).
Tại thời điểm thông báo thực hiện hợp đồng, toàn bộ các gói thầu đã được bàn giao mặt bằng đạt trên 80%, đảm bảo mặt bằng để nhà thầu triển khai thi công.
Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có tổng chiều dài gần 23km, đi qua địa bàn 2 tỉnh Vĩnh Long (12,53km) và Đồng Tháp (10,44km).
Dự án được đầu tư quy mô giai đoạn hoàn chỉnh gồm 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m. Giai đoạn 1 được đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m.
Tổng mức đầu tư dự án là hơn 4.826 tỷ đồng. Dự án được khởi công năm 2021 và hoàn thành năm 2023.
Theo tiến độ thực hiện, các gói thầu XL02, XL03 phải hoàn thành vào tháng 2/2023; Gói thầu XL01 phải hoàn thành vào tháng 4/2023, đường găng để hoàn thành tiến độ các gói thầu là công tác xử lý nền đất yếu (cắm bấc thấm, đắp cát gia tải).
Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã tham mưu xử lý điều chỉnh các giải pháp thiết kế nhằm thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành theo tiến độ đề ra.
Tuy nhiên, theo đánh giá, việc triển khai thực hiện của các đơn vị là rất chậm trễ. Các nhà thầu đã nhiều lần lập lại tiến độ và ký cam kết với Ban QLDA Mỹ Thuận nhưng đều không thực hiện đúng cam kết, khối lượng hạng mục đắp gia tải là đường găng về tiến độ dự án (hạng mục quyết định tiến độ dự án) chưa thi công còn khá lớn.
Cụ thể, nhà thầu Tổng Công ty 319 còn khoảng 14.500m3 đắp gia tải giai đoạn 2 trên tuyến chính và 11.550m3 đắp gia tải đường dẫn cầu vượt An Phú Thuận.
Công ty TNHH Nhạc Sơn còn khoảng 19.000m3 đắp gia tải giai đoạn 2 trên tuyến chính, 12.229md bấc thấm và 34.800m3 đắp gia tải nút giao QL80 (Gói thầu XL01).
Tổng công ty 36 - CTCP còn khoảng 13.000m3 đắp gia tải giai đoạn 2 trên tuyến chính, 6.000m3 đắp gia tải nút giao Chà Và, chậm tiến độ thi công cống hộp dọc cầu Rạch Múc (gói thầu XL03).
“Đặc biệt, khối lượng xử lý nền đất yếu còn lại cần xử lý của các nhà thầu Công ty TNHH Nhạc Sơn, Tổng Công ty 319, Tổng công ty 36 - CTCP là rất lớn.
Công tác thi công cầu của hầu hết các đơn vị còn chậm, không đáp ứng được tiến độ hoàn thành các cầu và đường đầu cầu trong tháng 11/2022 như chỉ đạo của Bộ GTVT”, văn bản nêu.
Tìm hiểu của PV, đây không phải lần đầu tiên Tổng công ty 36 - CTCP bị cảnh báo về tiến độ thi công tại dự án.
Trước đó, ngày 7/7/2022, Ban QLDA Mỹ Thuận đã phát văn bản số 1923 cảnh cáo Tổng công ty 36 - CTCP về việc chậm tiến độ thi công gói thầu XL-03 tại dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Tổng công ty 36 cũng bị đánh giá chậm trễ tiến độ thi công đắp gia tải. Từ cuối tháng 5/2022 đến thời điểm Ban QLDA gửi văn bản cảnh cáo, nhà thầu chỉ vận chuyển, đắp cát được khoảng 60.000 m3/137.000 m3 đã được phân bổ tại mỏ Đồng Tháp.
Cục Quản lý đầu tư xây dựng yêu cầu đơn vị QLDA xử nghiêm nhà thầu không có khả năng khắc phục tình trạng chậm trễ tiến độ tại dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ theo đúng quy định hợp đồng - Ảnh minh họa.
Xử lý nhà thầu chậm trễ không có khả năng khắc phục
Xác định chậm trễ nêu trên trước hết thuộc về trách nhiệm của các nhà thầu và trách nhiệm điều hành, quản lý dự án của Ban QLDA Mỹ Thuận, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đề nghị Ban QLDA Mỹ Thuận nghiêm túc rút kinh nghiệm, kiểm điểm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan để có giải pháp xử lý.
Ban QLDA Mỹ Thuận cần rà soát, kiện toàn lại bộ máy điều hành tại công trường đảm bảo đủ thẩm quyền và đáp ứng về năng lực tổ chức thực hiện, đặc biệt là năng lực điều hành của giám đốc điều hành dự án.
Đối với các nhà thầu chậm trễ không có khả năng khắc phục để hoàn thành theo tiến độ, có giải pháp quyết liệt để xử lý theo đúng các quy định của hợp đồng.
“Trên cơ sở tiến độ hoàn thành các gói thầu theo điều kiện hợp đồng, khối lượng thi công còn lại, Ban QLDA Mỹ Thuận chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu xây dựng lập lại tiến độ thi công chi tiết cho từng hạng mục, đưa ra các mốc thời gian cụ thể về huy động nguồn lực tài chính, máy móc, thiết bị, vật tư để tổ chức thi công hoàn thành công trình. Đồng thời, ký biên bản cam kết với nhà thầu để làm cơ sở triển khai, đánh giá.
Ban QLDA cũng cần đôn đốc các nhà thầu huy động đủ nguồn lực tài chính, bổ sung máy móc, thiết bị, tổ chức triển khai thi công 3 ca, đảm bảo hoàn thành các hạng mục theo đúng tiến độ cam kết. Đặc biệt đối với hạng mục đắp gia tải, đảm bảo mục tiêu thông toàn bộ các cầu trên tuyến vào giữa tháng 12/2022 để phục vụ vận chuyển vật liệu thi công các hạng mục móng mặt đường”, văn bản nêu.
Cục Quản lý đầu tư xây dựng cũng đề nghị Ban QLDA yêu càu lực lượng tư vấn giám sát nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện công tác giám sát, tư vấn cho chủ đầu tư theo các nội dung quy định của hợp đồng đã ký; tăng cường công tác kiểm soát chất lượng thi công, đặc biệt là công tác thi công xử lý nền đất yếu, kiểm soát chặt chẽ số liệu quan trắc lún.
Trao đổi với Báo Giao thông trước đó, chuyên gia kinh tế, GS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc đảm bảo tốc độ và tiến độ các dự án đầu tư công, đặc biệt với các dự án trọng điểm là một trong những đòi hỏi bắt buộc để đạt được mục tiêu tạo động lực phát triển KT-XH.
Đặc biệt, tại các dự án quan trọng tới đây như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được định hướng lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu.
“Trong bối cảnh này, cần xem xét kỹ năng lực thi công, thiết bị kỹ thuật các nhà thầu không thực hiện đúng tiến độ các dự án hiện hữu. Có thể nhà thầu được giao quá nhiều dự án, gói thầu nên họ không đủ năng lực, thiết bị máy móc để thực hiện. Phải xét kỹ tổng thể khối lượng dự án so với năng lực của doanh nghiệp để cân đối giao thầu”, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận