Giảm như lúc “thảm hoạ” Covid
Lúc 15h chiều 25/4, VN-Index giảm mạnh 68,31 điểm (4,95%) xuống 1.310.92 điểm; HNX-Index cũng chỉ còn 337,51 điểm sau khi giảm mạnh 21,61 điểm (6,02%), Chỉ số UPCOM cũng rơi xuống 99,54 điểm sau khi giảm 4,61 điểm (4,43%).
Đáng chú ý, chỉ số VN30 cùng thời điểm giảm tới 77,93 điểm (5,40%) xuống 1.366,39 điểm và chỉ số VNXAllShare giảm mạnh hơn khi mất 127,46 điểm (5,52%) còn 2.181,15 điểm.
Chỉ số chứng khoán Việt Nam rơi thẳng đứng. Ảnh chụp màn hình chiều 25/4
Áp lực bán mạnh đã diễn ra trên diện rộng ngay khi mở cửa thị trường sáng nay khiến thị trường chìm trong sắc đỏ cùng hàng loạt mã nằm sàn.
Diễn biến này đã đẩy VN-Index về dưới ngưỡng hỗ trợ 1.350 điểm khi bốc hơi hơn 33 điểm trong sáng nay.
Diễn biến này tiếp tục duy trì đến phiên chiều khi VN-Index giảm gần hết biên độ gần 6% trên tổng mức 7% tối đa đầu phiên chiều, mức giảm điểm kỷ lục phiên trong vòng 3 năm trở lại đây và gần bằng các phiên giảm lớn nhất hồi tháng 3/2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Nhà đầu tư hoang mang, chuyên gia nói gì?
Trên các nhóm và mạng xã hội, đa số nhà đầu tư hoang mang không rõ chuyện gì đang xảy ra trên sàn chứng khoán.
“Sáng nay chúng tôi có chat với nhau cũng lường trước thị trường giảm điểm nhưng không nghĩ là giảm mạnh như thế. Đến chiều nay thì tôi ngớ ra luôn không hiểu vì sao lại giảm mạnh đến vậy”, anh Hoàng Mạnh Thắng, nhà đầu tư tại quận Thanh Xuân, Hà Nội nói.
Không chỉ anh Thắng mà nhiều nhà đầu tư bàng hoàng khi các cổ phiếu trên sàn đồng loạt giảm mạnh, nhiều cổ phiếu giảm sàn và trắng bản bên mua khiến nhà đầu tư không thể "thoát hàng" nếu muốn bán chạy lỗ.
Nhiều nhà đầu tư hoang mang với phiên giảm mạnh ngày 25/4. Ảnh minh hoạ
Một giám đốc phân tích chứng khoán cho biết, phản ứng của thị trường phiên ngày 25/4 là tổng hợp của nhiều yếu tố cộng hưởng lẫn nhau: Hiệu ứng theo đà giảm của thị trường thế giới, tin đồn trong nước và áp lực bán ra vẫn chưa dừng lại.
“Từ phiên cuối tuần trước khi thị trường thế giới giảm mạnh đã có thể đoán được phần nào diễn biến trong nước phiên hôm nay”, vị này nói.
Tính tới lúc 14h23 chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam, các chỉ số chứng khoán châu Á đồng loạt giảm mạnh: Chỉ số Shanghai Composite giảm 5,13%, Shenzhen Component giảm 6%; Hang Seng giảm 3,7%, Hang Seng Tech mất 3,89%, Nikkei 225 giảm 1,9%, Topix lao dốc 1,5%.
“Thị trường đang trong giai đoạn quá nhạy cảm, tâm lý nhà đầu tư đang rất mong manh, chỉ gió thổi nhẹ là thị trường giảm”, ông nói.
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng Phân tích chiến lược Công ty chứng khoán KIS Việt Nam, lý giải diễn biến ngày 25/4 chủ yếu xuất phát từ yếu tố tâm lý và áp lực bán giải chấp.
“Công ty chứng khoán sẽ bán cổ phiếu với mức giá bất kỳ, dẫn đến một số cổ phiếu giảm sàn, và lại tác động đến tâm lý nhà đầu tư, tiếp tục làm cho nhà đầu tư lo lắng cổ phiếu có vấn đề, dẫn đến làn sóng bán tháo và kết quả là thị trường điều chỉnh mạnh”, ông Hiếu nói.
Khi được hỏi về thông điệp hay khuyến nghị đến nhà đầu tư, các chuyên gia phân tích đều cho rằng không có bất cứ lời khuyên nào phù hợp và chỉ khuyến nghị nhà đầu tư bình tĩnh quan sát thị trường để đưa ra quyết định phù hợp với chiến lược của từng nhà đầu tư.
Hơn 2 năm và 4 cú “sập”
Chuyên gia Lâm Minh Chánh thống kê, kể từ khi dịch Covid-19 bùng nổ, thị trường đã chứng kiến 4 đợt giảm mạnh.
Đó là đợt giảm 33,51% xuống từ 991,46 điểm vào ngày 22/1/2020. Đây là đợt giảm mạnh nhất trong 4 đợt “sóng thần” này.
Đến tháng 1/2021 chỉ số chứng khoán tiếp tục giảm khoảng 12%; Tháng 7/2021 thị trường giảm khoảng 11%.
Tiếp đó, ngày 4/4/2022 thị trường giảm 14,66% từ đỉnh 1.524,70 điểm xuống 1.301,22 điểm.
Bốn cú "sập" của thị trường
Và phiên giao dịch ngày 25/4/2022 thị chỉ số chứng khoán chính giảm gần 5% và chưa biết những phiên kế tiếp thị trường tiếp tục giảm hay phục hồi.
“Vì thế, tôi luôn cảnh báo các bạn bè đừng lướt sóng rất rủi ro. Thêm Margin nữa thì xem như tài khoản bốc hơi”, chuyên gia Lâm Minh Chánh nói.
Tuy nhiên ông Chánh cũng tổng kết một điều khá chắc chắn rằng sau những cú sập là những cú hồi, và sau đó thị trường tăng trong dài hạn nhờ vào giá trị của các doanh nghiệp tốt.
“Cứ nắm giữ danh mục cổ phiếu giá trị, giá cổ phiếu rồi sẽ phục hồi để thể hiện giá trị doanh nghiệp. Chỉ số VN-Index và giá cổ phiếu tốt sẽ luôn có đỉnh sau cao hơn đỉnh trước”, chuyên gia Lâm Minh Chánh đánh giá.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận