Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái thanh tra về việc điều hành tăng trưởng tín dụng.
Công văn nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ, Thường trực Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo bằng văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng...
Tuy nhiên, đến nay, tăng trưởng tín dụng năm 2023 còn thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra. Việc tiếp cận vốn tín dụng còn nhiều khó khăn, việc phân giao hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng chưa thực sự khoa học, kịp thời, hiệu quả, còn có ý kiến phản ánh của đại biểu Quốc hội và các chuyên gia.
Để kịp thời tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả điều hành tăng trưởng tín dụng, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Thanh tra Chính phủ (TTCP) tiến hành thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành tăng trưởng tín dụng, xây dựng, giao, điều hành chỉ tiêu, hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 và 2023, công tác quản lý, giám sát việc thực hiện tăng trưởng tín dụng.
TTCP báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc triển khai trong tháng 12/2023 và kết quả thanh tra trong tháng 1/2024.
Trước đó, Kiểm toán Nhà nước có Báo cáo kết quả kiểm toán Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Qua đó chỉ ra trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành tiền tệ.
Theo Kiểm toán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đột ngột điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành (trong khi các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng dần từ đầu năm 2022) sau một thời gian dài không thay đổi là khó dự đoán, gây bất lợi cho nền kinh tế, khiến cho môi trường kinh tế rủi ro hơn, người dân, doanh nghiệp không thể lập được kế hoạch kinh doanh dài hạn ổn định. Ngân hàng Nhà nước phản ứng chậm dẫn đến điều hành lãi suất đột ngột, chức năng thanh tra giám sát các cơ quan thanh tra giám sát yếu kém....
Kiểm toán Nhà nước xác định nhiều ngân hàng thương mại như NCB, SCB, Bắc Á Bank, GPbank, Baovietbank, LPBank, DongAbank... không thực hiện việc hỗ trợ lãi suất theo chỉ đạo Nghị định 31.
Theo Ngân hàng Nhà nước, lũy kế 10 tháng, tăng trưởng tín dụng là 7,1% so với cuối năm 2022, chỉ bằng một nửa kế hoạch đã đặt ra.
Trong khi đó, các gói tín dụng hỗ trợ giải ngân thấp, không đáp ứng được Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội.
Theo đó, gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh giải ngân được 875 tỷ đồng (2,3%). Gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ giải ngân đạt 82,7 tỷ đồng.
Nguyên nhân việc giải ngân chậm được các chuyên gia, ngân hàng thương mại chỉ ra là do chính sách cho vay khắt khe, lãi suất cao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận