Bán giá nào cũng phải có lãi
Một trong những vấn đề được bàn thảo nhiều tại phiên thảo luận “Nhìn trực diện thách thức trong tăng trưởng” trong khuôn khổ Toạ đàm “Hàng không Việt Nam: Cơ hội và thách thức” liên quan đến việc cạnh tranh giữa các hãng hàng không đang rất khốc liệt, đặc biệt là cạnh tranh giảm giá vé máy bay với mức giảm giá được nhiều người cho là dưới giá thành.
Một số thông tin cho thấy có thời điểm vé máy bay Hà Nội - Sài Gòn được mở bán dưới 500 nghìn, thấp hơn cả đi ô tô, đương nhiên là thấp hơn tàu hoả.
Về vấn đề này, Phó tổng giám đốc hãng hàng không Vietjet Đinh Việt Phương cho hay, giá vé là vấn đề tác động đến tất cả hành khách, người dân, xã hội. Là hãng hàng không, chẳng ai lại bán vé dưới giá thành cả.
“Chúng ta đều là những nhà kinh doanh, tất cả phải quay về bài toán có lợi nhuận hay không. Chúng tôi cạnh tranh bằng giá trên cơ sở có tối ưu về vấn đề chi phí. Có chi phí tối ưu, chi phí thấp, chi phí cạnh tranh mới có thể có giá thành thấp”, ông Phương nói.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện QLKT Trung ương nói: "Khái niệm của giá thành là của kinh tế cũ, không phải kinh tế thị trường. Mình làm sao biết doanh nghiệp họ hạch toán thế nào, đó là bí mật của công ty. Doanh nghiệp thì phải có lãi. Còn ai đó thấy bị cạnh tranh không lành mạnh thì khởi kiện. Không nên hành chính hoá việc này, rất nguy hại. Hãy để thị trường tự can thiệp.
Cho rằng nếu hãng hàng không có khả năng bao cấp chéo giữa các sản phẩm của họ thì tốt, GS Nawal Taneja, cố vấn cấp cao của trường kinh doanh Fisher, thuộc Đại học Ohio (Hoa Kỳ) đặt vấn đề, giá thấp để làm gì, có tạo động lực cho cạnh tranh hay không? Giá bay như thế nào thì tùy các hãng quyết định nhưng phải đảm bảo chi phí tối thiểu, đáp ứng được an toàn bay.
“Không hãng hàng không giá rẻ nào duy trì giá thấp mãi, chỉ được thời gian ban đầu để loại bỏ đối thủ cạnh tranh, còn về sau chắc chắn lại nâng giá vé lên. Hãy tới đất nước đã từng xảy ra thảm họa hàng không xem có chuyện gì xảy ra đằng sau câu chuyện bay giá rẻ”, GS Taneja nói và cho rằng, vấn đề cốt yếu là phải thiết lập một thị trường cạnh tranh lành mạnh.
Đã có cạnh tranh đầy đủ, nhà nước không cần quản lý về giá
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng nêu quan điểm: "Với phần đông hành khách, giá vé là yếu tố lựa chọn đầu tiên".
“Tôi đồng ý với ý kiến của giáo sư Taneja, nếu chúng ta cạnh tranh không lành mạnh sẽ ảnh hưởng lâu dài và bền vững của thị trường. Nhưng nếu cạnh tranh lành mạnh và giá thấp, đương nhiên là tốt”, ông Thắng nói và nói thêm: "Nói giá thành, nhưng phải xét trên tổng thể. Bản thân một đường bay có hàng chục giá vé. Nếu mang một giá vé để nói dưới giá thành thì sẽ không đúng".
“Như anh Cung nói, hãng hàng không chi phí thấp như Vietjet hiện vẫn đang có lãi, nhưng đó là chỉ xét về vận tải hàng không. Vietnam Airlines cũng vậy, có đường bay lãi, có đường bay lỗ. Quan điểm của tôi là giá thành phải trên toàn mạng bay, càng quản lý ít càng tốt”, ông Thắng nêu quan điểm.
Thông tin thêm ông Thắng cho hay, từ những năm 60 - 70, Mỹ đã áp dụng chính sách phi điều chỉnh các vấn đề kinh tế. Cục Hàng không Liên bang Mỹ, Bộ GTVT Mỹ không quản lý vấn đề này. Giá cả do các hãng tự quy định. Nhưng ở Việt Nam, một số đường bay chúng ta còn đưa vào Luật để quản lý khung.
“Khi có cạnh tranh đầy đủ, nên bỏ quản lý nhà nước về yếu tố này. Nhà nước chỉ can thiệp trong những tình huống đột biến, mang tính khủng khoảng. Các hãng hàng không trong năm 2019 này đều có lời. Tôi cho rằng, giá đang bán hiện nay đều phản ánh đúng giá thành của họ”,ông Thắng kết lại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận