Nối nhịp cầu dây văng hơn 5.000 tỷ - chuyện giờ mới kể
Tham gia dự án cầu Mỹ Thuận 2 từ những ngày đầu, đã ba cái Tết, năm nào ông Trịnh Trường Hải, Giám đốc điều hành dự án cầu Mỹ Thuận 2 (Ban QLDA 7) cũng tận mắt chứng kiến và trải nghiệm cảnh kẹt xe, ùn tắc giao thông qua cầu Mỹ Thuận 1 mỗi dịp trước và sau Tết.
"Nhìn cảnh kẹt xe mà thấy kinh hoàng, ùn tắc trên cầu từ sáng đến tối. Anh em làm việc trên công trường ai cũng cố gắng hết sức, làm xuyên lễ, Tết để sớm có cầu Mỹ Thuận 2 chia tải cho cầu Mỹ Thuận 1", ông Hải kể.
Cầu Mỹ Thuận 2 do các kỹ sư trong nước thực hiện từ khâu quản lý dự án, thiết kế, giám sát và thi công. Ban QLDA 7 đã có kinh nghiệm khi quản lý điều hành dự án cầu dây văng Rạch Miễu nối Tiền Giang - Bến Tre (khánh thành ngày 19/1/2009). Tuy nhiên, cầu Mỹ Thuận 2 có quy mô lớn, kết cấu dầm thi công ở vị trí cao hơn mặt sông khoảng 38m, khẩu độ nhịp chính 350m. Dự án nằm ngay ngã 3 sông với hai hố xói sâu gần 42m, dưới lòng sông gần khu vực trụ tháp. Kết cấu cầu dây văng nhịp lớn, móng cọc khoan nhồi đường kính 2,5m với chiều sâu cọc 115m.
Dự án được giao thực hiện trong 3 năm thì 2 năm vướng dịch Covid-19, giãn cách xã hội. Ông Hải nhớ lại: "Có thời điểm tưởng như không thể kịp về đích vào cuối năm 2023 như kế hoạch ban đầu. Với sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Ban QLDA 7, sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn, địa phương; thực hiện các giải pháp bổ sung, chủ động nguồn cung ứng vật liệu, cập nhật công bố giá vật liệu, kịp thời khơi thông dòng vốn để huy động số lượng lớn vật tư thi công.
Các nhà thầu thực hiện 3 tại chỗ theo mô hình "bong bóng khép kín" chống dịch, những khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ từng bước được tháo gỡ. Những nhân sự kinh nghiệm, có năng lực, trách nhiệm nhất được huy động tới công trường. Bên cạnh quản lý tiến độ tổng thể, phải lập kế hoạch thi công chi tiết cho từng hạng mục, từng tháng, từng ngày để quản lý và kịp thời có biện pháp khắc phục, bù tiến độ".
Đối với cầu dây văng, việc kiểm soát được kích thước hình học của cầu nói chung và đường cong trắc dọc cầu nói riêng rất quan trọng. Nhưng việc này khá phức tạp do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khách quan liên quan tới trình tự thi công, đặc trưng của vật liệu và các yếu tố môi trường như nhiệt độ, gió…
Vì vậy, ngay từ khi bắt đầu triển khai thi công, chủ đầu tư đã chỉ đạo đơn vị thi công, tư vấn phối hợp để chuẩn bị, làm rõ các thông số kỹ thuật phục vụ quá trình thi công. Với việc áp dụng các giải pháp trên, dự án đã triển khai liên tục và hiệu quả, vượt tiến độ so với yêu cầu.
Cầu Mỹ Thuận 2 khánh thành ngày 24/12 cùng với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ dài hơn 121km đã chính thức nối thông. Tết này sẽ không còn cảnh kẹt xe, ùn tắc trên cầu Mỹ Thuận cũ, đường về quê sum họp Tết cùng gia đình với người dân một phần được rút ngắn.
Nghiền đá thay đất làm cao tốc
Là người "ăn nằm" ở cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết suốt 3 năm, ông Phan Quốc Huy, Giám đốc Ban điều hành dự án vẫn nhớ như in, khởi công dự án mọi người phải đeo khẩu trang. Quá trình triển khai có lúc công trường bị phong tỏa vì nhiều cán bộ nhiễm Covid-19. Thiếu nguồn vật liệu đất đắp khiến dự án đã đào xong nền đường biến thành những dòng sông khi mùa mưa đến. Lãnh đạo Ban QLDA 7 đã chủ động làm việc với các cấp có thẩm quyền, để kịp thời ban hành các cơ chế đặc thù về nguồn vật liệu đất đắp.
Đồng thời chủ động báo cáo Bộ GTVT cho phép xay nghiền đá từ việc phá núi để thay đất đắp nền. Mặc dù chi phí cao hơn đất nhưng không phát sinh giá so với hợp đồng đã ký. Việc này đã giải quyết được gần 2 triệu trên tổng số 9,2 triệu khối đất đắp nền của toàn dự án.
Phải đến giữa năm 2022, những khó khăn nhất về vật liệu mới cơ bản được giải quyết. Trong thời gian cao điểm, cả công trường huy động hơn 1.000 đầu xe máy, thiết bị chính và hơn 3.000 cán bộ, công nhân tập trung toàn lực, thi công 3 ca 4 kíp. Số lượng huy động tăng gấp 3 lần so với yêu cầu theo hồ sơ mời thầu.
Ban QLDA7 và Ban Điều hành dự án kịp thời giải quyết nghiệm thu, thanh toán để tạo dòng tiền cho nhà thầu tổ chức thi công đảm bảo tiến độ. Không quản ngày đêm, hễ nhà thầu có khối lượng, các bộ phận bám sát ngay từ thực địa, xác định khối lượng một cách nhanh nhất, kể cả lúc nửa đêm để sáng hôm sau kịp thời chuyển hồ sơ thanh toán.
Ngược lại, với những nhà thầu không đảm bảo khả năng thực hiện tiến bộ, Ban yêu cầu bổ sung nhà thầu phụ mới, thay thế các tổ đội thi công yếu kém ở cả 4 gói thầu. Nhà thầu chính phải thu lại khối lượng của nhà thầu phụ chậm trễ để tự thực hiện hoặc cắt chuyển cho các đơn vị liên danh đảm nhiệm.
Lần đầu tiên trên một đại công trường lớn, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT phát động phong trào thi đua "120 ngày đêm thông xe kỹ thuật 4 dự án đường bộ cao tốc: Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây". Thời gian triển khai phong trào thi đua từ tháng 9/2022 đến hết tháng 12/2022.
Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương và sự nỗ lực, cố gắng với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, vượt đại dịch, thắng bão giá, vượt lên chính mình để hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn" của Ban QLDA 7, nhà thầu, TVGS và các đơn vị tham gia dự án đã hoàn thành được nhiệm vụ chính trị được giao, đưa dự án vào khai thác dịp 19/5/2023.
"Cá nhân tôi và các cá nhân đơn vị tham gia dự án rất tự hào về thành tích này, đây là kết quả của cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực không biết mệt mỏi", ông Huy nói.
Lần đầu tiên, tỉnh Bình Thuận đón hơn 8,5 triệu lượt du khách với tổng doanh thu du lịch đạt trên 23.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2022, trở thành một trong 9 tỉnh, thành phố có doanh thu du lịch trên 10.000 tỷ đồng.
Trong năm 2023, tỉnh Ninh Thuận cũng đón gần 3 triệu lượt khách du lịch, tỉnh này đặt mục tiêu thu hút trên 3,2 triệu lượt khách du lịch trong năm 2024.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận