Đại diện Ban QLDA 7 (Bộ GTVT) cho biết, sau một thời gian triển khai công tác khảo sát, làm việc với các cơ quan chức năng địa phương, đến nay, tuyến cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã lên được thiết kế sơ bộ.
Dự kiến, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Chí Thạnh - Vân Phong sẽ được trình Bộ GTVT xem xét từ ngày 20/6 - Ảnh minh họa
Cụ thể, tuyến cao tốc sẽ có điểm đầu tại Km0+000, giao cắt với đường kết nối với thị trấn Chí Thạnh, trùng với điểm cuối cao tốc Quy Nhơn - Tuy Hòa thuộc địa phận xã Chí Thạnh (huyện Tuy An, Phú Yên).
Điểm cuối tại Km49+522, tại vị trí kết nối với dự án hầm Đèo cả thuộc địa phận xã Hoà Xuân Nam (huyện Đông Hòa, Phú Yên).
Dự án thành phần Chí Thạnh - Vân Phong có tổng chiều dài khoảng 49,52km.
Để phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực và đảm bảo hiệu quả đầu tư, giai đoạn 2021 - 2025, dự án được đầu tư phân kỳ 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m; vận tốc thiết kế 80km/h.
Tổng mức đầu tư hơn 10.600 tỷ đồng. Trong đó, chi phí GPMB và tái định cư ước hơn 867 tỷ đồng; Chi phí xây dựng khoảng hơn 6.700 tỷ đồng.
Hướng tuyến của dự án chủ yếu đi về phía tây QL1 (cách trung bình QL1 khoảng 15-20km). Từ nút giao với đường kết nối vào thị trấn Chí Thạnh, hướng tuyến đi song song và cách QL1 khoảng 0,5 - 3,5km qua các xã Chí Thạnh, An Hiệp, giao cắt với ĐT643 tại xã An Mỹ rồi đi qua khu vực đồng bằng các xã: An Chấn, An Phú, Hòa Kiến, Hòa Trị. Tại đây tim tuyến được chỉnh so với nghiên cứu cũ để tránh xâm phạm vào phạm vi đường điện hay đất quân sự. Sau đó tuyến giao cắt với QL25.
Từ QL25, tuyến vượt sông Đà Rằng, tiếp tục đi qua xã Hòa Xuân Tây về hạ lưu thủy điện đập Hàn rồi kết nối vào hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã tại điểm cuối dự án.
"Hướng tuyến cơ bản bám sát, đi song song với đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam và đảm bảo đủ hành lang an toàn đường sắt tuân thủ quy định, quy chuẩn hiện hành”, Ban QLDA 7 thông tin.
Về công trình trên tuyến, Ban QLDA 7 cũng đã khảo sát, thỏa thuận với địa phương 5 nút giao cắt chính được thiết kế nút giao liên thông; 13 cầu vượt sông, suối (lớn nhất là cầu sông Đà Rằng dài hơn 2.330m); 1 hầm dài 900m tại Km4+970.
“Dự kiến, công tác bàn giao hồ sơ cọc GPMB sẽ bắt đầu từ ngày 15/3/2022. Nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ xin ý kiến các bộ, ngành địa phương từ ngày 30/4 - 25/5. Công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi bắt đầu ngày 31/3 và hoàn thành ngày 20/6. Hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sẽ được hoàn chỉnh, trình Bộ GTVT xem xét phê duyệt từ ngày 20/6 - 25/6”, đại diện Ban QLDA 7 cho hay.
Để đảm bảo hoàn thành bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý 2/2023, Ban QLDA 7 kiến nghị Bộ GTVT đề nghị các địa phương giao nhiệm vụ cho tổ chức dịch vụ công về đất đai hoặc thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện công tác GPMB; Phối hợp với Ban QLDA 7 xác định vị trí, diện tích các bãi đổ chất thải của dự án.
Đồng thời, tổng hợp nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ trở lên để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn theo quy định gửi Bộ Tài nguyên - Môi trường thẩm định; Tổ chức thẩm định các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh đối với hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng trên địa bàn quản lý, hoàn thành trước ngày 31/3/2022, gửi hồ sơ để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định.
“Các địa phương cũng cần khẩn trương rà soát, triển khai trước thủ tục cấp phép khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 18 của Chính phủ để dự án có đủ vật liệu khi triển khai thi công”, Ban QLDA 7 đề xuất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận