Xã hội

Cập nhật bão số 13 ngày 14/11: Khẩn cấp đưa dân vào hầm tránh bão

14/11/2020, 21:30
image

Cập nhật bão số 13 mới nhất ngày 14/11: Đến tối nay đã có gần 200 người dân và các lực lượng trên huyện đảo Cồn Cỏ di tản xuống hầm để tránh bão

Cơn bão số 13 được cơ quan chức năng dự báo ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh Hà Tĩnh đến Quảng Nam, diễn biến phức tạp, khó lường. PV Báo Giao thông liên tục cập nhật diễn biến cơn bão số 13 Vamco, công tác phòng chống, ứng phó với bão của các địa phương.

img

Trong đêm tối, lực lượng CSGT TP. Đà Nẵng vẫn duy trì lực lượng tại các điểm xung yếu hướng dẫn người tham gia giao thông về nhà và không qua các khu vực nguy hiểm.

21h30, nước sông Hàn (Đà Nẵng) đã tràn mặt đường Như Nguyệt, khu vực cửa biển cầu Thuận Phước có sóng mạnh, liên tục đánh vào mép đường cao 2-3m, tràn qua mặt đường Như Nguyệt

img

18h40, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu đã đến kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó bão số 13 tại Quảng Trị.

Đoàn công tác cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã di chuyển đến địa bàn xã Cam Hiếu (Cam Lộ). Tại điểm sơ tán Trường Tiểu học và THCS Cam Hiếu, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đã thăm hỏi, động viên bà con nhân dân an tâm, chịu khó đến khi bão qua, hãy về nhà để đảm bảo an toàn.

Được biết, toàn xã Cam Hiếu có 76 hộ với 241 nhân khẩu phải di dời. Trong đó, thôn Bích Giang đã sơ tán 48 hộ trên 157 khẩu.

Ban chỉ đạo TƯ về PCTT cho biết, đến 17h hôm nay, 14/11, các địa phương từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã triển khai công tác di dời 66.123 hộ/216.886 người đến nơi an toàn. Trong đó, các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế đã hoàn thành công tác sơ tán dân, các địa phương khác vẫn đang tiếp tục triển khai công tác sơ tán dân.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 13, tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) chiều tối nay đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; trên đất liền ven biển Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Dự báo tới 4h ngày 15/11, vị trí tâm bão số 13 sẽ nằm ngay trên vùng bờ biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 14.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 16 giờ ngày 15/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 105,7 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, tính đến 17h ngày 14/11/2020, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thực hiện sơ tán tổng cộng 23.687hộ/71.84 khẩu, trong đó sơ tán tập trung 4.034 hộ/ 13.907 khẩu; sơ tán xen ghép 19.653 hộ/57.933 khẩu.

img
Lưu lượng, mức xả lũ các thủy điện từ 17h ngày 14/12.
img

Thừa Thiên Huế: Các hồ thủy lợi, thủy điện đang vận hành đảm bảo an toàn

20h50, Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế (Hue-S) cho biết, lúc 19h ngày 14/11, mực nước tại hồ thủy điện Hương Điền +55,01m (mực nước dâng bình thường 58m), lưu lượng đến hồ 448m3/s, lưu lượng điều tiết về hạ du 816m3/s.

Hồ thủy điện Bình Điền +81,24m (mực nước dâng bình thường 85m), lưu lượng đến hồ 510m3/s, lưu lượng điều tiết về hạ du 881m3/s. Hồ Tả Trạch +41,89m (mực nước dâng bình thường 45m), lưu lượng đến hồ 1048m3/s, lưu lượng điều tiết về hạ du 601m3/s.

Lượng mưa từ 7h ngày 13/11 đến 19h ngày 14/11 tại trạm Thượng Nhật 83mm, Khe Tre 135mm, Bình Thành 44mm, Kim Long 34mm, Phú Ốc 62mm, Truồi 68mm, Tà Lương 14mm, A Lưới 8mm, Huế 58mm.

Lúc 19h ngày 14/11, mực nước sông Hương tại Kim Long 2,09m, trên báo động II 0,09m; sông Bồ tại Phú Ốc 3,40m, trên báo động II 0,40m; sông Ô Lâu 2,20m

Trong đêm nay đến rạng sáng mai (15/11) dự kiến mực nước trên sông Hương lên mức 2,9-3,1m (dưới báo động III là 0,4-0,6m); sông Bồ lên mức 4,0-4,2m (dưới báo động III là 0,3-0,5m).

Trước đó, báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, lúc 13h cùng ngày, mực nước hồ thủy điện Hương Điền +55,23m (mực nước dâng bình thường +58m), lưu lượng đến hồ 293m3/s, lưu lượng về hạ du 822m3/s.

Hồ thủy điện Bình Điền +81,74m (mực nước dâng bình thường +85m), lưu lượng đến hồ 688m3/s, lưu lượng về hạ du 909m3/s. Hồ Tả Trạch +41,82m (mực nước dâng bình thường +45m), lưu lượng đến hồ 293m3/s, lưu lượng về hạ du 601m3/s.

Hồ thủy điện A Lưới +552,74m (mực nước dâng bình thường +553m), lưu lượng đến hồ 87m3/s, lưu lượng về hạ du 55m3/s, lưu lượng chạy máy 42,9 m3/s.

Di dời hơn 21.290 hộ dân đến nơi an toàn

17h ngày 13/11, ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, để ứng phó với bão số 13, lũ quét, sạt lở đất, các địa phương, đơn vị đã xây dựng kế hoạch di dời 20.005hộ dân/67.674 khẩu đến nơi an toàn.

Tuy nhiên do bão số 13 tăng cấp nên một số địa phương có rà soát bổ sung kế hoạch di dời thêm: 21.126 hộ, 71.455 khẩu.

Đến 13h45 cùng ngày, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai di dời 21.291 hộ, 70.780 khẩu.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức bắn pháo hiệu, kêu toàn bộ tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã vào neo đậu an toàn 2.062 chiếc/11.350 lao động; phối hợp với các đơn vị, địa phương ven biển hướng dẫn tránh trú, neo đậu tại bến; Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng CSGT đường thủy hướng dẫn, neo đậu an toàn các tàu thuyền trên sông, đầm phá.

7.586 lồng, bè nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đã được gia cố đảm bảo an toàn. Lực lượng chức năng cũng đã vận động di dời không để người ở lại trên lồng bè.

img

Chiều 14/11, Công an huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) đã lập tổ công tác giám sát việc chấp hành mở hoàn toàn 5 cửa van của thủy điện Thượng Nhật. Việc giám sát này để thực hiện công điện khẩn của UBND tỉnh về việc đảm bảo an toàn công trình hồ đập và vùng hạ du.

Trước đó, sáng 13/11, lực lượng chức năng huyện Nam Đông kiểm tra, phát hiện chủ đập thuỷ điện Thượng Nhật (xã Thượng Nhật) đã cố tình tích nước ở cao trình 115 m, không tuân thủ công điện của lãnh đạo tỉnh về việc triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp cơn bão số 13.

Thủy điện Thượng Nhật, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo các cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ việc chấp hành của chủ hồ, đồng thời xử lý nghiêm khắc theo quy định, tránh để xảy ra tình trạng tương tự.

Quảng Trị: Đã sơ tán tránh bão cho 12.234 hộ dân với 35.421 người

Tối 14/11, Đồn Biên phòng Cồn Cỏ (Quảng Trị) cho hay, đến tối cùng ngày có gần 200 người dân và các lực lượng trên huyện đảo Cồn Cỏ đã di tản xuống hầm để tránh bão số 13. Một số cán bộ được cắt cử ở lại đơn vị để làm nhiệm vụ, đảm bảo an ninh trật tự.

Trước khi di chuyển xuống hầm, người dân và các lực lượng đã ăn tối lúc 15h cùng ngày. Đồng thời, chuẩn bị lương thực thực phẩm đầy đủ trong thời gian tránh trú tại đây và sẽ rời hầm khi thời tiết ổn định.

Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN Quảng Trị, dự kiến từ chiều tối nay, tỉnh này có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Các huyện Đakrông, Hướng Hóa và phía Tây Cam Lộ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9. TP. Đông Hà, Tx. Quảng Trị và các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh, phía Đông Cam Lộ có gió cấp 7-8, riêng các xã sát biển cấp 8-9, giật cấp 12. Gió mạnh dần lên cấp 8-9, từ tối nay mạnh dần lên 10-11, giật cấp 14.

Sóng biển cao 5 - 8m, biển động dữ dội. Vùng ven biển khu vực tỉnh có khả năng nước dâng do bão cao 0.5-1m. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. Quảng Trị cũng ghi nhận 1 trường hợp tử vong tại xã Hải Trường, huyện Hải Lăng vì bị nước cuốn trôi khi đi qua khe suối chiều ngày 11/11 và đã tìm thấy thi thể.

img
17h57, tại thị trấn Ái Tử, lực lượng chức năng đang tiếp tục đến "gõ cửa" vận động một số nhà cấp 4 vẫn chưa chịu di dời đến nơi an toàn.

Đến thời điểm hiện tại, Quảng Trị ghi nhận có 2 người bị thương trong quá trình chằng chống nhà cửa phòng chống bão số 13. Cụ thể, ông Phạm Duy Dược (60 tuổi, trú tại thôn Nhĩ Hạ, xã Gio Hải, huyện Gio Linh) bị gãy chân và xương bả vai. Ông Nguyễn Đình Thanh (32 tuổi, trú tại thôn Trúc Lâm, xã Gio Quang, huyện Gio Linh) bị chấn thương ở mặt.

Tính đến 17h ngày 14/11, tỉnh này đã triển khai sơ tán dân tránh bão là 12.234 hộ dân với 35.421 người. Trong đó, có 265 hộ dân với 1.149 người (ở huyện Hướng Hóa) sơ tán đến các địa điểm tập trung để phòng tránh sạt lở đất và cả phòng tránh bão.

Tối 14/11, Đồn Biên phòng Cồn Cỏ (Quảng Trị) cho hay, đến tối cùng ngày có gần 200 người dân và các lực lượng trên huyện đảo Cồn Cỏ đã di tản xuống hầm để tránh bão số 13. Một số cán bộ được cắt cử ở lại đơn vị để làm nhiệm vụ, đảm bảo an ninh trật tự.

Trước khi di chuyển xuống hầm, người dân và các lực lượng đã ăn tối lúc 15h cùng ngày. Đồng thời, chuẩn bị lương thực thực phẩm đầy đủ trong thời gian tránh trú tại đây và sẽ rời hầm khi thời tiết ổn định.

Ghi nhận của PV lúc 17h52 tại thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, Quảng Trị có những đợt gió nhẹ, trời mưa tầm tã. Nhiều nhà dân, hàng quán đã đóng cửa. Trên QL1 vẫn còn khá nhiều xe máy lưu thông.

Quảng Bình: Sơ tán 76.000 người trước khi bão số 13 đổ bộ

Ngày 14/11, trước diễn biến phức tạp của Bão số 13, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương sơ tán hơn 76.000 người.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, dự kiến khoảng 4h sáng ngày 15/11, vị trí tâm bão ở khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 107,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 13. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.

img
Dự kiến sẽ có 76.000 người dân ở Quảng Bình phải sơ tán để đảm bảo an toàn khi bão số 13 đổ bộ. (Ảnh: Lực lượng chức năng sơ tán dân trong đợt lũ tháng 10/2020)

Trước diễn biến phức tạp bão số 13, UBND tỉnh Quảng Bình đã ra Công điện số cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi từ 10h ngày 13/11, đồng thời sơ tán hơn 20.000 ngàn hộ dân với 76.069 nhân khẩu đến nơi an toàn. Trong số này có 4.019 hộ với 14.767 nhân khẩu nằm ở khu vực của 107 điểm có nguy cơ sạt lở, cần phải di dời khẩn cấp.

Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương tổ chức trực ban 24/24h, theo dõi chặt chẽ bản tin, cảnh báo diễn biến của bão số 13 để triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”, tuyệt đối không chủ quan.

Đặc biệt trong đợt này, tỉnh yêu cầu các đơn vị vận hành, điều tiết nước trong các hồ chứa, nhất là các hồ chứa nhỏ thực hiện xả để đón đợt mưa lũ mới theo nguyên tắc đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân vùng hạ du và an toàn đập, hồ chứa. Tỉnh yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không chủ quan, tích trữ nước, khi lũ lên lại xả nước gây lũ chồng lũ vùng hạ du.

img
Lực lượng chức năng và người dân tiến hành di dời tàu thuyền lên bờ trước bão.

Ngoài ra, tỉnh cũng khuyến cáo các địa phương, người dân chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh, hàng hóa thiết yếu, nhất là ở các khu vực có nguy cơ bị chia cắt kéo dài do mưa lũ. Khuyến cáo người dân hạn chế ra đường trong thời gian bão đổ bộ; căn cứ tình hình bão, mưa lũ chủ động cho học sinh nghỉ học, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên.

Tính thời điểm hiện nay, toàn bộ 6.564/6.564 phương tiện tàu cá, 19 tàu vận tải trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã vào vị trí neo đậu an toàn. Các hộ dân ở vùng trũng thấp, nơi có nguy cơ sạt lở đã được sơ tán, hoặc sẵn sàng di chuyển lên đến các nhà kiên cố cao tầng đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ và lũ dâng khi hoàn lưu bão.

Các hồ chứa thủy lợi vừa và lớn cơ bản đã đạt dung tích trữ

16h45, ngành chức năng Tp. Đông Hà (Quảng Trị) đang khẩn trương triển khai lực lượng, tổ chức cắt tỉa cành của các cây xanh dọc tuyến đường Hùng Vương, Nguyễn Trãi, Lê Thế Hiếu… để đảm bảo an toàn. Những cây này có tán rộng, nhiều lá có nguy cơ gãy đổ trong bão số 13, chủ yếu là cây phượng.

Tỉnh Quảng Trị đã triển khai sơ tán dân tránh bão 9.585 hộ dân với 27.754 người. Trong đó, có 265 hộ dân với 1.149 người (ở huyện Hướng Hóa) sơ tán đến các địa điểm tập trung để phòng tránh sạt lở đất và cả phòng tránh bão.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng đã triển khai chằng chống và gia cố trên 3.000 nhà dân (khu vực miền núi thuộc huyện Đakrông là 1.246 nhà, ở Hướng Hóa là 210 nhà).

img

Thượng tá Trần Tuấn Anh, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị cho hay, đơn vị đã triển khai 67 tổ với hơn 400 cán bộ chiến sỹ thuộc tuyến biên giới đất liền và tuyến biển đảo, cùng phối hợp với chính quyền địa phương xuống các địa bàn xung yếu giúp dân chằng chống nhà cửa gần 1000 hộ; di dời được hơn 600 hộ với hơn 2.200 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Để ứng phó với bão số 13, tỉnh Quảng Trị tuyên truyền, khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 18h ngày 14/11 cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy PCTT & TKCN cấp cơ sở. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Nhà nước không được ra đường khi gió lớn xảy ra. Trừ các lực lượng làm công tác cứu hộ, cứu nạn và các trường hợp đặc biệt.

Hiện tại, dung tích các hồ chứa thủy lợi vừa và lớn cơ bản đã đạt dung tích trữ, một số hồ đã tiến hành điều tiết xả lũ trong thời gian vừa qua; các hồ chứa nhỏ đã tích đầy nước; tất cả đều đảm bảo an toàn. Riêng đối với các đập, hồ chứa có tràn tự do gồm: Hồ La Ngà, Phú Dụng, Trung Chỉ, Triệu Thượng 1, Triệu Thượng 2 và đập dâng Nam Thạch Hãn sẽ tự hoạt động điều tiết khi mực nước vượt mực nước thiết kế.

img
img
img
img
img

Đà Nẵng mưa to, gió giật, đường sá vắng người

16h00 ngày 14/11, tại Đà Nẵng bắt đầu có mưa to, kèm theo những đợt gió giật, đường sá vắng hẳn. Nhiều tuyến đường chuyên doanh ăn uống, các cửa hàng cũng đã đóng cửa, gia cố cẩn thận trước giờ bão đổ bộ.

Chủ một quán bún trên Hùng Vương (quận Hải Châu) cho biết, bình thương quán bán cả ngày nhưng hôm nay chỉ mở cửa đến gần 11h, những khách đến sau 11h quán từ chối nhận khách.

“Thành phố yêu cầu từ 12h trưa nay người dân không được ra đường nên tôi đóng cửa sớm hơn để có thời gian chằng chống nhà cửa. Nghe bão lớn cũng thấy lo”, người này cho biết.

img
Nhiều tuyến đường chuyên doanh ăn uống, các cửa hàng cũng đã đóng cửa, gia cố cẩn thận trước giờ bão đổ bộ.

Dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành, hàng trăm quán nhậu lớn nhỏ cũng đã đóng cửa quán để đảm bảo an toàn. Trên đường cũng vắng hẳn xe cộ lưu thông.

Ông Lương Thế Quyết, chủ quán cà phê trên đường Chu Huy Mân cho biết, từ sáng 14/11, lực lượng chức năng đã nhắc nhở các hàng quán tạm đóng cửa, ngưng nhận khách từ 12h trưa để tập trung phòng, chống bão.

“Chúng tôi chỉ bán buổi sáng, đến tầm 11h30 chúng tôi báo với khách đóng cửa, họ cũng biết lệnh giới nhiêm của thành phố nên vui vẻ ra về”, ông Quyết cho hay.

img

Tại các cây cầu bắc qua sông Hàn, lực lượng chức năng đã tiến hành chốt chặn, không cho người dân qua lại trên cầu. Sở GTVT TP Đà Nẵng đã yêu cầu Công ty Cổ phần Cầu đường bố trí người trực gác tại các cầu để kịp thời cảnh báo, chốt chặn 2 đầu cầu theo các tình huống kịch bản thiên tai, đặc biệt tại các cầu lớn như: Thuận Phước, Sông Hàn, cầu Rồng, Trần Thị Lý,….; bố trí người trực gác tại cầu Nguyễn Văn Trỗi để kịp thời nâng, hạ nhịp cầu.

Sẵn sàng hệ thống barie, rào chắn và bố trí lực lượng trực gác, chốt chặn tại các đầu cầu: Thuận Phước, sông Hàn, cầu Rồng, Trần Thị Lý, Phò Nam để triển khai phương án chốt chặn, cấm người dân lưu thông qua các cầu theo lệnh của UBND thành phố.

14h40, Đoàn công tác do ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị dẫn đầu đã đến các xã ven biển thuộc huyện Gio Linh (Quảng Trị) để kiểm tra công tác phòng chống bão số 13.

Tại trụ sở Trường mầm non Gio Việt - nơi tránh trú bão của người dân, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã ân cần thăm hỏi, động viên và nhắc nhở bà con ở yên vị trí sơ tán để đảm bảo an toàn. Phía chính quyền đã chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm, thuốc men, nước uống cho bà con tại các khu vực sơ tán tập trung.

Tìm thấy thi thể nạn nhân ở huyện Hải Lăng bị nước cuốn trôi khi đi qua suối

Từ đầu giờ chiều 14/11, trên huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi gió dữ dội, sóng biển cao 5-6m, khu vực biển gió giật cấp 10/11, kèm theo mưa to.

14h30, khu vực ven biển tỉnh Quảng Trị có mưa vừa, có nơi mưa rất to, gió thổi khá mạnh. Riêng tại huyện Gio Linh, để chủ động phòng chống báo số 13, huyện này đã di dời 967 hộ, với 2846 nhân khẩu đến nơi an toàn. Các tàu thuyền địa phương cũng đã được thông báo, neo đậu tránh trú tại các bến. Lượng người và phương tiện lưu thông trên đường thưa thớt dần, hạn chế.

img

Chính quyền xã ven biển Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, từ chiều hôm qua đến sáng nay đã phối hợp với các lực lượng biên phòng, cảnh sát biển đóng quân trên địa bàn khẩn trương di dời hàng trăm người dân tại vùng xung yếu, nhà tạm bợ, đến các trụ sở, trường học, trạm y tế để tránh trú. Khẩn trương sơ tán các cụ già, em nhỏ, người yếu thế dễ tổn thương, bao gồm di dời tại chỗ, đến các nhà kiên cố, cao tầng, an toàn gần nhất trong khu vực; và sơ tán tập trung tại các địa điểm nhà cộng đồng, trụ sở UBND, trường học.

img
Công an huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế giúp dân sơ tán. Ảnh: Văn Tư
img
Lực lượng chức năng Thừa Thiên - Huế đưa người dân đến nơi tránh trú bão an toàn. Ảnh: Văn Tư
img
Ghe đánh cá cùng ngư lưới cụ đã được đưa lên bờ, di chuyển vào con đường bên trong (chụp tại khu vực bãi tắm Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị). Ảnh: Duy Lợi
img
Trường tiểu học ở Quảng Trị bị nước bủa vây. Ảnh: Duy Lợi

Gió giật mạnh làm hư hại nhà cửa, mái hiên của người dân trên huyện đảo Lý Sơn. Chính quyền huyện đảo sử dụng loa truyền thanh cập nhật thông tin cơn bão và tuyên truyền cho người dân thực hiện biện pháp phòng chống bão

Bão số 13 mạnh hơn dự báo, Thủ tướng ra công điện khẩn

Video ghe thuyền tại khu vực bãi tắm Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị được người dân tập kết lên bờ để tránh bão

Trưa nay, Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện khẩn gửi UBND các tỉnh từ Nghệ An tới Quảng Ngãi và các bộ ngành về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 13.

Trong công điện nêu rõ, bão số 13 hiện đã mạnh hơn so với dự báo, sức gió gần tâm bão mạnh cấp 14 giật cấp 17. Đây là cơn bão rất mạnh, dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển đất liền các tỉnh khu vực Bắc và Trung Trung bộ từ hôm nay đến 15/11.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát tất cả các tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, về nơi tránh trú an toàn; kiểm soát chặt việc cấm biển. Bên cạnh đó khẩn trương sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; triển khai bảo vệ công trình đê điều, hồ đập, công trình hạ tầng quan trọng. Tổ chức vận hành an toàn các hồ chưa thủy lợi, thủy điện, không để xảy ra các sự cố gây thiệt hại tính mạng, tài sản của nhân dân.

Quảng Ngãi: Cấm người dân đảo Lý Sơn ra khỏi nhà từ trưa 14/11

img
Khu vực biển huyện đảo Lý Sơn bắt đầu xuất hiện sóng cao 4-6m vào sáng 14/11. Ảnh: Đại Thắng

Trưa 14/11, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 13, tại đảo Lý Sơn đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Vùng biển Quảng Ngãi trong 24 giờ tới có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 11 - 12; biển động dữ dội, trong đất liền có gió Tây Bắc cấp 5, giật cấp 6 - 7; vùng ven biển cấp 6, cấp 7, giật cấp 8 - 9, riêng vùng ven biển phía bắc của tỉnh (đặc biệt khu vực Dung Quất) có gió mạnh cấp 7 - 8, giật cấp 9 - 10.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 13 nên khả năng từ chiều nay (14/11) đến sáng sớm ngày 15/11, trên khu tỉnh Quảng Ngãi có đợt mưa lớn diện rộng với lượng mưa phổ biến từ 50 - 150 mm, có nơi trên 200 mm.

Trước tình hình diễn biến phức tạp, mạnh lên của cơn bão số 13, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các biện pháp khẩn cấp phòng chống cơn bão.

Bão số 13 chưa đổ bộ huyện đảo Lý Sơn nhưng biển động cấp 10

Theo đó, các huyện Lý Sơn, Bình Sơn, thành phố Quảng Ngãi cần khẩn trương triển khai các biện pháp hạn chế người, phương tiện hoạt động trên đường trong thời gian bão đổ bộ; tổ chức kiểm soát, điều tiết, hạn chế phương tiện đi vào vùng dự kiến bão ảnh hưởng.

Riêng huyện Lý Sơn thông báo và không để người dân ra khỏi nhà, nơi cư trú kể từ 12h ngày 14/11/2020 để đảm bảo an toàn tính mạng cho đến khi hết gió mạnh (dưới cấp 6). Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 13, sử dụng tất cả các phương tiện truyền thông hiện có (hệ thống truyền thanh địa phương, loa truyền thanh lưu động, loa tay,…) để truyền tin dự báo, cảnh báo bão để người dân biết, chủ động phòng tránh.

Đà Nẵng gấp rút sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm

img
Công an hỗ trợ người dân phường Hòa Hải sơ tán đến nơi an toàn tránh bão số 13. Ảnh: Vĩnh Nhân

Ghi nhận của PV, sáng 14/11, tại khu dân cư Tân Trà (quận phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) nơi có hàng chục nhà cấp 4 của người dân không kiên cố, chính quyền địa phương, quân đội, công an đã đến từng hộ dân hỗ trợ di dời người dân đến nơi an toàn.

Bà Huỳnh Thị Rúng (tổ 71, khu dân cư Tân Trà, phường Hòa Hải) cho biết, căn nhà của bà nhỏ, đã xuống cấp nên khi nghe tin bão số 13 đổ bộ vào, bà lo lắng đến mất ngủ.

“Sáng nay dậy sớm, 2 mẹ con thu dọn đồ đạc cần thiết rồi chính quyền qua chở đi sơ tán. Mong sao bão nó giảm cấp để đỡ bị thiệt hại nặng”, bà Rúng nói.

Tương tự, bà Lê Thị Gái (69 tuổi, khu dân cư Tân Trà, phường Hòa Hải) cũng đã thu dọn xong các vật dụng cần thiết để lực lượng chức năng đưa đến nơi an toàn để trú bão.

Trước đó, từ chiều hôm qua (13/11), các lực lượng quân đội, công an đã hỗ trợ bà chằng chống nhà cửa xong. Ông Hoàng Chí Trung, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hải cho biết, trong ngày 13 và sáng sớm 14/11, UBND phường đã chỉ đạo cho các lực lượng thông báo cho người dân sinh sống ở trong nhà cấp 4 không kiên cố, nhà tạm, đến những vị trí mà phường đã bố trí để tránh bão.

“Phường đã lập 2 tổ công tác, xuống hỗ trợ và sơ tán dân khu dân cư Tân Trà về tại các vị trí kiên cố tránh bão đảm bảo an toàn cho người dân. Đây là những khu dân cư thu nhập thấp nên nhà cửa không kiên cố nên phải sơ tán khẩn. Trong quá trình di dời dân, người dân chấp hành nghiêm túc nên việc sơ tán được nhanh chóng, thuận lợi”, ông Chung nói.

Người dân Quảng Trị đưa ghe thuyền lên bờ tránh bão

img
Người dân di chuyển ghe, thuyền lên bờ tránh bão

10h52, tại khu vực bãi biển xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị sóng biển dồn dập, người dân vùng biển bãi ngang này đang đưa ghe thuyền lên bờ, di chuyển sâu vào bên trong.

Dự kiến sơ tán gần nửa triệu dân

Tàu mắc cạn ở vùng biển Cửa Việt, Quảng Trị

Sáng nay (14/11), báo cáo nhanh Ban chỉ đạo T.Ư về PCTT cho biết, trước giờ bão số 13 đổ bộ, trên địa bàn huyện Hải Lăng (Quảng Trị) còn 2.664 hộ bị ngập từ 0,3-0.5m.

Tại Thừa Thiên - Huế, trên địa bàn các huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền còn 1.500 hộ bị ngập từ 0,2-0,4m.

Theo kế hoạch, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi dự kiến sơ tán hơn 86 nghìn hộ với 467.603 người dân.

Tính đến 21h tối 13/11 các tỉnh đã sơ tán 910 hộ với 3.244 người. Các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên đã tổ chức cấm biển từ ngày 13/11/2020.

img
Người dân Thừa Thiên - Huế cắt tỉa cành cây, giằng néo nhà cửa - ảnh: Văn Tư

Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, đã thông báo, hướng dẫn tổng số 59.752 phương tiện/289.062 người, trong đó neo đậu tại các bến 55.820 phương tiện/262.849 người, hoạt động tại các khu vực khác 3.932 phương tiện/26.213 người. Hiện không còn phương tiện nào trong khu vực nguy hiểm.

Báo cáo của Bộ GTVT cho biết đã thông báo, kiểm đếm tại các vùng cảng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có 261 tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa.

Liên quan tới tình hình hồ chưa thủy lợi, tới nay các hồ Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cơ bản tích đủ nước.

Lũ mới xuất hiện trên các sông từ Thanh Hóa tới Quảng Ngãi

Tàu thuyền tránh trú bão tại âu tàu Phú Hội, xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị

Cơ quan khí tượng cảnh báo từ hôm nay 14-16/11, từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 150-250mm/đợt, có nơi trên 350mm; ở Thanh Hóa, phía Bắc Nghệ An và Quảng Ngãi có mưa to với lượng mưa từ 50-150mm/đợt. Trong thời gian này, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi sẽ xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh), các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam ở mức báo động 2 đến báo động 3, có sông trên báo động 3…

Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo T.Ư về PCTT yêu cầu khẩn trương rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú, kể cả tàu vận tải, tàu vãng lai, không để tình trạng các tàu thuyền chủ quan, bị sự cố như trong bão số 9; đảm bảo an toàn cho các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản và các hoạt động khác trên biển.

Lúc 9h50 tại âu tàu tránh trú bão Phú Hội, xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, hàng trăm tàu thuyền đã vào neo đậu kín chỗ để trú tránh bão số 13. Một số ngư dân đang gấp rút giằng néo, một số thuyền nhỏ cũng đang được che đậy bạt phòng mưa lớn thuyền bị chìm.

Ông Dương Văn Lượng cho hay nghe tin bão các tàu đã vào bờ tránh trú từ ngày hôm qua. "Một năm bão lũ dồn dập quá khổ sở với miền Trung", ông Lượng đang neo lại chiếc tàu cá cho hay.

Người dân Quảng Trị chằng chống nhà cửa, Thừa Thiên-Huế yêu cầu người dân không ra đường

Gió và sóng biển mạnh dần ở biển Cửa Việt

Ghi nhận của PV lúc 8h47 tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, trời mưa nhỏ, một số người dân đang chằng chống nhà cửa.

Tại cửa biển Cửa Việt vắng bóng tàu thuyền, một số tàu hàng đang neo đậu tại cảng Cửa Việt. Tàu thuyền nhỏ đã vào neo đậu tại nơi kín gió. Tại bãi tắm Cửa Việt đang có những đợt sóng khá rõ.

Được biết, tổng số hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là 124 hồ, trong đó có 1 hồ Thủy lợi - Thủy điện và 123 hồ thủy lợi.

Hiện tại, dung tích các hồ chứa thủy lợi vừa và lớn cơ bản đã đạt dung tích tích trữ, một số hồ đã tiến hành điều tiết xã lũ trong thời gian vừa qua; các hồ chứa nhỏ đã tích đầy nước.

Số tàu thuyền trên địa bàn tỉnh này là 2.312 chiếc với 7.163 thuyền viên đều đã nhận được thông tin về diễn biến và hướng di chuyển của bão số 13; có thông tin liên lạc thường xuyên và đang neo đậu tại các bến.

Riêng các tàu thuyền ngoại tỉnh cũng đã được kêu gọi vào neo đậu tránh, trú bão trên địa bàn tỉnh là 36 chiếc với 251 thuyền viên. Tính từ ngày 11/11 đến nay, Quảng Trị đã triển khai sơ tán 574 hộ dân với 1.993 người. Trong đó, sơ tán dân tránh lũ là 344 hộ với 797 người (huyện Hải Lăng) và sơ tán dân tránh sạt lở đất là 230 hộ với 1.196 người (huyện Hướng Hóa).

img
Tàu hàng Thành Đạt 68 mắc cạn tại khu vực bãi tắm Cửa Việt từ đợt bão trước nhưng chưa được "giải cứu" thành công - Ảnh: Duy Lợi

Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã có thông báo khẩn về việc bão số 13 vào bờ sớm hơn dự kiến, yêu cầu người dân không ra đường từ 12h trưa nay.

img
Một cây xăng bên QL1 huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế đã giằng chống phòng chống bão từ chiều tối hôm qua - ảnh: Văn Tư

Sáng 14/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, tỉnh đã triển khai biện pháp cưỡng chế Thủy điện Thượng Nhật phải mở 5 cửa van để ứng phó với bão số 13. Hiện nay, đơn vị quản lý Thủy điện Thượng Nhật đã chấp hành lệnh mở hoàn toàn các cửa van. Chính quyền địa phương xã Thượng Nhật và huyện Nam Đông sẽ trực tiếp giám sát việc mở các cửa van này.

Trước đó, trong các văn bản chỉ đạo ứng phó với mưa bão, tỉnh Thừa Thiên – Huế đều yêu cầu những công trình thủy điện đang thi công dở dang, công trình chưa được phép tích nước, các công trình không đảm bảo điều kiện vận hành an toàn không được phát điện, duy trì cửa van ở trạng thái mở hoàn toàn, xả nước để phòng lũ. Cương quyết xử lý các chủ đập không thực hiện đúng pháp luật về phòng chống thiên tai.

Công trình nhà máy thủy điện Thượng Nhật do Công ty Cổ phần đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam làm chủ đầu tư, có công suất 11MW, hiện chưa được các cơ quan chức năng cấp phép để tích nước. Tuy nhiên, đơn vị quản lý công trình này nhiều lần vi phạm quy định, tự ý tích nước hồ. Cuối tháng 10/2020, Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã có văn bản gửi Tổng công ty Điện lực miền Trung đề nghị không mua điện đối với nhà máy Thủy điện Thượng Nhật, cho đến khi được các cơ quan chức năng cho phép tích nước.

Hôm nay, gió mạnh, mưa lớn xuất hiện từ Hà Tĩnh tới Quảng Nam

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Do ảnh hưởng của bão số 13, vùng biển phía Tây khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) ngày hôm nay (14/11) có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão cấp 13-14, giật cấp 17; sóng biển cao từ 5-7m, vùng gần tâm bão 9-11m; biển động dữ dội.

Vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, huyện đảo Lý Sơn, đảo Cù Lao Chàm và Hòn Ngư) có mưa bão, gió mạnh dần lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14; biển động rất dữ dội. Vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh.

Vùng ven biển từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng có khả năng nước dâng do bão cao 0,5-1,0m.

Dự báo thời tiết trên đất liề, từ sáng và trưa nay (14/11), từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Ngãi gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng ven biển có nơi cấp 10, giật cấp 12.

Do bão số 13 có hoàn lưu rộng nên mưa dông, lốc ở rìa xa của cơn bão cũng sẽ xuất hiện ngay từ ngày mai, 14/11, khi bão còn ở trên khu vực phía nam quần đảo Hoàng Sa.

Bão gây gió mạnh trên đất liền các tỉnh từ Quảng Nam trở ra đến Hà Tĩnh từ sáng ngày 14/11, thời gian có gió mạnh nhất từ trưa đến đêm 14/11 đối với các tỉnh từ Huế đến Quảng Nam và từ tối 14 đến sáng ngày 15 ở Hà Tĩnh đến Quảng Trị.

Từ ngày 14 đến 16/11, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam sẽ có mưa lớn với lượng mưa từ 150-250 mm, có nơi trên 350 mm; Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi có mưa to 50-150mm.

"Mưa lớn sẽ khiến nguy cơ lũ quét và sạt lở đất ở Bắc và Trung Trung Bộ tăng cao trong hai ngày cuối tuần này", ông Lâm cảnh báo.

Diễn biến bão số 13 mới nhất

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 13, tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8.

Hồi 4h ngày 14/11, vị trí tâm bão số 13 ở trên khu vực phía Nam quần đảo Hoàng Sa, cách Đà Nẵng-Thừa Thiên Huế khoảng 390km về phía Đông, cách Quảng Trị khoảng 510km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12h tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 16 giờ ngày 14/11, vị trí tâm bão ở khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng-Thừa Thiên Huế khoảng 190km về phía Đông, cách Quảng Trị khoảng 300km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 15.

Dự báo trong 12 đến 24h tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và suy yếu dần. Đến 4h ngày 15/11, vị trí tâm bão ở khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 108,1 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 13.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 13 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.

Gió mạnh, sóng lớn trên biển: Vùng biển phía Tây khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) ngày hôm nay (14/11) có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão cấp 13-14, giật cấp 17; sóng biển cao từ 5-7m, vùng gần tâm bão 9-11m; biển động dữ dội.

Vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, huyện đảo Lý Sơn, đảo Cù Lao Chàm và Hòn Ngư) có mưa bão, gió mạnh dần lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14; biển động rất dữ dội. Vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh.

Do ảnh hưởng của bão số 13, vùng biển phía Tây khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) ngày hôm nay (14/11) có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão cấp 13-14, giật cấp 17; sóng biển cao từ 5-7m, vùng gần tâm bão 9-11m; biển động dữ dội.

Vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, huyện đảo Lý Sơn, đảo Cù Lao Chàm và Hòn Ngư) có mưa bão, gió mạnh dần lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14; biển động rất dữ dội. Vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh.

Vùng ven biển từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng có khả năng nước dâng do bão cao 0,5-1,0m.

Trên đất liền, từ sáng và trưa nay (14/11), trên đất liền từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Ngãi gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng ven biển có nơi cấp 10, giật cấp 12.

Cũng theo dự báo, từ 14-16/11, từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 150-250mm/đợt, có nơi trên 350mm; ở Thanh Hóa, phía Bắc Nghệ An và Quảng Ngãi có mưa to với lượng mưa từ 50-150mm/đợt.

Vì sao bão số 13 - Vamco rất nguy hiểm?

Tại cuộc họp ứng phó bão Vamco, sáng 13/11, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, bão Vamco rất nguy hiểm vì bốn yếu tố.

"Đầu tiên là đường đi của bão đang khó đoán định. Thứ hai, tốc độ bão đến nay còn lớn. Thứ ba, hoàn lưu bão gây mưa to. Và cuối cùng, bão dự kiến đổ bộ vào khu vực vừa hứng chịu 9 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới trong hơn một tháng qua", ông Cường phân tích.

Theo đó, ông Cường lưu ý, các địa phương, đơn vị, người dân không thể chủ quan, nếu không chuẩn bị ứng phó tốt, bão có thể gây tổn thất nặng nề trên biển, đất liền và vùng núi.

Huế - Đà Nẵng cho học sinh nghỉ học tránh bão số 13

Chiều 13/11, Sở Giáo dục và đào tạo (Sở GD-ĐT) TP Đà Nẵng đã có công văn về việc triển khai ứng phó với bão số 13 (bão Vamco) gửi phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện; các trường, trung tâm trực thuộc; các trường đại học tư thục.

Thực hiện công điện ngày 13/11 của UBND TP về việc ứng phó với bão Vamco, mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, Sở GD-ĐT TP yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học khẩn trương thông báo cho trẻ mầm non, học sinh, học viên, sinh viên nghỉ học ngày 14-11 để phòng tránh bão số 13.

Đồng thời không tổ chức các hoạt động có huy động giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên, sinh viên trong ngày 14 và 15-11 để đảm bảo an toàn (trừ hoạt động phòng chống và khắc phục hậu quả của bão); phân công các bộ phận có liên quan trực 24/24h để sẵn sàng ứng phó với những tình huống phát sinh...

Do ảnh hưởng của bão lũ, thời gian qua học sinh, sinh viên tại Đà Nẵng đã phải liên tục nghỉ học để phòng tránh.

Chiều 13/11, ông Nguyễn Tân, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết sở đã có công văn cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học vào ngày 14/11 để tránh bão số 13.

Ngoài cho học sinh nghỉ học, sở còn yêu cầu dừng tất cả các hoạt động tập trung học sinh trong hai ngày 14 và 15/11.

Quảng Trị yêu cầu hoàn thành việc di dời sơ tán dân trước 14h ngày 14/11

Chiều 13/11, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng tiếp tục có Công điện khẩn về việc tập trung ứng phó với bão số 13 và mưa lũ.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Sở NN&PTNT và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với UBND các huyện ven biển tiếp tục kiểm tra, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm về nơi trú tránh an toàn.

“Rà soát kỹ, không để sót tàu thuyền tại vùng neo đậu không an toàn; hướng dẫn việc neo đậu, chằng neo và có phương án đảm bảo an toàn về người, phương tiện tại nơi tránh trú. Tổ chức neo đậu, chủ động đưa tàu thuyền nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại, lưu ý khu vực neo đậu quanh đảo Cồn Cỏ phải di chuyển tàu thuyền đến các nơi tránh trú an toàn; thực hiện cấm biển bắt đầu từ 14h ngày 13/11”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

img
Nước lũ "bủa vây", xe ô tô, trâu bò và chợ cũng được di dời lên đường tại xã Hải Phong, huyện Hải Lăng chiều 13/11

Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát lực lượng, trang thiết bị hiện có để thực hiện triệt để phương châm “4 tại chỗ”; cập nhật điều chỉnh phương án sơ tán dân, chủ động di dời, sơ tán dân khỏi các nhà không an toàn, khu vực nguy hiểm khi bão ảnh hưởng trực tiếp, nhất là khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ chịu tác động của sóng lớn, nước dâng, khu vực ngập sâu, sạt lở, lũ ống, lũ quét.

“Đặc biệt là các địa phương ở Hướng Hóa và Đakrông cần tổ chức sơ tán, di dời dân tại khu vực đã và đang có nguy cơ sạt lở đất nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Tuyệt đối không để người ở lại trong các lán trại công trình đang xây dựng, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trên tàu thuyền khi bão đổ bộ.

Trường hợp cần thiết phải thực hiện cưỡng chế để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, hoàn thành việc di dời sơ tán dân đến nơi an toàn trước 14h ngày 14/11”, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu.

Cũng trong chiều 13/11, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ tiếp tục có Công điện hỏa tốc về việc triển khai ứng phó cơn bão số 13.

Tại Công điện này, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu kiểm tra, rà soát việc neo đậu tàu thuyền tại các cảng cá, âu thuyền, bến neo đậu, các lồng bè nuôi trồng thủy sản. Tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trên tàu, thuyền neo đậu, trong các lán trại công trình đang xây dựng kể từ 15h ngày 14/11.

“Khẩn trương tổ chức sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, ven sông ven suối, ven biển, các vùng thấp trũng, ngập úng, nhà không kiên cố. Việc sơ tán dân hoàn thành trước 10h ngày 14/11”, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu.

Tương tự, UBND tỉnh Quảng Nam cũng có công điện khẩn ứng phó với cơn bão số 13. Công điện yêu cầu, các đơn vị, địa phương tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.

"Triển khai sơ tán dân theo phương án ứng phó bão mạnh; triển khai phương án sơ tán theo mức ngập báo động III +1m tại các trạm thủy văn, hoàn thành trước 12h ngày 14/11, đồng thời đảm bảo lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung", công điện nhấn mạnh.

Nằm trong vùng dự báo chịu ảnh hưởng của cơn bão số 13, Hà Tĩnh cũng ra công điện yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện cấm biển bắt đầu từ 17h ngày 13/11; đồng thời chủ động sơ tán dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Đà Nẵng: Từ 12h trưa 14/11, tạm ngưng vận tải khách đi-đến; người dân không ra khỏi nhà

Ngày 13/11, UBND thành phố Đà Nẵng đã có công điện gửi sở ngành, đơn vị liên quan và UBND các quận huyện trên địa bàn TP Đà Nẵng về việc ứng phó bão VAMCO (bão số 13), mưa, lũ, lũ quét và sạt lở đất.

img
Các nhà xe, đơn vị vận tải thông báo cho hành khách về việc ứng phó bão số 13​

UBND TP Đà Nẵng yêu cầu UBND các quận, huyện triển khai ngay phương án sơ tán các hộ dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà trọ, nhà tạm, nhà không kiên cố, nhà khu vực ven biển, các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá, lũ quét, ngập lụt, nước biển dâng do bão đến nơi an toàn, bắt đầu từ chiều ngày 13/11 và chậm nhất đến 11h ngày 14/11 phải hoàn thành.

Dự kiến số lượng sơ tán đối với kịch bản bão gió cấp 8-11 là 72.136 người. Dự kiến số lượng sơ tán đối với kịch bản bão gió cấp 12-13 là 140.868 người.

UBND thành phố cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị có biện pháp đảm bảo an toàn cho những nơi tránh trú và có phương án đảm bảo hậu cần tại chỗ trong trường hợp người dân phải ở lại dài ngày. Tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản, trên tàu, thuyền neo đậu, trong các lán trại công trình đang xây dựng, hoàn thành trước 15h ngày 13/11.

Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 12h ngày 14/11 cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả trong khu công nghiệp, công nghệ cao) nghỉ làm việc trong ngày 14/11 (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt).

Công an thành phố chủ trì phối hợp với Sở GTVT và các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức chốt chặn không cho người và phương tiện qua lại tới những vị trí nguy hiểm, ngập sâu trên các tuyến giao thông, cầu, đường… quan trọng bắt đầu từ 12h ngày 14/11.

"Sở GD&ĐT cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học ngày 14/11. Tiếp tục theo dõi diễn biến bão, lũ trong những ngày đến để quyết định việc cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố", công văn nêu thêm.

Ngoài ra, UBND TP Đà Nẵng cũng quyết định thành lập Ban Chỉ huy Tiền phương TP Đà Nẵng ứng phó với bão số 13 tại Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng bắt đầu làm việc từ 9h ngày 14/11.

Cũng trong chiều 13/11, Phó giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Bùi Thanh Thuận ký văn bản hỏa tốc về việc ứng phó bão số 13 theo Công điện số 10 của UBND TP.Đà Nẵng. Theo đó, từ 11 giờ ngày 14/11, Đà Nẵng tạm dừng vận tải các tuyến cố định đi và đến các bến xe trên địa bàn: Bến xe trung tâm và Bến xe phía Nam thành phố. Thời hạn tạm dừng cho đến khi bão đi qua.

Sở GTVT Đà Nẵng yêu cầu Bến xe, các chủ doanh nghiệp vận tải hành khách thực hiện nghiêm quy định trên, đồng thời thông báo đến hành khách, cổng thông tin, trang mạng... Ông Thuận giao TTGT, các đơn vị chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm nếu các đơn vị vận tải cố tình hoạt động.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.