Quản lý

Chuẩn hóa nhân lực đăng kiểm, giảm tàu biển bị bắt giữ

22/06/2015, 09:14

Đội tàu biển VN đã thoát khỏi “danh sách đen” của Tokyo MOU từ đầu năm 2015 đã cho thấy công tác đăng kiểm...

271
ĐKV Chi cục Đăng kiểm số 10 kiểm tra chất lượng rada tàu biển

Với quy trình xây dựng đội ngũ nhân lực mà Cục Đăng kiểm VN đang áp dụng và kết quả đội tàu biển VN đã thoát khỏi “danh sách đen” của Tokyo MOU từ đầu năm 2015 đã cho thấy công tác đăng kiểm tàu biển đang thật sự thay đổi về chất.

Thay đổi rõ ràng về chất

Trong hầm máy chiếc tàu Vinacomin Hà Nội 7 nghìn tấn neo đậu sửa chữa lớn tại Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, tổ đăng kiểm viên (ĐKV) tàu biển gồm ba người của Chi cục Đăng kiểm số 10 (Hải Phòng) cần mẫn kiểm tra từng hạng mục kỹ thuật theo quy trình. Có chỗ, ĐKV phải gò sát người xuống sàn, lội trên lớp dầu cặn hầm máy, dùng gương chiếu thò vào đường ống để ghi nhận tình trạng kỹ thuật, rồi ghi ghi chép chép vào biên bản kiểm tra; có chỗ lại rút máy ảnh ra chụp để lưu lại hồ sơ…

Trong các cuộc kiểm tra đều có sự chứng kiến của sỹ quan, thuyền viên được giao phụ trách kỹ thuật tàu. Dẫn chúng tôi đi tìm hiểu thực tế cách thức làm việc của ĐKV tàu biển, ông Đặng Anh Tuấn, Phó giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 10 cho biết, so với vài năm trước, công việc của ĐKV tàu biển có sự thay đổi và áp lực hơn. Chẳng hạn như ĐKV chịu sự giám sát chặt chẽ hơn của đơn vị, thông qua yêu cầu chụp ảnh một số chi tiết kiểm tra để chứng minh có mặt tại hiện trường; chịu sự giám sát chéo của nhóm ĐKV khác và cả ý kiến nhận xét “hài lòng” hoặc “không hài lòng” của khách hàng thông qua phiếu khảo sát được đơn vị gửi đến.

"Cơ chế hậu kiểm đã có tác động mạnh mẽ đến các đơn vị, làm ĐKV tăng sự mẫn cán và trách nhiệm thực hiện đúng, đủ khối lượng kiểm tra theo tiêu chuẩn, giúp chất lượng tàu tăng cao”.

Ông Phạm Hải Bằng
Trưởng phòng Tàu biển
Cục Đăng kiểm VN

Không chỉ thực hiện phương thức tác nghiệp, đội ngũ ĐKV tàu biển cũng phải trải qua đợt đánh giá sát hạch lại trình độ tay nghề theo tiêu chuẩn mới được Bộ GTVT quy định tại Thông tư số 65/2011/TT-BGTVT về tiêu chuẩn ĐKV tàu biển. Theo ông Đào Ngọc Xuất, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Cục Đăng kiểm VN, sau khi áp dụng tiêu chuẩn mới, hàng trăm trường hợp ĐKV đã không vượt qua các tiêu chí để trở thành ĐKV bậc cao hoặc ĐKV bậc thường.

Nếu như cuối năm 2011, tổng số có hơn 230 ĐKV tàu biển, thì hiện nay còn hơn 170 người, giảm gần 26%. Nguyên nhân giảm do các ĐKV chuyển sang công tác quản lý hoặc nghỉ hưu, còn lại do tiêu chí mới yêu cầu tiêu chuẩn cao hơn đối với ĐKV tàu biển. Cũng cần nói thêm, việc sát hạch tay nghề ĐKV tàu biển được thực hiện ba năm/lần, trong đó, phần thi ngoại ngữ được đánh giá bởi một đơn vị hoàn toàn độc lập. Điều này cho thấy, chính cơ chế chọn lọc mới đã góp phần phản ánh đúng tay nghề, chất lượng nguồn nhân lực ĐKV.

Hiệu quả từ cơ chế hậu kiểm

Tháng 5 vừa qua, thông báo chính thức của Tokyo - MOU (Tổ chức các quốc gia tham gia bản ghi nhớ Tokyo về hợp tác kiểm tra tàu tại các cảng biển khu vực châu Á - Thái Bình Dương) công bố đội tàu biển Việt Nam lần đầu tiên không còn nằm trong “danh sách đen”. Điều đó đồng nghĩa với việc tỷ lệ tàu biển VN ít bị “ưu tiên” kiểm tra tại cảng nước ngoài, giúp cho doanh nghiệp vận tải biển VN bớt những phiền phức. Có thể nói, góp phần quan trọng để có được kết quả này là sự thay đổi của chất lượng kiểm định tàu biển, nhất là từ năm 2014 đến nay.

Ông Phạm Hải Bằng, Trưởng phòng Tàu biển, Cục Đăng kiểm VN cho biết, nhằm siết chặt chất lượng kiểm định, từ năm 2014, quy trình đăng kiểm tàu biển được thực hiện theo hai cấp: Cấp trực tiếp và cấp hậu kiểm. Sau khi Chi cục hoàn thành việc kiểm tra phương tiện sẽ gửi hồ sơ lên Cục Đăng kiểm VN để soát xét toàn bộ nội dung mà ĐKV đã thực hiện, đối chiếu với quy phạm (hướng dẫn) kỹ thuật, nhằm tránh xảy ra trường hợp bỏ sót hạng mục cần kiểm tra.

Bên cạnh đó, một số tàu sẽ được Cục lựa chọn để kiểm tra lại (hậu kiểm) chất lượng thực tế. Căn cứ tuổi tàu, loại tàu, chủ tàu có khả năng cao xảy ra nhiều khiếm khuyết kỹ thuật, lãnh đạo Cục Đăng kiểm VN sẽ quyết định chọn ra để ưu tiên hậu kiểm… Theo ông Phạm Hải Bằng, từ tháng 9/2014 đến tháng 5/2015 đã có 47 lượt tàu được hậu kiểm thực tế, trong đó chủ yếu tập trung vào loại tàu nội địa, tàu vào sửa chữa trung gian, trên đà và định kỳ. Từ quy trình hậu kiểm này đã giúp không chỉ ĐKV bị mắc lỗi mà cả đồng nghiệp, đơn vị có ý thức trách nhiệm hơn trong nghề nghiệp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.