Hồ Gươm và phố cổ phải là niềm tự hào của người Hà Nội
Ở bất kỳ đô thị cổ nào trên thế giới, chúng ta đều thấy có tuyến phố đi bộ ở trung tâm lịch sử như: Rome, Berlin, Amsterdam, Paris... Vì sao?
Chúng ta đều biết rằng các trung tâm cổ được hình thành từ khi chưa có các phương tiện cơ giới hiện đại, chính vì vậy các con đường luôn chật hẹp. Từ khi xuất hiện dày đặc ô tô, xe máy, các khu phố cổ bị phá vỡ và mất đi giá trị của nó.
Trung tâm cổ là linh hồn của một đô thị, với chức năng thương mại, văn hoá, chính trị, du lịch... là nơi kết nối các mối quan hệ của các cư dân. Vì thế, việc trả lại nguyên vẹn hình ảnh và giá trị của nó là vô cùng quan trọng. Tất cả các đô thị cổ trên thế giới đều thực hiện quy hoạch chỉnh trang và xây dựng tuyến phố đi bộ trong trung tâm.
Khu vực Hồ Gươm và phố cổ là phần còn lại cổ nhất và có giá trị nhất của Hà Nội, nơi giữ lại những ký ức và văn hóa của những người dân thành thị, nơi mà những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của nó đã tạo nên bản sắc riêng, hoàn toàn khác với các đô thị khác.
Vì vậy nó phải được giữ gìn và chăm sóc vô cùng kỹ lưỡng. Nó chính là hình ảnh để Hà Nội thể hiện mình với thế giới. Nó phải đẹp và sống động, phải được chăm sóc để tạo nên niềm tự hào cho người Hà Nội.
Như một nhân chứng lịch sử, Hồ Gươm kết nối một chuỗi các di sản văn hóa của nhiều thời kỳ khác nhau: Khu phố cổ, khu phố cũ và nhiều công trình kiến trúc có giá trị cao về văn hóa lịch sử nghệ thuật. Để mang lại giá trị cho khu phố cổ và làm cho người dân phố cổ hiểu được giá trị, từ đó có được sự ủng hộ trong việc bảo tồn, bên cạnh việc chỉnh trang kiến trúc, lo sinh kế cho cư dân khu vực này thì việc hình thành tuyến phố đi bộ là vô cùng quan trọng.
Không nên cấm xe ban ngày
Do mật độ giao thông tăng nhanh một cách chóng mặt, hồ Gươm ngày càng bị lấn át và cô lập khỏi đô thị bởi 4 làn xe chạy vòng quanh. Một bãi đỗ xe lớn chiếm trọn không gian phía bắc của hồ, từ quảng trường Đông kinh nghĩa thục đến phố Hồ Hoàn Kiếm giao phố Đinh Tiên Hoàng, ngay phía trước Đền Ngọc Sơn.
Chính vì vậy, theo tôi, việc tổ chức tuyến phố đi bộ khu vực quanh Hồ Gươm và một số phố cổ là rất cần thiết. Để làm được điều này, trước hết phải tổ chức tốt các bãi đỗ xe ở các điểm tiếp cận với khu vực và tổ chức các tuyến giao thông công cộng thuận tiện kết nối với phần còn lại của thành phố.
Bước đầu chỉ nên thí điểm từ 19h đến 24h, tất cả các ngày trong tuần, trừ thứ bảy, chủ nhật. Không nên thí điểm ngay việc cấm xe hoàn toàn khu vực này khi chưa có các giải pháp đi kèm.
Ở mọi nơi trên thế giới, khi bắt đầu thực hiện tổ chức tuyến phố đi bộ, người dân luôn phản đối vì nghĩ rằng sẽ cản trở các hoạt động kinh doanh buôn bán của họ. Nhưng khi đi vào hoạt động, họ sẽ thấy lợi ích lớn của nó.
Các trung tâm thương mại hiện nay thực chất là một thiết kế dựa trên hình thái và tinh thần của trung tâm cổ, với các tuyến đi bộ và các cửa hàng. Tuyến phố đi bộ hình thành sẽ đưa trung tâm cổ trở thành một trung tâm thương mại mở, trở về đúng chức năng ban đầu của nó.
Nếu Hà Nội đã có quyết tâm bảo tồn và mang lại một giá trị văn hóa lớn cho phố cổ và Hồ Gươm, tại sao ta lại phản đối?
Việc cần làm là đòi hỏi chính quyền công bố lộ trình, kế hoạch và nguồn lực để biến điều này thành hiện thực. Người dân sẽ cùng chung tay xây dựng và giám sát.
* Kiến trúc sư Đặng Tố Nga hiện đang sống tại Turin (Italia). Tác giả là thành viên Nhóm kiến trúc sư đoạt giải Nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và phụ cận năm 2009, do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận