Trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn tồn tại 4,4 km mặt bằng chưa bàn giao để thi công dự án |
Theo hợp đồng, dự án phải hoàn thành vào 30/4/2016. Tuy nhiên hiện nay, khối lượng xây lắp của dự án đầu tư xây dựng QL38 qua địa phận Hải Dương và Bắc Ninh theo hình thức BOT mới đạt khoảng 60%. Nguyên nhân chậm do các nhà thầu không có mặt bằng, công địa thi công trên đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Hải Dương.
GPMB: tương phản giữa 2 địa phương
Dự án nâng cấp, mở rộng QL38 đoạn nối QL1 với QL5 (dự án QL38 - PV) do Công ty CP BOT38 làm nhà đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 1.679 tỷ đồng. Công trình có chiều dài 28,6km, trong đó đoạn qua tỉnh Bắc Ninh dài 18,3km, còn lại 10,3km nằm trên địa phận tỉnh Hải Dương. Tháng 7/2014, dự án được triển khai xây dựng với thời hạn hoàn thành theo hợp đồng 22 tháng, kết thúc vào 30/4/2016. Tuy nhiên, sau gần hai năm triển khai, tiến độ của dự án rất chậm, sản lượng xây lắp trên toàn tuyến mới đạt hơn 60%. Trong đó, đoạn qua địa phận Hải Dương chỉ đạt 35-38%.
"Ngoài việc địa phương bàn giao mặt bằng chậm trễ, dự án còn đang phải đối mặt với tình trạng xe tải trốn phí QL5 ồ ạt đi vào QL38 khiến công tác đảm bảo ATGT, phân luồng thi công gặp nhiều khó khăn. Từ sau Tết Nguyên đán 2016 đến nay, nhất là thời điểm khi QL5 tăng phí (1/4/2016), mỗi ngày có hàng nghìn lượt xe tải hạng nặng từ Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên đi Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Thái Nguyên,… lưu thông trên tuyến để né trạm thu phí QL5”. Ông Nguyễn Hồng Du |
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Chí, Phó tổng giám đốc Công ty CP BOT38 khẳng định, chắc chắn dự án sẽ bị vỡ tiến độ, không thể hoàn thành vào ngày 30/4. “Hiện chúng tôi đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT về việc điều chỉnh lại tiến độ hoàn thành toàn dự án vào 30/9”, ông Chí nói và chỉ rõ nguyên nhân cốt lõi dẫn tới tình trạng này do chính quyền địa phương chậm đền bù GPMB, không giao mặt bằng sạch cho các nhà thầu thi công.
Ông Nguyễn Hồng Du, Giám đốc điều hành dự án (Ban QLDA2 - cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại dự án) cho biết thêm, đối với phần mặt bằng trên địa bàn Bắc Ninh, ngay khi dự án triển khai xây dựng, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và chính quyền địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt. Đến tháng 7/2015, tỉnh Bắc Ninh đã cơ bản bàn giao xong mặt bằng để các nhà thầu triển khai thi công. “Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại, Hải Dương mới bàn giao được 5,9km/10,3km, mặt bằng còn vướng nhiều nhất nằm trên địa phận của huyện Cẩm Giàng”, ông Du nói.
Để gỡ vướng cho dự án này, gần hai năm qua, lãnh đạo Bộ GTVT nhiều lần trực tiếp đi kiểm tra hiện trường, đưa ra chỉ đạo quyết liệt, thậm chí phát đi cả công điện đôn đốc chính quyền địa phương Hải Dương vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ GPMB. Tuy nhiên, kết quả nhận được chỉ là những lời hứa. Nhiều mốc tiến độ hoàn thành GPMB được chính quyền đưa ra rồi lại trôi theo thời gian. “Tiến độ đầu tiên tỉnh Hải Dương đề ra là 30/6, kế tiếp là 30/8, 30/9, rồi 20/10/2015,… gần nhất là 31/3/2016, nhưng đến thời điểm này, gần một nửa diện tích đất cần GPMB qua Hải Dương vẫn án binh bất động”, ông Du chia sẻ.
Chậm bàn giao vì đất mất “gốc”
Ngày 10/4, trực tiếp có mặt tại hiện trường, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, toàn bộ mặt bằng được bàn giao trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã được các nhà thầu thi công xong phần nền đường và thảm xong bê tông nhựa lớp 1 (C19). Các đơn vị đang rốt ráo chuẩn bị thi công bê tông nhựa lớp 2 để thông xe kỹ thuật trong tháng 5 tới. Trong khi đó, tại hai gói thầu xây lắp 16 và 17 trên địa phận hai huyện Cẩm Giàng và Bình Giang (Hải Dương), hàng loạt máy móc, thiết bị nằm “đắp chiếu” để “ngóng” mặt bằng. Đặc biệt, tại khu vực dự án đi qua 3 xã của huyện Cẩm Giàng gồm: Cẩm Hưng, Ngọc Liên và Lương Điền chỉ có một vài điểm mặt bằng cục bộ được bàn giao cho các nhà thầu, còn lại vẫn “án binh bất động”.
Ông Nguyễn Hữu Chí cho biết, tổng kinh phí chi trả GPMB cho đoạn qua tỉnh Hải Dương là 230 tỷ đồng, nhưng đến nay mới giải ngân được khoảng 30 tỷ đồng. “Nhà đầu tư đã chuẩn bị đủ kinh phí đền bù, chỉ chờ địa phương phê duyệt xong phương án, chúng tôi sẽ chuyển tiền ngay. Nhưng hơn một năm nay, công tác GPMB qua địa phận tỉnh Hải Dương vẫn quá khó khăn”, ông Chí nói và cho biết, nhà đầu tư đang phải chịu nhiều thiệt thòi do tiến độ thi công dự án chậm kéo theo lãi suất ngân hàng, chi phí trượt giá và hợp đồng bảo lãnh của nhà tài trợ tín dụng.
Theo ông Phạm Văn Phượng, Phó giám đốc Sở GTVT Hải Dương, công tác đền bù GPMB của dự án qua địa phận Hải Dương được UBND tỉnh giao trách nhiệm trực tiếp cho chính quyền địa phương hai huyện Bình Giang và Cẩm Giàng triển khai. Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Báo Giao thông, ông Trịnh Ngọc Thành, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng thừa nhận trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc chậm bàn giao mặt bằng khiến dự án chậm, xuất phát chủ yếu từ công tác xác định nguồn gốc đất của các hộ dân bị ảnh hưởng. “Công tác quản lý hồ sơ đất đai những năm trước đây của huyện còn nhiều bất cập, hồ sơ xác định nguồn gốc đất không còn nên chính quyền chưa thống nhất được với người dân về phương án đền bù GPMB là đất ở hay đất nông nghiệp”.
“Hiện, chúng tôi đã chỉ đạo Hội đồng GPMB huyện rà soát lại tất cả các vướng mắc của từng hộ dân để đưa ra giải pháp tháo gỡ, chậm nhất 15/4 công tác này sẽ hoàn thành. Theo kế hoạch, chậm nhất trước 30/4, toàn bộ mặt bằng dự án qua huyện Cẩm Giàng sẽ được bàn giao cho các nhà thầu thi công”, ông Thành khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận