Trước một dự án có quy mô cực lớn, số vốn đầu tư khổng lồ, việc xem xét, quyết định thận trọng, nâng lên đặt xuống là rất cần thiết. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh hiện nay, có thể thấy đây là thời điểm chín muồi để triển khai.
Tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tính toán sơ bộ xác định tổng mức đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao khoảng 67,34 tỉ USD.
Sức ép về thời gian không cho phép chúng ta chần chừ nghiên cứu thêm nữa.
Thời gian qua, Bộ GTVT đã rất tích cực cùng các bộ, ban, ngành nghiên cứu kinh nghiệm, tham khảo mô hình từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổ chức học tập kinh nghiệm tại 6 nước sở hữu và làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao để chốt kịch bản xây dựng tuyến đường sắt tốc độ thiết kế 350km/h, khai thác tàu chở khách nhưng có thể dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu, báo cáo cơ quan thẩm quyền.
Tôi cho rằng, việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao với tầm nhìn xa là hoàn toàn hợp lý. Bối cảnh thực tế của đất nước hiện nay cũng cho thấy phương án này là khả thi, từ năng lực tài chính quốc gia, cơ chế đầu tư cho đến việc tham khảo, học hỏi kinh nghiệm trên thế giới.
Mới đây, tôi cùng nhiều đại biểu Quốc hội đã đi tiếp xúc cử tri, thông báo với các cử tri về việc đề án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam dự kiến sẽ được trình trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 sắp tới với tốc độ tối đa 350km/h.
Bà con rất phấn khởi và đồng tình vì sắp có thêm một phương thức vận tải để nối gần khoảng cách giữa các tỉnh, thành với thời gian rất ngắn.
Bản thân tôi cũng rất đồng tình với đề án này. Tới đây, khi dự án được trình trước Quốc hội, tôi sẽ phát biểu ủng hộ và tôi tin với quyết tâm cao, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được.
Riêng về vốn, gánh nặng ngân sách có thể sẽ được giảm tải rất lớn khi hiện nay chúng ta có rất nhiều nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, khác so với trước đây là chỉ trông chờ vào ngân sách.
Hơn nữa, dự án này là cơ hội dùng đầu tư công để thu hút đầu tư tư nhân. Với số vốn dự kiến cần đầu tư cho toàn dự án rất lớn, khoảng 67 tỷ USD, ngân sách Nhà nước không thể kham hết.
Ngoài đầu tư công, cần kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP. Bài học trên thế giới cho thấy, đa phần các quốc gia trên thế giới, ngoài đầu tư hàng không, còn lại các hạ tầng giao thông khác đều kêu gọi tư nhân tham gia.
Việc đầu tư theo hình thức PPP một mặt vừa hút thêm vốn, vừa khiến người tham gia giao thông cần có trách nhiệm hơn khi sử dụng hạ tầng công cộng. Mỗi người tham gia giao thông cần chia sẻ với Nhà nước.
Triển khai tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam là một đòi hỏi tất yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sau khi đưa vào khai thác, chắc chắn sẽ tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển đột phá kinh tế - xã hội cả nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận