Tại hội thảo trực tuyến "Tình hình xuất khẩu dệt may trong bối cảnh dịch COVID-19: Giải đáp các quy định về xuất khẩu khẩu trang và thiết bị y tế vào EU và Hoa Kỳ", ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, dịch COVID-19 tác động đến ngành dệt may Việt Nam trên nhiều phương diện.
Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng dệt may 4 tháng đầu năm 2020 đạt 17,04 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu đạt 10,64 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ, nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may đạt 6,4 tỷ USD, giảm gần 9% so với cùng kỳ 2019.
Cụ thể, trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu của ngành dệt may, giảm sâu nhất là mặt hàng vải không dệt với hơn 22% (giảm tới gần 63% so với t4/2019) và xơ sợi, với mức giảm gần 12% chỉ đạt 1,18 triệu USD.
Nhóm hàng may mặc đạt 8,269 tỷ USD, giảm gần 6%, xuất khẩu các loại nguyên phụ liệu cũng giảm 6,02%, đạt 354 triệu USD.
Về mặt nhập khẩu, nhóm hàng vải, bông nguyên liệu cũng giảm lần lượt 11% và 8%, trị giá 3,631 tỷ USD và 893 triệu USD.
Trong 4 tháng đầu năm, thặng dư thương mại của ngành xuất khẩu tỷ USD này đạt 5,38 tỷ USD, giảm 3,19% so với cùng kỳ.
Ông Cẩm nhận định, trong đại dịch này, ngành dệt may cũng có cơ hội mới phát sinh khi bắt kịp xu thế để sản xuất khẩu trang, tuy nhiên, đây không phải là kịch bản tốt đẹp khi lượng xuất khẩu các hạng mục hàng hóa khác có tăng trưởng âm chưa từng có trước đây.
Theo ông Cẩm, VITAS nhận định năm 2020 là một năm khó khăn cho ngành dệt may và để giúp doanh nghiệp dệt may "gỡ khó", VITAS đã có nhiều văn bản về cơ chế và chính sách xin hỗ trợ cho doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.
Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp đã được hỗ trợ thì cũng có những vướng mắc khiến nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được để nhận hỗ trợ.
Do đó, cần tháo gỡ rào cản để doanh nghiệp dệt may được hỗ trợ kịp thời và tận dụng cơ hội xuất khẩu khi các quy định về tiêu chuẩn còn nới lỏng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận