Ngày 15/10, Bộ GTVT phối hợp cùng UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ thông xe kỹ thuật Dự án đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.
Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và kết nối giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), sau khi hoàn thành, cùng với dự án Kết nối trung tâm đồng bằng Mê Kông sẽ tạo thành tuyến trục dọc nối thông khu vực kinh tế trọng điểm Tây Nam Bộ.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình bày tỏ sự vui mừng khi Dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi chính thức thông xe kỹ thuật.
Phó Thủ tướng đánh giá, dự án là công trình có ý nghĩa rất quan trọng, khi hoàn thành sẽ kết nối các trung tâm kinh tế của ĐBSCL đồng thời mở ra một tuyến mới kết nối trung tâm TP. Hồ Chí Minh đến các tỉnh Tây Nam Bộ.
Việc đưa dự án này vào khai thác vào cuối năm 2020 sẽ tiếp tục góp phần cải thiện mạng lưới đường bộ giao thông trong khu vực, kết nối khu vực phía Tây của ĐBSCL, tạo thành tuyến trục thứ hai song song với QL1, tạo tiền đề và là động lực phát triển kinh tế, xã hội của các tỉnh có dự án đi qua nói riêng và các tỉnh khu vực đồng bằng Mê Kông nói chung.
“Với ý nghĩa đó, tôi đánh giá cao, biểu dương sự cố gắng nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của Bộ GTVT, Tổng công ty Cửu Long. Biểu dương chính quyền và nhân dân thành phố Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang đã nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai thi công dự án; biểu dương các bộ, ngành trung ương liên quan trong quá trình thực hiện dự án.
Đồng thời đặc biệt biểu dương các nhà thầu, tư vấn giám sát, các cán bộ, kỹ sư, công nhân, lao động trên công trường đã phối hợp chặt chẽ, khắc phục rất nhiều khó khăn, nỗ lực phấn đấu, lao động làm việc ngày đêm thực hiện để hôm nay dự án đủ các điều kiện thông xe kỹ thuật”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nói.
Để công trình được hoàn thành đảm bảo an toàn và thông xe đưa vào sử dụng vào cuối năm 2020, Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo thực hiện, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật để Dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi hoàn thành đảm bảo an toàn, chất lượng, đúng tiến độ, giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn trong quá trình thi công.
Các bộ ngành liên quan của Trung ương, UBND tỉnh Kiên Giang, UBND thành phố Cần Thơ cùng phối hợp với Bộ GTVT để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, 2 địa phương phải hết sức chủ động hỗ trợ giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật còn lại.
Ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý Hạ tầng giao thông Cửu Long (Công ty Cửu Long) cho biết, theo quy hoạch tổng thể, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi là đoạn thuộc trục Chơn Thành - Đất Mũi của đường HCM có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và kết nối giao thông khu vực ĐBSCL.
Dự án do Bộ GTVT là chủ đầu tư, Công ty Cửu Long là đơn vị đại diện chủ đầu tư, được đầu tư bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF). Tổng mức đầu tư hơn 6.355 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Dự án có tổng chiều dài 51km, được chia làm 2 gói thầu thi công xây lắp gồm: CW1 nằm trên địa phận TP. Cần Thơ với chiều dài 24,17km, 11km đường gom và 13 cầu và hệ thống thoát nước; CW2 nằm trên địa phận tỉnh Kiên Giang với chiều dài 27km, có 9km đường gom và 14 cầu cùng hệ thống thoát nước.
Điểm đầu tại Km 02+104.11, thuộc địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ, điểm cuối tại Km 53+553 thuộc địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Quy mô tương đương đường cấp III đồng bằng, có 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h.
"Dự án đã được Bộ GTVT tổ chức lễ khởi công vào ngày 17/1/2016, sau thời gian tập trung nỗ lực triển khai, dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính và đủ điều kiện để thông xe kỹ thuật.
Hiện tại, các đơn vị thi công đang khẩn trương tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại để chính thức đưa vào khai thác cuối năm 2020 theo đúng tiến độ phê duyệt dự án.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ được quản lý khai thác theo tiêu chuẩn đường cao tốc, qua đó, sẽ rút ngắn thời gian đi từ Cần Thơ xuống Kiên Giang từ 1 giờ 30 phút xuống còn 50 phút", ông Trần Văn Thi chia sẻ.
Ông Đỗ Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhận định, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi là tuyến đường bộ cao tốc, huyết mạch quan trọng, có ý nghĩa trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Tây Nam.
Cùng với QL80 kết nối trung tâm tỉnh Kiên Giang với các tỉnh lân cận trong vùng ĐBSCL, trong đó trực tiếp là kết nối tỉnh An Giang, Đồng Tháp và TP. Cần Thơ. Là trung tâm giao thông đầu mối quan trọng của vùng góp phần phát triển kinh tế, xã hội của vùng cũng như địa phương.
Đồng thời, khi tuyến đường đưa vào khai thác sẽ tạo thành trục vận tải trọng yếu, liên kết các trung tâm kinh tế quan trọng. Đặc biệt là kết nối với các trục cao tốc quan trọng phía Nam như: Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ An - Cao Lãnh - Vàm Cống - Rạch Sỏi về hướng Tây Nam của Tổ quốc, tương lai kết nối tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu xuống cảng Trần Đề - Trung tâm Logistics của ĐBSCL.
“UBND tỉnh rất mong được Trung ương, Bộ GTVT tiếp tục ủng hộ trong việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ĐBSCL nói chung, tỉnh Kiên Giang nói riêng. Có như vậy mới phát huy được hiệu quả đầu tư, phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu vận chuyển ngày càng cao của tỉnh và của cả vùng ĐBSCL”, ông Đỗ Thanh Bình bày tỏ.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá, khu vực ĐBSCL có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Trong những năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm và quyết liệt chỉ đạo và có rất nhiều chính sách để thúc đẩy, phát triển tiềm năng, thế mạnh của vùng.
Đặc biệt rất nhiều công trình lớn, quan trọng đã được đầu tư đưa vào khai thác như: cầu Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận, cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh… đường hành lang ven biển phía Nam, tuyến cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, cùng với việc nâng cấp cải tạo các tuyến QL huyết mạch đã góp phần thay đổi diện mạo của hệ thống giao thông trong khu vực, nâng cao năng lực vận tải hàng hóa.
“Trong giai đoạn tới, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ đi Cà Mau và một loạt các dự án giao thông khác đang và chuẩn bị triển khai sẽ tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông ĐBSCL, kết nối đồng bộ, góp phần phát triển kinh tế xã hội, phần nào đáp ứng được mong mỏi của hơn 20 triệu đồng bào khu vực Tây Nam Bộ”, Phó Thủ tướng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận