Ông Nguyễn Tấn Đông, Giám đốc doanh nghiệp dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, sau 3 năm thi công (từ tháng 4/2019), mặc dù liên tục gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, giá cả leo thang nhưng dự án đã về đích đúng hạn.
Gần 90 ngày đưa vào vận hành, thực tế cho thấy cao tốc đã được thực hiện đúng hợp đồng ký kết, đáp ứng đúng các yêu cầu kỹ thuật.
Đến nay, cao tốc cũng đã hoàn thiện kết nối hạ tầng với các nút giao, hoàn thiện hạ tầng thu phí tự động không dừng.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận bắt đầu vận hành từ 30/4 và dự kiến chính thức thu phí bắt đầu từ 1/8
Ông Trần Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang (cơ quan nhà nước có thẩm quyền) cũng xác nhận: Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đến nay đã đủ điều kiện thu phí, “không còn vướng mắc gì”.
Theo ông, trong tuần này, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ làm việc với doanh nghiệp dự án để thống nhất về giá vé, về phương án tài chính.
Theo nguồn tin của Báo Giao thông, giá vé qua tuyến cao tốc này sẽ điều chỉnh giảm so với mức đã trình với xe tải loại 3 - 4 -5 (khoảng 12%-15%).
Trước đó, doanh nghiệp dự án trình phương án thu phí mức 2.100đ/km đối với ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống và luỹ tiến tăng với các dòng xe tải trọng lớn hơn.
Trong gần 90 ngày đưa vào vận hành, trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có 55 vụ tai nạn giao thông (TNGT), trong đó có 1 vụ chết người.
Nhiều ý kiến cho rằng về mặt thiết kế, tuyến cao tốc này chỉ có 2 làn xe mỗi bên và điểm dừng khẩn cấp ngắt quãng (khoảng 8km có một điểm) là nguyên nhân gây ra tai nạn. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ VN cho rằng nhận định đó không đúng.
Theo ông Chủng, sau thời gian nan vận hành, đã đủ điều kiện đánh giá tuyến cao tốc này đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về các chỉ số kỹ thuật theo tiêu chuẩn đường cao tốc Việt Nam (đầu tư phân kỳ giai đoạn 1). Còn TNGT xảy ra trên tuyến là do nhiều yếu tố, đặc biệt là yếu tố chủ quan.
Mỗi ngày, bình quân có 31.000 lượt xe đi qua cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Phân tích của ông Chủng cho thấy: Hiện do chưa thu phí nên tất cả các loại xe đều chọn lối vào cao tốc, dẫn đến lưu lượng rất lớn (bình quân 31.000 lượt xe/ngày đêm). Trong số 55 vụ tai nạn, có 43% là lấn làn ẩu, vượt làn; 36% do phóng nhanh hơn tốc độ cho phép (60-80km/h). Mặt khác, do thói quen lưu thông tuỳ tiện nên có xe khi đi vào cao tốc vẫn đi tốc độ dưới 60-80km/h, gây ức chế buộc nhiều lái xe khác lấn làn. Một số sự cố trên cao tốc như nổ vỏ lốp, hết xăng… ông Chủng gọi là “hành nghề không chuyên nghiệp và gây ra sự cố”.
Theo ông Chủng, những hành vi “không chuyên nghiệp” như trên sẽ được hạn chế nhiều khi cao tốc được thu phí, vì lúc đó dòng lưu thông sẽ được chọn lọc khi người dân - doanh nghiệp tự chọn cho mình lối đi trả phí hay miễn phí (trên QL1); doanh nghiệp kiểm soát được dòng xe, kích thước và tải trọng xe.
“Doanh nghiệp dự án và các nhà đầu tư đã đồng cam cộng khổ với nhà nước và nhân dân, đã vượt qua rất nhiều khó khăn để đưa dự án về đích và vận hành miễn phí suốt 90 ngày. Cho nên, lúc này cho thu phí cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là phù hợp, để chia sẻ khó khăn về tài chính với nhà đầu tư và gia tăng niềm tin với những nhà đầu tư khác. Cũng cần nói thêm rằng đây là một trong số những dự án cao tốc gian nhất khi có tổng thời gian khởi công và hoàn thành trong suốt 13 năm chỉ với hơn 51km đường”, PGS.TS Trần Chủng nói.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,5km, tiếp nối cao tốc TP.HCM - Trung Lương đến gần cầu Mỹ Thuận, được khởi công lần đầu năm 2009 và liên tục… khởi công nhiều lần sau đó. Đến tháng 3/2019, các nhà đầu tư thuê Tập đoàn Đèo Cả tham gia điều hành quản lý dự án.
Sau 3 năm, vượt qua nhiều khó khăn, Tập đoàn Đèo Cả đã đưa dự án về đích đúng kỳ hạn và lần đầu tiên, từ TP.HCM về miền Tây có 100km đường cao tốc, là tiền đề nối với các đoạn cao tốc đang triển khai, nối từ TP.HCM về Cà Mau.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận