Tuy nhiên, căn cứ diễn biến và tham khảo các bản tin dự báo quốc tế, tôi đánh giá đây có thể là cơn bão mạnh nhất trong vòng 15 - 20 năm trở lại đây.
Đây là một trong những cơn bão nguy hiểm, đương nhiên rồi. Vì thế, mọi sự chuẩn bị ứng phó một cách kỹ lưỡng để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại là không bao giờ thừa.
Khi cơn bão gần tiếp cận với bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam (Trung Quốc) ở phía Đông, vào khoảng chiều hoặc tối 5-6/9 cơn bão có thể nằm trọn trên hai bán đảo này, sau đó đến sáng sớm 7/9 bão đã đổ bộ vào Vịnh Bắc Bộ.
Thời điểm này, bão chỉ có thể giảm 1-2 cấp gió chứ không giảm nhiều, nhưng khi tiệm cận với Vịnh Bắc Bộ, nền nhiệt ấm của nơi này đang là 31 độ C sẽ là điều kiện thuận lợi để bão có thể mạnh lên hoặc duy trì năng lượng của bão.
Cho dù có thể bị giảm cấp nhưng không sâu. Cơn bão sẽ có vận tốc gió từ 120-150km/h và duy trì năng lượng đó để tiếp cận bờ biển Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam bao gồm các địa phương từ Thanh Hóa – Quảng Ninh.
Tuy nhiên, tỉnh Thanh Hóa sẽ có cấp gió thấp hơn các khu vực Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng và Quảng Ninh. Cấp gió khi vào bờ có thể duy trì cấp 12-13 giật cấp 15, tác động trực tiếp tới hạ tầng của các tỉnh ven biển.
Một trong những điểm đáng lưu ý đối với cơn bão này khi sóng cồn đi kèm với bão có nơi ở vùng ven bờ của Quảng Ninh có thể cao lên đến 6-7m, nhiều vùng có thể bị sóng quất lên bờ biển, cầu cảng, khu du lịch và các đô thị ven biển. Và mưa lớn kèm theo sóng mạnh sẽ tạo nên ngập lụt đô thị.
Với việc ứng phó với cơn bão mạnh nhất trong vòng 15 - 20 năm qua, khi cơn bão mang sức gió từ 120-150km/h kèm theo gió giật, sức mạnh tàn phá hạ tầng rất lớn nên chúng ta cần chủ động các phương án để phòng ngừa rủi ro.
Người dân cần chủ động chằng chống nhà cửa để tránh tốc mái, cắt tỉa hệ thống cây xanh để đảm bảo hệ thống đường điện, neo đậu tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và tài sản.
Những người ở trong vùng bị ảnh hưởng nên sơ tán trước 18h ngày 6/9 bởi khi bão vào vịnh Bắc Bộ sáng sớm 7/9 thì ngay trong buổi trưa gió to đã tiếp cận đất liền nên sẽ không kịp.
Tất cả mọi người cần tuân theo hướng dẫn của chính quyền địa phương và tự đánh giá rủi ro để bảo vệ tài sản của mình. Ví dụ nhà ở trong vùng thấp trũng, cần kê cao những đồ như xe máy, ô tô hoặc những đồ nội thất đắt tiền. Nhà có ô tô ở trong vùng bị ảnh hưởng thì nên mang đi gửi trong ngày 6/9 và bảo vệ an toàn tuyệt đối tính mạng con người.
Thiên tai là bất khả kháng, nhưng nếu chủ động ứng phó với các biện pháp khoa học, chắc chắn thiệt hại mà nó gây ra sẽ được hạn chế. Nói cách khác, đứng trước thiên tai, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận