Xã hội

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Tên thẻ CCCD đã rất quen thuộc, không nên đổi

10/06/2023, 12:35

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, tên thẻ CCCD hiện đã rất quen thuộc với người dân, không nên thay đổi sang thẻ căn cước.

Thay đổi liên tục sẽ tạo tâm lý không ổn định cho người dân

Sáng 10/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về Luật Căn cước.

Tham gia thảo luận, đồng tình với việc sửa đổi Luật Căn cước, phạm vi điều chỉnh của luật đã mở rộng hơn, không chỉ cấp giấy tờ căn cước cho công dân Việt Nam mà còn cấp cho cả bộ phận người không có quốc tịch cư trú ở Việt Nam.

img

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Về tên gọi, ông Tùng băn khoăn với việc đổi từ Luật Căn cước công dân (CCCD) sang Luật Căn cước.

Ông cho rằng, hiện nước ta đã cấp được hơn 80 triệu thẻ CCCD, nếu mở rộng thêm với người dưới 14 tuổi thì đối tượng áp dụng vẫn chủ yếu là công dân Việt Nam. Số người gốc Việt Nam mà chưa có quốc tịch Việt Nam chỉ chiếm 31.000 người, một số rất nhỏ so với những người đã được cấp.

Do đó, ông Tùng đồng ý đề nghị bổ sung có quy định cấp giấy tờ căn cước cho những đối tượng có gốc Việt Nam để quản lý. Tuy nhiên, việc này chỉ cần quy định vào một chương trong điều khoản thi hành. Như vậy cũng không ảnh hưởng nhiều đến phạm vi điều chỉnh.

Về dự kiến cấp CCCD cho người dưới 14 tuổi trên tinh thần tự nguyện, ông Tùng cho biết về mặt tích cực sẽ rất thuận lợi khi đi máy bay. Bởi hiện nay, trẻ em phải xuất trình giấy khai sinh để chứng minh bản thân trước khi lên máy bay nhưng loại giấy tờ này lại không có ảnh để nhận dạng khuôn mặt, khó xác nhận. Còn khi được cấp thẻ CCCD có ảnh và nhiều thông tin liên quan sẽ rất thuận tiện.

Dù vậy, ông Tùng cho rằng, với trẻ em dưới 14 tuổi, đặc biệt là trẻ từ 5-6 tuổi thì nhận dạng thay đổi rất nhanh, rất khó xác nhận.

Bên cạnh đó, cần tính toán, đánh giá khi luật được ban hành sẽ có khoảng bao nhiêu trẻ em được cha mẹ tự nguyện đưa con đến làm thẻ CCCD để có bước chuẩn bị, tránh lãng phí.

Về việc đổi tên thẻ CCCD thành thẻ căn cước, ông Tùng nêu quan điểm không nên thực hiện. Theo ông, tên thẻ CCCD hiện đã rất quen thuộc với người dân nước ta. Việc thay đổi sẽ tạo tâm lý không ổn định cho người dân vì liên tục bị xáo trộn.

Ông dẫn chứng việc trước đây chúng ta có chứng minh nhân dân 9 số, sau đó là chứng minh nhân dân 12 số, sau lại cấp thẻ CCCD không gắn chíp, thẻ CCCD gắn chíp và giờ là đề xuất thẻ căn cước.

"Trong một thời gian ngắn mà chính sách của Nhà nước thay đổi liên tục như thế sẽ dẫn đến một tâm lý không tốt cho người dân. Chưa kể quá trình chuyển đổi phải mất ít nhất 20 năm. Đặc biệt, hiện nay chúng ta đã cấp được 80 triệu thẻ CCCD cho người dân", ông Tùng nói và đề nghị cân nhắc thay đổi tên gọi của thẻ.

Trước đó, giải thích lý do đề xuất đổi tên CCCD thành thẻ căn cước, lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) cho hay, lịch sử CCCD ở Việt Nam trải qua từ thời Pháp thuộc đến nay, trong đó một số thời kỳ chỉ ghi tên thẻ căn cước, thẻ công dân hay giấy chứng minh.

Đồng thời, nhiều loại giấy tờ hiện nay của chúng ta đang lưu hành cũng không có từ công dân như hộ chiếu, bảo hiểm… Cùng với đó, trên thế giới, nhiều nước cũng chỉ ghi là căn cước hay căn cước quốc gia…, còn tỉ lệ ghi CCCD rất ít.

Bên cạnh đó, nhiều nước trên thế giới hiện nay đều có một thẻ căn cước cho người dân nước mình có quốc tịch; thêm vào đó với những người dạng con lai hoặc không rõ quốc tịch cũng được cấp thẻ căn cước nhưng khác màu, khác nội dung.

Ngoài ra, với người nước ngoài cư trú cũng được cấp căn cước với một màu khác nữa. Như vậy, từ thẻ căn cước không chỉ có ý nghĩa quốc gia mà còn mang tính rộng lớn, hòa đồng quốc tế hơn.

Cần phân quyền khai thác dữ liệu tích hợp trên thẻ căn cước

Về việc tích hợp thông tin giấy tờ, ông Tùng băn khoăn vấn đề bảo mật. Theo quy định của Hiến pháp, thông tin cá nhân, bí mật riêng tư phải được bảo vệ. Ai có thẩm quyền mới được tiếp cận chứ không phải ai cũng được phép.

Ông Tùng lấy ví dụ khi CSGT kiểm tra người tham gia giao thông có giấy phép lái xe hay không thì cảnh sát chỉ được tiếp cận thông tin về giấy phép lái xe. Còn với những thông tin khác được tích hợp bên trong thẻ căn cước thì không được phép tiếp cận.

Hay như đi khám chữa bệnh thì bác sĩ chỉ được tiếp cận thông tin về số thẻ bảo hiểm y tế chứ không được tiếp cận thông tin khác.

"Về mặt kỹ thuật, các cơ quan chức năng cần giải quyết việc này", ông Tùng nêu quan điểm.

img

Đại biểu Quốc hội Trần Đình Chung (đoàn Đà Nẵng)

Có nên tích hợp ADN vào cơ sở dữ liệu căn cước?

Góp ý dự thảo Luật Căn cước, đại biểu Quốc hội Trần Đình Chung (đoàn Đà Nẵng), Phó cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an băn khoăn việc tích hợp ADN của công dân trong cơ sở dữ liệu căn cước bởi điều này còn liên quan đến bí mật của từng cá nhân, do đó, ban soạn thảo cần nghiên cứu chặt chẽ để đảm bảo tính bảo mật.

Ngoài ra, vấn đề này còn liên quan đến kinh phí giải mã ADN, cần làm rõ Bộ Công an hay cá nhân phải trả kinh phí này và có quy định cụ thể để thống nhất khi thực hiện.

Liên quan đến tính bảo mật của căn cước, ông Chung cho biết, về mặt công nghệ, thẻ CCCD gắn chip giúp bảo vệ quyền riêng tư của công dân, chip không có khả năng định vị công dân, chip chỉ hoạt động khi tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần với các thiết bị đầu đọc chip trong phạm vi 10cm.

Ngoài ra, công nghệ triển khai trên thẻ CCCD tuân thủ theo tiêu chuẩn bảo mật thế giới và Việt Nam đảm bảo thẻ không bị theo dõi ngầm, không bị đọc trộm thông tin trên thẻ nếu công dân không tự xuất trình thẻ CCCD tiếp xúc với đầu đọc thẻ.

Trong quá trình trao đổi dữ liệu giữa đầu đọc và chip CCCD, mọi dữ liệu đều được mã hóa nhằm chống lại việc nghe lén, lấy trộm dữ liệu của công dân. Dữ liệu công dân trong chip khó có thể làm giả, thay đổi sau khi hoàn thành thẻ với các thuật toán, mật mã tuân thủ theo tiêu chuẩn của Ban cơ yếu Chính phủ và bảo mật quốc tế.

Công nghệ phần cứng của chip cũng như công nghệ phần mềm triển khai trên thẻ CCCD chống lại việc làm giả thẻ cũng như làm giả dữ liệu của công dân. Không những thế, thẻ CCCD còn có chức năng đối sánh vân tay, khuôn mặt của công dân với vân tay và khuôn mặt lưu trong chip cho phép xác định đảm bảo chính xác là chủ thẻ nên việc lấy trộm thẻ CCCD vào mục đích bất hợp pháp không thể thực hiện.

Ông lấy ví dụ, với thẻ CCCD gắn chip khi rút tiền tại ngân hàng, công dân phải quét vân tay trực tiếp để so sánh với vân tay lưu trữ trong thẻ CCCD, nếu vân tay trùng khớp mới rút tiền được. Như vậy, nhân viên ngân hàng nếu có thẻ cũng không thể rút tiền của công dân được.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.