Đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất chờ cơ chế mới được đầu tư nâng cấp
Trong báo cáo mới nhất gửi Cục Hàng không VN về tình trạng mặt đường cất, hạ cánh (CHC), đường lăn, sân đậu tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, Phó giám đốc cảng này, ông Phạm Vũ Cường cho biết, tuần vừa qua, cảng không ghi nhận thêm các vị trí mới phát sinh có dấu hiệu bất thường.
Tuy nhiên, ông Cường cũng cho biết, có một số khu vực đoạn tàu bay dừng để chạy đà cất cánh xuất hiện các vệt lõm có chiều hướng gia tăng ngày càng lớn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, cảng đang xây dựng kế hoạch để tiến hành sửa chữa khu vực này.
Đây chỉ là một trong các báo cáo mà CHK quốc tế Tân Sơn Nhất (cũng như Nội Bài) phải gửi Cục Hàng không VN mỗi tuần. Tổng giám đốc TCT Cảng hàng không VN (ACV) Vũ Thế Phiệt nhiều lần khẳng định, “mất ăn, mất ngủ” vì lo chuyện an toàn đường CHC của 2 CHK lớn nhất cả nước.
Phía ACV cũng nhiều lần đề cập đến việc cấp thiết phải đầu tư nâng cấp 2 đường băng nói trên trong tổng thể các dự án nâng cao năng lực khu bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Tuy nhiên, vấn đề này chỉ có thể được giải quyết rốt ráo sau khi Đề án quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng hàng không được phê duyệt.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, việc hoàn thiện Đề án quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không trình Chính phủ phê duyệt là rất cấp thiết nhằm đảm bảo tài sản của Nhà nước được quản lý, khai thác theo đúng quy định, đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cũng như sự đầu tư đồng bộ trong hoạt động quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không.
Thống nhất giao ACV
Không tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước
Theo Cục Hàng không VN, việc giao ACV quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không nhưng không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có ưu điểm là phù hợp với pháp luật hiện hành, đảm bảo quy định về Người khai thác CHK theo tiêu chuẩn ICAO và nguyên tắc “Mỗi CHK, sân bay có một người khai thác CHK, sân bay”, đồng thời đảm bảo tính sẵn có và kế thừa bộ máy năng lực, kinh nghiệm của ACV.
Đặc biệt, giao ACV sẽ giúp đảm bảo không tăng gánh nặng cho ngân sách Nhà nước do việc đầu tư được thực hiện bởi ACV trên cơ sở nguồn thu từ hoạt động khu bay và nguồn tiền ứng trước của ACV được hoàn trả lại thông qua nguồn thu từ hoạt động khu bay trong khoảng thời gian nhất định. Điều này đặc biệt quan trọng khi mà nguồn thu từ hoạt động khai thác khu bay hiện nay chỉ đủ bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên chứ chưa đủ để đầu tư, nâng cấp trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách ngày một hạn chế…
Được biết, đến thời điểm hiện tại, Cục Hàng không VN đã trình Bộ GTVT Dự thảo đề án quan trọng này. Theo đó, trên cơ sở Điều 10, Điều 27 Nghị định số 44/2018 ngày 13/3/2018 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không, Cục Hàng không VN cho biết, có 2 hình thức hoặc giao cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không thuộc Bộ GTVT (Cục Hàng không VN) hoặc Nhà nước giao doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng hàng không (ACV) quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không nhưng không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (theo Điều 99, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công).
Trong trường hợp đầu tiên, Cục Hàng không VN có thể trực tiếp khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không; Cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không hoặc chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không.
Theo Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Phạm Văn Hảo, cơ quan này đã phân tích ưu, nhược điểm của các phương thức khai thác, đồng thời nghiên cứu, xem xét, cân nhắc đến khả năng quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không. Thời điểm hiện nay, Cục Hàng không VN chưa đủ nguồn lực để thực hiện phương án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không theo quy định.
Do đó, Cục Hàng không VN đề xuất Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước mắt tiếp tục giao ACV quản lý khai thác bảo trì theo Điều 27, Nghị định 44 trong thời hạn 5 năm. Sau 3 năm thực hiện, Bộ GTVT sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, trên cơ sở đó phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Đề án khai thác giai đoạn tiếp theo.
Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GTVT Chu Thị Thủy cũng cho rằng, việc tổng kết, đánh giá cũng như đề xuất của Cục Hàng không VN là cần thiết.
Đồng quan điểm, ông Trịnh Như Long, Phó tổng giám đốc TCT Quản lý bay VN (VATM) nói: Tài sản khu bay là tài sản công. Việc giao tài sản công cho DN đã được quy định trong Luật Quản lý tài sản công. Tại Nghị định 44 về quản lý hạ tầng khu bay cũng có điều khoản chuyển tiếp (Điều 27), giao DN quản lý khai thác cảng. Hiện tại, chỉ có 2 DN quản lý khai thác cảng là ACV và Vân Đồn. Do đó, về pháp lý, nếu Bộ GTVT quyết định giao ACV là hoàn toàn hợp lý.
Ông Long cũng ủng hộ việc chọn mốc 5 năm để đánh giá lại. “Đây là khoảng thời gian mang tính trung hạn, không quá ngắn, không quá dài. Nếu ngắn hơn, bộ máy tổ chức chưa kịp ổn định để có thể đánh giá chính xác việc quản lý, đầu tư khai thác. Còn nếu lâu hơn, có thể có những nhược điểm mà không kịp chấn chỉnh kịp thời”, ông Long phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận