Ngày 8/9/2022, người dân huyện Nhà Bè (TP.HCM) ở hai bên cầu Long Kiển nửa vui mừng, nửa ngờ vực khi thấy hàng đoàn xe rầm rộ “đổ quân” xuống làm lễ… tái khởi công công trình này sau… 21 năm, kể từ khi dự án được phê duyệt (năm 2001).
Có xe cảnh sát dẫn đường, có lãnh đạo phát biểu, có nhà báo quay phim chụp hình. Rất khí thế!
Cầu Long Kiểng (Nhà Bè) được phê duyệt năm 2001, khởi công lần đầu năm 2018 và lần 2 vào tháng 9/2022, sau 21 năm vẫn chưa được gác dầm
Và sau 6 tháng, những ngày tháng 2/2023, PV Báo Giao thông trở lại công trường, chỉ thấy lèo tèo vài công nhân làm việc. Hỏi thì người dân chỉ cười, lắc đầu. Họ không còn tin những lời hứa rộn ràng của nhà đầu tư, nhà thầu nữa!
Tại TP.HCM, các dự án công trình giao thông lớn đều do Ban Quản lý đầu tư các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) làm chủ đầu tư.
Trong những ngày qua, loạt bài “Những dự án giao thông “rùa bò” ở TP.HCM làm khổ dân” mà Báo Giao thông đăng tải chỉ mới điểm sơ qua, đã thấy hàng chục dự án chậm tiến độ, đội vốn.
Dự án nào cũng thuộc dạng trăm tỷ, nghìn tỷ. Dĩ nhiên, chậm tiến độ khiến vốn cũng đội lên. Ai chịu trách nhiệm về phần đội vốn (không khác gì thất thoát) này? Chưa biết. Nhưng chắc chắn có một địa chỉ chịu thiệt: Ngân sách Nhà nước, tiền thuế của dân!
Điểm qua những công trình giao thông ì ạch mà Báo Giao thông đã phản ánh, có thể thấy việc chậm tiến độ có nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân dễ thấy nhất là sự quản lý yếu kém của chủ đầu tư.
Dự án mở rộng đường Lương Định Của (TP Thủ Đức) sau nhiều năm vẫn cứ bầy hầy
Vai trò của chủ đầu tư ở đâu, như thế nào mà để các dự án do UBND TP.HCM giao cho mình làm chủ đầu tư ì ạch từ năm này qua năm khác? Lý do gì mà cầu Long Kiểng được phê duyệt năm 2001, khởi công lần đầu năm… 2018 và khởi công lần 2 tháng 9/2022 với bao nhiêu là lời hứa quyết tâm, đến giờ vẫn thi công chiếu lệ?
Hay dự án mở rộng 2,8km đường Đồng Văn Cống (TP Thủ Đức): Khởi công tháng 8/2020, hứa hẹn “180 ngày sẽ hoàn thành”; đến nay đã trễ 27 tháng và vẫn là một đống bầy hầy và có nguy cơ đội vốn rất cao do công tác khảo sát thiết kế có vấn đề (không dự báo được nền địa chất yếu). Nhà thầu càng làm càng lỗ nên… buông! Vậy trách nhiệm của chủ đầu tư là gì? Hay đổ hết cho nhà thầu?
Còn nhiều dự án khác: Dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, Dự án nâng cấp mở rộng đường Lương Định Của, Dự án cầu Tăng Long, Dự án cầu Nam Lý, Dự án đường song hành QL50 nối về Long An (đoạn qua huyện Bình Chánh)… Mới nhất là dự án nút giao An Phú (cửa ngõ TP.HCM nối vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) có tổng mức đầu tư 3.400 tỷ đồng, rầm rộ khởi công tháng 12/2022, nay đã thấy công trường đìu hiu.
Chuyện gì đang xảy ra với căn bệnh trầm kha “khởi công rầm rộ, hứa hẹn đanh thép rồi thi công ì ạch” kiểu ăn cơm bỏ mứa? UBND TP.HCM có quyết tâm nội soi chẩn bệnh và kê toa bốc thuốc trị dứt căn bệnh này, để đưa TP.HCM thoát khỏi tình trạng trì trệ nhiều năm nay, trở lại vị trí đầu tàu cho nền kinh tế, không chỉ ở khu vực phía Nam mà còn là cả nước?...
“Thuốc đắng dã tật”. Xem ra căn bệnh trầm kha về công trình, dự án “chậm tiến độ, đội vốn” nếu không được kê toa bốc thuốc và điều trị dứt căn, thì cái đầu tàu khó mà tăng tốc.
Có bệnh thì chẩn bệnh. Biết bệnh thì bốc thuốc. Cần thiết thì nội soi, cần thiết thì giải phẫu. Thường ở đời bệnh không tự hết. Nếu không chữa chỉ có hai khả năng: Hoặc là nặng thêm hoặc là chết!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận