Mối tình Pò Hèn và cuộc chiến trên đỉnh Pò Hèn
Chiều 16/2, tại căn nhà nhỏ đơn sơ ở xã Bình Ngọc, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, những cựu chiến binh của Đồn Công an nhân dân vũ trang 209 (nay là Đồn biên phòng Pò Hèn) cùng tới thắp hương trên bàn thờ có di ảnh của 2 liệt sỹ Bùi Văn Lượng và Hoàng Thị Hồng Chiêm.
Những mẩu chuyện về những tháng ngày yêu nhau của 2 liệt sỹ, cuộc chiến đấu ngoan cường của họ tới việc hai gia đình làm đám cưới cho họ sau mấy chục năm hy sinh khiến ai nấy đều rưng rưng nước mắt.
Chị Hoàng Thị Hồng Chiêm sinh năm 1954 tại phường Bình Ngọc, TP Móng Cái. Chị từng tham gia chống Mỹ, sau khi đất nước thống nhất, chị về làm nhân viên thương nghiệp của một cửa hàng bách hóa dưới chân núi Pò Hèn. Những ngày tháng ở Pò Hèn, chị Chiêm và anh Bùi Văn Lượng - chiến sĩ Đồn Công an nhân dân vũ trang 209 yêu nhau. Mối tình của họ được bạn bè, đồng đội cùng ủng hộ, ai cũng mong đôi trẻ sớm thành vợ, thành chồng.
Chiều tối 16/2/1979, chị Chiêm thu dọn tài sản của cửa hàng để cất giấu nơi khác vì khu vực Pò Hèn được cho là sẽ bị quân Trung Quốc tấn công, dù chưa biết khi nào. Vì chưa dọn hết hàng hóa nên chị Chiêm cùng các anh Định, Vượng (cửa hàng trưởng) và anh Thắng, Chủ tịch UBND xã Hải Hà, ở lại để hôm sau tiếp tục sơ tán nốt.
Thế nhưng, mờ sáng17/2, hàng loạt đạn pháo của quân Trung Quốc đã bắn dồn dập vào khu vực Pò Hèn, quân Trung Quốc lố nhố áp sát cửa hàng. Chị Chiêm phá vòng vây chạy lên đồi - nơi có trận địa chốt của Đồn biên phòng Pò Hèn xin được giao nhiệm vụ.
Ông Hoàng Như Lý, nguyên chiến sỹ công an vũ trang Pò Hèn nhớ lại: Đơn vị giao cho chị Chiêm đi tiếp đạn và làm nhiệm vụ băng bó vết thương cho chiến sĩ cũng như đưa những người bị thương về nơi trú ẩn. Hoàn thành những việc được giao, chị Chiêm cầm súng trực tiếp xuống một đoạn giao thông hào chiến đấu cùng các chiến sĩ.
Sau một loạt đạn pháo của quân TQ dội vào trận địa, chị Chiêm bị thương ở tay. Khi các chiến sĩ đến băng bó vết thương và yêu cầu rút về hầm trú ẩn, chị dứt khoát từ chối.
Quân Trung Quốc với số lượng áp đảo tiếp tục xông lên, những chiến sỹ công an vũ trang quyết tâm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của biên cương Tổ quốc. Trong trận chiến đấu diễn ra sáng 17/2/1979, 45 cán bộ, chiến sĩ Công an vũ trang Pò Hèn đã giành giật từng tấc đất, từng mét giao thông hào để bảo vệ đồn và anh dũng hy sinh. Chị Hoàng Thị Hồng Chiêm cũng đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Trong khi liệt sỹ Hoàng Thị Hồng Chiêm chiến đấu, hy sinh thì liệt sỹ Bùi Văn Lượng cùng 5 đồng đội đã hy sinh tại chốt Trạm kiểm soát Đồi Quế. Ước mơ về một mái ấm gia đình của đôi trẻ mãi mãi không thành hiện thực.
Năm 1979, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã truy tặng Huy chương Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc cho liệt sĩ Hồng Chiêm và tên của chị đã được ghi vào trang sử truyền thống của Đoàn Thanh niên.
Đám cưới cho... người đã khuất
Năm 2017, tình cờ biết được mong mỏi của gia đình hai bên về việc tác thành cho chị Hoàng Thị Hồng Chiêm và anh Bùi Văn Lượng, một phóng viên của Đài Truyền hình Quảng Ninh cùng ông Hoàng Như Lý đã nảy ra ý tưởng một tổ chức lễ ăn hỏi cho hai liệt sĩ.
Ngày 6/8/2017, một đám cưới đặc biệt diễn ra tại Quảng Ninh, với hành trình rước dâu Hạ Long - Móng Cái. Đó là đám cưới của hai liệt sĩ Bùi Văn Lượng và Hoàng Thị Hồng Chiêm.
Nghi thức cho đám cưới đặc biệt này cũng đầy đủ như bao đám cưới khác, cũng trầu cau, bánh trái, phát biểu của nhà gái, nhà trai, của đồng đội hai liệt sĩ… trước sự chứng kiến của họ hàng, bạn bè và những đồng đội cũ của hai bên. Chỉ có điều, khác biệt là hai họ đón dâu, rể bằng 2 tấm di ảnh chân dung của hai liệt sĩ.
“Gia đình nhà trai đưa lễ và ảnh liệt sĩ Lượng từ Hạ Long ra Móng Cái. Xin dâu xong, nhà trai gửi lại nhà gái ảnh của liệt sĩ Lượng và rước ảnh chân dung của liệt sĩ Chiêm về Hạ Long rồi làm thủ tục đón nhận cô dâu Chiêm chính thức trở thành thành viên của gia đình”, cựu binh Nguyễn Đức Tuấn - người trực tiếp sát cánh cùng cô dâu, chú rể trong trận đánh sáng 17/2/1979 tại Pò Hèn kể.
Ông Bùi Văn Huy (anh trai liệt sỹ Lượng) kể lại: “Từ khi hai người hy sinh cho đến giờ, mỗi lần thắp hương cho em trai vào các dịp giỗ, Tết, lễ, gia đình vẫn nhắc tên cô Chiêm, bởi gia đình vẫn coi cô như một thành viên trong gia đình dù hai bên chưa nói chuyện trầu cau. Giờ đây cô chú ấy đã mãi mãi ở bên nhau, được gia đình hai bên thừa nhận”.
Hôm nay, ngày 17/2, tại Khu tưởng niệm Pò Hèn, những đồng đội của anh Lượng, chị Chiêm tổ chức lễ tưởng niệm nhân kỷ niệm 40 năm những người lính Công an vũ trang đã ngã xuống bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận