Phát triển - Kết nối

Cầu vui nối... bản “cô đơn” ở vùng biên giới Nghệ An

30/11/2021, 22:21

Trong năm vừa qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đã kêu gọi xây dựng 3 cây cầu dân sinh trị giá hơn 5 tỷ đồng.

Bản “cô đơn” mỗi khi mưa lũ

Bản Kẻ Tre cách trung tâm xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông (Nghệ An) khoảng 5 - 6km. Lối vào bản chỉ có một con đường độc đạo đi qua Khe Xan. Cầu bắc qua khe chỉ là cầu tạm làm bằng tre, gỗ do người dân đóng góp nên cứ đến mùa mưa lũ lớn, nước dâng cao là giao thông bị chia cắt.

img

Trong năm 2021, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Con Cuông (Nghệ An) đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng được 3 cây cầu dân sinh vào các bản làng xa xôi, khó khăn

Đã nhiều lần cầu bị nước lũ cuốn trôi khiến bản gồm 88 hộ, 404 khẩu (chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái) bị cô lập hoàn toàn. Trong bản có khoảng 60 học sinh, người lớn trong bản phải khiêng xe, quăng dây đưa học sinh đi học.

Ông Vi Văn Hải - Bí thư Chi bộ bản Kẻ Tre nhớ lại: Mỗi khi mưa lũ lớn, cầu tạm lại “theo sông về với biển”, cũng có nghĩa là bản Kẻ Tre bị cô lập hoàn toàn. Có khi cả nửa tháng dân làng phải sống trong cảnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập” do cầu bị cuốn trôi.

Cách đó không xa, việc đi lại, giao thương của gần 200 hộ với hơn 1000 nhân khẩu (chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái) ở bản Kẻ Trai với thế giới bên ngoài cũng được kết nối bằng chiếc cầu tạm.

Mùa nước cạn con suối Nặm Cai hiền hòa như con nai trong rừng. Đến mùa mưa lũ, nó lại trở nên hung hãn con beo, con hổ. Người dân nơi đây không nhớ nỗi đã có bao nhiêu lần dòng nước lũ chảy xiết cuồn cuộn, cuốn trôi những cây cầu. Họ chỉ nhớ, năm nào dân bản cũng góp tre, mép, gỗ, góp công… để làm cầu. Có năm làm cầu đến 2 lần nhưng học sinh vẫn phải nghỉ học vì nước dâng cao quá, không thể qua suối.

Cũng như Kẻ Tre, Kẻ Trai, bản Quẹ ở xã Bình Chuẩn (Con Cuông) được người dân gọi đùa với nhau là bản cô đơn. Bởi cứ hễ mưa lũ là gần 100 hộ với hơn 400 nhân khẩu (chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái) nơi đây bị cô lập hoàn toàn.

Chị Vi Thị Ninh, một người dân bản Quẹ cho biết: Trước đây bản Quẹ đã có mấy trường hợp người ốm đau bị chết vì không thể đưa đi bệnh viện kịp thời do nước lũ dâng, chia cắt bản với bên ngoài. Còn xe bị trôi, người bị vấp ngã khi qua suối, hầu như năm nào cũng diễn ra.

img

Niềm vui ngày khánh thành cầu Bản Qụe, xã Bình Chuẩn

Phát triển giao thông, mở rộng giao thương cho đồng bào miền núi

Thấu hiểu những khó khăn, thiệt thòi của đồng bào, những năm qua cấp ủy và chính quyền huyện Con Cuông đã đưa ra nhiều chính sách, đường lối phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, phát huy vai trò “giao thông đi trước mở đường”, tạo tiền đề và là động lực cho các ngành khác phát triển.

Tuy nhiên, là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, ngân sách hạn hẹp. Hai năm gần đây dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới mọi mặt của địa phương…, hạn mức đầu tư của địa phương vẫn còn hạn chế so với nhu cầu.

Không đầu hàng, cấp ủy và chính quyền huyện Con Cuông đã tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, các nhóm thiện nguyện để kêu gọi hỗ trợ xây cầu cho người dân từ các nguồn xã hội hóa.

Theo thống kê, trong năm 2021, Ủy ban MTTQ huyện Con Cuông đã trực tiếp kêu gọi, xây dựng được 3 cây cầu bê tông kiên cố (nói ở trên), trị giá hơn 5 tỷ đồng. Ngoài ra, nhóm thiện nguyện Niềm Tin ở TP. Vinh cũng đã kêu gọi, hỗ trợ ủng hộ xây cầu vượt lũ cho bà con bản Thịn, xã Lục Dạ (đồng bào dân tộc Đan Lai) với tổng mức đầu tư 800 triệu đồng.

Kể từ ngày có cầu mới, người dân bản Kẻ Trai, Kẻ Tre và bản Quẹ mừng hơn Tết, bởi “giấc mơ đã trở thành hiện thực”.

“Nhà tôi con cái đi làm ăn xa, để lại 6 đứa cháu cho ông bà già chăm sóc, ngày nào tôi cũng phải đi về mấy chuyến để chở các cháu đi học.

Khi chưa có cầu bê tông, vất vả lắm. Mỗi đợt mưa bão, người lớn phải lội khe đưa từng cháu sang, thầy cô đứng bên kia bờ đón học sinh vì sợ các cháu trôi, nay có cầu chắc chắn rồi, mừng vô bờ bến”, bà Vi Thị Chuẩn ở bản Kẻ Trai nói.

Theo cấp ủy, chính quyền và người dân, có cầu mới không chỉ giao thông thuận lợi mà giao thương cũng được mở rộng và phát triển.

“Giờ đây, bà con trồng được cây gì, nuôi được con gì việc trao đổi, buôn bán cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Hàng hóa, sản phẩm ở bên ngoài cũng được đưa vào tận bản làng... Một cuộc sống mới đang hiện hữu với đồng bào nơi đây”, Bí thư Chi bộ bản Kẻ Tre không giấu hết niềm vui.

Có cùng cảm xúc, ông Phạm Trọng Bình - Trưởng bản Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Con Cuông cho biết thêm: Bên cạnh kêu gọi xã hội hóa xây cầu cho bà con, thời gian qua huyện còn có nhiều chương trình như xây nhà đại đoàn kết, hỗ trợ bò... làm “bá đỡ”, “tiếp sức” cho các hộ nghèo có động lực vươn lên…

Một số hình ảnh về hoạt động của MTTQ huyện Con Cuông trong năm qua:

img

Người dân bản Thịn xã Lục Dạ vui mừng khi được nhóm thiện nguyện Niềm Tin ở TP. Vinh kêu gọi xây dựng cây cầu bê tông kiên cố

img

Có cầu mới bằng bê tông kiên cố, đồng bào miền núi Con Cuông hết cảnh "cô đơn" mỗi khi mưa lũ về

img

Niềm vui của học sinh bản Kẻ Trai xã Thạch Ngàn khi được đi học trên cây cầu mới

img

MTTQ huyện Con Cuông trao bò sinh kế cho những hộ dân nghèo trên địa bàn

img

Cận cảnh ngôi nhà bà Lang Thị Đông trước và sau khi được MTTQ huyện xây dựng

img

Một buổi sinh hoạt chuyên đề của Chi bộ CQ MTTQ huyện Con Cuông

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.