Chuyện dọc đường

Chống “tham nhũng thời gian”

20/10/2019, 06:42

“Khoán công việc” là cách duy nhất để tăng năng suất và tăng thu nhập cá nhân, là cách duy nhất để chống “tham nhũng thời gian”...

img
Ảnh minh họa

Người ta mải tranh luận nên tăng hay giảm ngày nghỉ, tăng giờ làm thêm đến ngưỡng nào mà quên mất việc quan trọng nhất là chống “tham nhũng thời gian”.

Câu chuyện “khoán chui” ở Hải Phòng, “khoán 10” ở Vĩnh Phú là cách khoán, có thể nói là đổi mới trong nông nghiệp của nước ta từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Đó thực chất là minh chứng rõ ràng nhất về việc giao cho nông dân quyền tự chủ, thì tự khắc tăng năng suất lao động.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú lúc bấy giờ là ông Kim Ngọc từng nói: “Xã viên không coi ruộng đất là của mình nên họ chẳng thiết tha gì với đồng ruộng. Phải để nông dân làm chủ mảnh đất của mình”.

Làm chủ, có thể hiểu một cách nôm na là ta làm cho ta, làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít.

Và như thế thì không cần tranh luận có nên tăng thời gian làm việc hay không.

Trước đây, cán bộ công nhân viên chức mỗi tuần chỉ được nghỉ một ngày Chủ nhật, sau đó tăng lên hai ngày, nghỉ cả thứ Bảy, công việc có gì đình trệ không? Không!

Vấn đề là, làm sao để mọi người ý thức được, làm việc là làm việc cho ta, ta làm năng suất thì lợi ích mang lại nhiều hơn. Điều đó không đơn thuần xuất phát từ chủ quan của mỗi người mà phải bắt đầu từ cách quản lý.

Bây giờ thử tính xem (cách tính này áp dụng cho công nhân viên chức nhà nước) mỗi năm chúng ta làm việc bao nhiêu ngày:

Mỗi năm có 365 ngày (52 tuần), thời gian nghỉ gồm: Nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật: 104 ngày. Nghỉ Tết Dương lịch: 1 ngày. Nghỉ Tết Âm lịch: 4 ngày. Nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương: 1 ngày. Nghỉ ngày Thống nhất: 1 ngày. Nghỉ Quốc tế Lao động: 1 ngày. Nghỉ Quốc khánh : 1 ngày. Nghỉ phép: 12 ngày.

Như vậy, mỗi năm chỉ làm 240 ngày. Trong khi đó, thời gian làm việc của một người là 8 giờ/ngày (1/3 ngày). Do đó, thời gian thực cho công việc chỉ là 80 ngày cho mỗi năm.

Đó là cách tính phần cứng. Ngoài ra, trong năm chúng ta thỉnh thoảng nghỉ theo phần mềm (tùy theo từng cơ quan, đơn vị): tiệc cưới, đám hỏi, đám tang và bao nhiêu thứ khác… Và thử hỏi, trong 8 giờ làm việc mỗi ngày, chúng ta đã làm hết công suất chưa?

Mỗi người, tự lấy lương của mình chia ra xem, giờ công của mình được trả ra sao?

Trong thực tế, chúng ta hay kêu ca, phàn nàn về tiền lương, tiền thưởng. Nhất là những cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp không có thu. Nhiều trường hợp kêu không sai nhưng nhiều trường hợp kêu không đúng.

Người viết bài này chứng kiến một cuộc tranh cãi trong khi bình xét thi đua. Đại để có hai người trong cùng một bộ phận, làm công việc như nhau nhưng một người bị phê bình ít có mặt ở bàn làm việc, một người được khen là cần cù, chăm chỉ, ngồi đủ 8 tiếng một ngày. Dù người ít có mặt hoàn thành tốt công việc hơn.

Là vì sao? Là vì người có năng lực, cũng công việc đó nhưng họ tốn ít thời gian hơn.

Sinh ra cãi nhau là do không khoán việc. Giao việc nhưng à uôm, không có tiêu chí đánh giá.

Tôi thấy đề án khoán quỹ lương ở một số nơi là rất đúng và rất khoa học, tiến bộ. Ví dụ, cùng một đơn vị đó, trước đây có 40 người, nay chỉ 20 nhưng quỹ lương vẫn như cũ. Điều đó sẽ kích thích tinh thần làm việc. Làm việc và có thu nhập.

Ở các đơn vị sản xuất kinh doanh thì đương nhiên rồi. Khoán sản phẩm là cách tốt nhất (và hầu hết cũng đã áp dụng rồi).

Vì sao các đơn vị quản lý hành chính, đơn vị công quyền chưa thể áp dụng đại trà việc khoán quỹ lương? Vì nhiều lý do, nhưng lý do cơ bản nhất vẫn là chưa định tính, định lượng được công việc. Đó là khâu yếu của người quản lý.

“Khoán công việc” là cách duy nhất để tăng năng suất và tăng thu nhập cá nhân, là cách duy nhất để chống “tham nhũng thời gian”, loại bỏ công chức “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”. Như thế, xã hội mới phát triển được.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.