Chính trị

Chiến địa xưa hồi sinh trên đỉnh Pò Hèn

18/02/2022, 07:27

43 năm trước, ngày 17/2/1979, nhiều cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Pò Hèn (Quảng Ninh) ngã xuống vì sự vẹn nguyên của chủ quyền lãnh thổ.

Chiến tranh đã lùi xa, lịch sử đau thương khép lại, đỉnh Pò Hèn đã xanh sắc yên bình, với ngôi làng bích họa độc đáo thu hút du khách gần xa...

img

Ông Hoàng Như Lý bên mộ đồng đội hy sinh trong trận chiến Pò Hèn

Từ ký ức của người cựu binh

Những ngày đầu xuân Nhâm Dần, trong tiết trời khá lạnh, mưa phùn, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Pò Hèn sừng sững, uy nghi trên ngọn đồi nhỏ cách biên giới Việt - Trung chừng vài trăm mét theo đường chim bay đang có nhiều đoàn người đến thắp hương, tưởng niệm.

Trong dòng người đang kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ công ơn của những anh hùng liệt sĩ 43 năm trước đã ngã xuống vì chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc, có một ông cụ tóc đã bạc trắng đang lau những giọt nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo.

Đó là cựu chiến binh Hoàng Như Lý, nguyên là cán bộ Đồn Biên phòng 209 (nay là Đồn Pò Hèn) - một trong số ít người sống sót trong trận chiến đấu bảo vệ đồn ngày 17/2/1979.

Ngày 26/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Trung ương đã dâng hương tại Khu tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Pò Hèn. Tham gia đoàn có Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Trung ương đã thành kính dâng hương, đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc Chiến tranh bảo vệ biên giới vì sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


Thiếu tá Phùn Văn Dũng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Pò Hèn cho biết: “Cụ Lý tuy tuổi đã cao, nhưng nhiều năm rồi, cứ đến ngày rằm, mùng 1 hàng tháng, nhất là dịp kỷ niệm ngày giỗ của các đồng đội (ngày 17/2) cụ Lý đều nhờ người chở đến đây, thắp hương đồng đội”.

Ngồi cạnh Đài tưởng niệm, cụ Lý xúc động kể câu chuyện 43 năm trước. Khi đó, cả Đồn 209 có hơn 60 cán bộ, chiến sĩ, toàn là tân binh, vừa mới ra trường. Đồn 209 làm đơn sơ trên ngọn đồi, đường lên heo hút, xa trung tâm, đi bộ vào phải mất cả ngày.

Toàn đơn vị chỉ có 2 con ngựa thồ để tiếp phẩm, nên việc thiếu hụt thực phẩm, lương thực là chuyện hàng ngày. Có thời điểm, anh em phải đào măng, lấy rau dại trên đồi để ăn cho qua ngày. Cực khổ là vậy, nhưng ai cũng vững vàng tư tưởng, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ biên giới Tổ quốc.

“Tối 16/2 - một ngày trước khi xảy ra trận chiến không cân sức giữa các cán bộ, chiến sĩ của ta với quân xâm lược đông gấp bội, cũng là ngày thứ hai anh Phạm Xuân Tảo (SN 1936) được điều động từ Bộ Tư lệnh Công an vũ trang về Đồn Pò Hèn làm Chính trị viên. Anh Tảo rủ tôi cùng 2 người khác cũng ở tổ trinh sát lên phòng chỉ huy trò chuyện, trao đổi công việc. Thế mà hôm sau, anh Tảo cùng đồng đội đã anh dũng hy sinh.

Từ những cậu lính trẻ hay cười, hay hát, đến những người lính già như Hoàng Văn Cừ từ quân đội chuyển sang hay Nguyễn Văn Mật thuộc đội cơ yếu, bảo vệ… đã nằm xuống trên mảnh đất này. Tất cả vẫn còn đó, nguyên vẹn trong tôi như những ngày còn bên nhau”, ông Lý trải lòng.

Theo Biên niên lịch sử Đồn Biên phòng Pò Hèn, rạng sáng 17/2/1979, phía Trung Quốc dùng pháo cối hạng nặng và các loại súng đại liên, trung liên bắn dữ dội vào nhiều vị trí của ta, trong đó có Đồn Biên phòng 209, chỗ ở của các đội công nhân lâm nghiệp Hải Sơn và các khu dân cư dọc tuyến biên giới từ xã Lục Lằm đến Bắc Phong Sinh.

img

Trận chiến trên đỉnh Pò Hèn năm 1979

Sau khoảng 30 phút bắn cấp tập, khoảng 2.000 lính đối phương tràn sang. Trong khi lực lượng của đồn lúc này chỉ có hơn 60 người nên dù đã kiên cường chiến đấu, tiêu diệt và bắn bị thương nhiều tên khác nhưng do không cân sức dẫn đến đại bộ phận lực lượng của đồn đã hy sinh anh dũng.

“Chỉ trong vài giờ, tôi đã mất đi 45 đồng đội, những người đã gắn bó với tôi tựa máu thịt. Xúc động nhất là hình ảnh cô Hoàng Thị Hồng Chiêm, khi đó đang là nhân viên Cửa hàng HTX mua bán Pò Hèn. Sáng sớm 17/2/1979, quân xâm lược tràn sang, cô Chiêm không rút về tuyến sau mà chạy ngược lên chốt cùng chiến đấu với cán bộ, chiến sĩ Đồn Pò Hèn. Cô Chiêm chiến đấu anh dũng và ngã xuống khi trúng một loạt đạn của quân thù”, ông Lý nghẹn giọng.

Đến sức sống mới nơi thung lũng

img

Cuộc sống mới tại xóm họ Đặng, còn gọi là Làng Bích họa, giáp Đồn biên phòng Pò Hèn

Giờ đây, về Pò Hèn không chỉ ngập sắc xanh, mà còn được tô điểm bởi những bức tranh rực rỡ trên tường các ngôi nhà.

Những ngày tháng 2 biên giới, dưới mưa phùn rả rích, trong cái rét cắt da cắt thịt, những đoàn người lặng lẽ thắp hương, nghiêng mình tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Chiến tranh biên giới đã lùi xa, lịch sử đau thương đã khép lại nhưng những tấm bia liệt sĩ luôn nhắc nhở chúng ta ghi nhớ những người đã hy sinh để bảo vệ mảnh đất biên cương nơi địa đầu Tổ quốc.

Thiếu tá Phùn Văn Dũng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Pò Hèn


Mỗi ngôi nhà là một bức tranh khác nhau mang đậm bản sắc của vùng đất và con người bản địa nơi đây, từ những chú chó vàng nằm sưởi nắng, đàn gà cục tác ăn ngô, người nông dân dắt trâu ra đồng, những đứa trẻ con nô đùa cùng nhau, ếch xanh cầm chiếc lá…

Đây là sáng kiến của Đoàn thanh niên TP Móng Cái phối hợp với chính quyền xã và được sự hỗ trợ của các sinh viên mỹ thuật. Nhờ đó, Pò Hèn đã trở thành điểm check-in lý tưởng của nhiều du khách.

Ông Mễ Quang Vinh, người từng có gần 10 năm làm Bí thư kiêm Chủ tịch xã Hải Sơn TP Móng Cái chia sẻ: “Hải Sơn thuộc xã vùng sâu, vùng xa nhất của TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Thế nhưng, giờ đây, nhờ các chính sách đầu tư hợp lý, Hải Sơn đang thay đổi từng ngày, đường sá giao thông được mở mang, trường lớp khang trang, rộng rãi.

Xã tập trung xây dựng nông thôn mới, chỉnh trang nhà ở, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, với mục đích thu hút khách du lịch đến tham quan, bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan với lượng khách là vài ngàn người/năm.

“Với gần 400 hộ, trên 1.500 nhân khẩu thuộc 3 dân tộc anh em cùng sinh sống là Sán Chỉ, Dao và Kinh. Hiện, Hải Sơn chỉ còn 5 hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí mới. Số hộ khá giả ngày càng tăng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện”, ông Mễ Quang Vinh nói.

img

Xóm làng trù phú ở xã Hải Sơn, nơi từng xảy ra trận chiến Pò Hèn

Bà Trần Thị Tay, nhà ở đầu thôn Pò Hèn kể: “Tôi quê ở TP Hải Phòng, năm 1987, tôi làm đơn tình nguyện ra vùng biên giới Hải Sơn làm công nhân lâm trường. Những ngày đầu lên đây, cuộc sống vô cùng gian khổ, hiểm nguy rình rập, nhưng chúng tôi vẫn không chùn bước. Cả tuổi thanh xuân gắn bó với vùng đất này, nên chúng tôi thực sự vui trước đổi thay mạnh mẽ của nơi đây. Đường sá đi lại thuận lợi, con trẻ được học trong những ngôi trường khang trang; đời sống của người dân ngày càng được cải thiện.

Cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội, xã Hải Sơn cũng không ngừng củng cố thế trận quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

Thiếu tá Phùn Văn Dũng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Pò Hèn khẳng định: “Phát huy truyền thống cha, anh, nhiều năm nay, Đảng ủy, chỉ huy đơn vị luôn chăm lo củng cố xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc. Nhờ vậy, tình hình chủ quyền an ninh biên giới quốc gia luôn được giữ vững, mối quan hệ giữa cư dân 2 bên biên giới luôn hữu hảo”.

Đại diện lãnh đạo TP Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết, TP Móng Cái đã lập đề án gửi UBND tỉnh Quảng Ninh để tỉnh đề nghị với Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch công nhận Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Pò Hèn là Di tích lịch sử cấp Quốc gia nhằm giáo dục các tầng lớp nhân dân về truyền thống anh hùng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.