Công trình quý hiếm của công cuộc phát triển giao thông vận tải đường sắt đầu thế kỷ 20
Chỉ trong 1 tháng, cầu Long Biên đã 2 lần liên tiếp xảy ra tình trạng sập tấm đan ở phần bộ hành và mặt đường bộ. Nhiều người lo ngại trước sự xuống cấp nghiêm trọng của chiếc cầu được coi là chứng nhân lịch sử của Hà Nội.
Ứng xử với cầu Long Biên hiện hữu như thế nào cũng là câu hỏi được nhiều người đặt ra bởi sau hơn 120 năm khai thác sử dụng, tình trạng của cầu đã không còn nguyên vẹn như kết cấu ban đầu.
Cầu Long Biên đã trải qua hơn 120 năm khai thác, giờ đây xuống cấp và rình rập nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông
Trao đổi với Báo Giao thông, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng, số phận của cầu Long Biên cần phải được quyết định rõ ràng theo hai hướng.
GS - TS - KTS Hoàng Đạo Kính được biết đến là người đã bỏ ra nhiều tâm huyết, công sức để nghiên cứu cũng như góp phần gìn giữ những bản sắc của văn hóa Việt Nam. Nhắc đến KTS Hoàng Đạo Kính là người ta nghĩ ngay đến vấn đề bảo tồn trùng tu di sản, giữ gìn hồn cốt văn hóa của dân tộc.
Thứ nhất, nếu tiếp tục khai thác cầu làm giao thông, phải có một cuộc đại trùng tu lớn. Bởi hiện nay, cầu đã không đáp ứng được những nhu cầu giao thông hiện đại nữa. Tuy nhiên, việc đại tu cũng khó vì tàu hỏa ngày càng có tải trọng lớn, mật độ vận chuyển dày hơn nên chiếc cầu cũng rình rập nhiều nguy cơ.
Thứ hai, phải thay đổi chức năng, để cầu được công nhận như một di sản kỹ thuật đô thị. Bởi, đây là công trình kỹ thuật quý hiếm của công cuộc phát triển giao thông vận tải đường sắt đầu thế kỷ 20.
Nếu quyết định như thế, sẽ không đại tu cầu Long Biên như một phương tiện giao thông nữa mà nên tu bổ theo khái niệm bảo tồn, biến cầu thành một phần của di sản đô thị Hà Nội, làm nơi để người dân tham quan, chụp ảnh, đi bộ, mua sắm đồ lưu niệm…
“Đây là vấn đề phải tính toán chiến lược. Tại sao ngày nay, ta làm những đường giao thông tránh thành phố, mà vẫn giữ đường tàu hỏa cũ kỹ chạy giữa đô thị chật hẹp? Việc tiếp tục dùng chiếc cầu già nua, tàn tạ này để khai thác giao thông là điều rất cố hữu”, GS Hoàng Đạo Kính chia sẻ.
Cầu Long Biên như một chứng nhân lịch sử của Hà Nội
Cần sự bàn bạc của nhiều chuyên gia giao thông, kỹ sư, nhà văn hóa
Trong khi đó, GS.TS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc thổ lộ tâm nguyện của những người làm nghiên cứu là bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa. Do đó, ông rất mong có biện pháp để giữ lại hình ảnh của chiếc cầu - một biểu tượng của văn hóa đầu thế kỷ 20.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô - là chủ biên hàng chục bộ sách, chủ trì hàng chục hội thảo lớn về lịch sử Thăng Long - Hà Nội.
“Nếu có thể vừa giữ, vừa khai thác sử dụng cũng tốt, vì nếu chỉ để cầu như một di tích không cũng rất phí. Chúng ta phải cải tạo, nhưng có thể giữ lại dáng cầu, những đặc trưng tiêu biểu để người đời sau nhớ và biết. Nhiều nơi trên thế giới giữ lại các khu nhà cổ, phố cổ đều làm như vậy”, GS. Ngọc nói.
Tuy nhiên, ông nhận định việc giữ cầu như thế nào và sử dụng ra sao là bài toán vĩ mô, cần sự bàn bạc của nhiều chuyên gia giao thông, kỹ sư, nhà văn hóa…. để cùng tìm ra một phương pháp tối ưu nhất.
Cầu Long Biên được xây dựng từ năm 1899, đến năm 1902 hoàn thành, thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng có chiều dài 1691,15m. Trải qua hơn 120 năm khai thác, sử dụng, hiện tại cây cầu đã không còn nguyên vẹn kết cấu như ban đầu sau nhiều lần được khôi phục, gia cố sửa chữa do bị chiến tranh phá hoại và bị hư hỏng kết cấu do khai thác.
Ngày 28/5 vừa qua, một tấm đan trên mặt đường bộ của cầu Long Biên bị sập. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Cục Đường sắt VN đã cùng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông Bộ GTVT, Tổng công ty Đường sắt VN và Công ty CP Đường sắt Hà Hải trực tiếp kiểm tra hiện trường cầu, khắc phục sự cố.
Trước đó, vào ngày 4/5/2022, phần đường dành cho người đi bộ trên cầu cũng bị gãy một tấm đan. Ngay sau khi phát hiện, đội quản lý cầu đã cho lắp ngay tấm đan mới, để đảm bảo an toàn cho người đi bộ trên cầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận