Thi viết về GTVT

Chuyện chưa kể làm tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

12/01/2023, 06:30

Dự án nâng cấp tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ lên chuẩn cao tốc theo hình thức BOT gặp nhiều thăng trầm, có những lúc tưởng chừng đi vào "ngõ cụt".

Nhà đầu tư ngoại bất ngờ rút lui

Lục lại trí nhớ, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN không quên thời điểm tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ chưa được nâng cấp, tốc độ phương tiện không chỉ chậm (tối đa khoảng 50km/h) mà tình trạng ùn tắc còn xảy ra triền miên tại cửa ngõ vào trung tâm Thủ đô.

“Khi ấy, thời gian chờ đợi trong 10km cuối cùng để vào nội đô có thể tương đương với thời gian chạy từ Ninh Bình, Nam Định lên đến điểm đầu của đoạn ùn tắc”, ông Thanh kể.

img

Trải qua 5 năm khai thác từ khi được mở rộng lên 6 làn xe, đến nay, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vẫn được đảm bảo êm thuận với tốc độ từ 80 - 100km/h

Ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin - doanh nghiệp trong liên danh nhà đầu tư BOT dự án nâng cấp, cải tạo tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ) nhớ lại thời điểm tiếp cận làm dự án, sau khoảng 11 năm được đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác (năm 2002), đến năm 2013, tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Nguyên nhân bởi đây là trục đường chính vận chuyển vật liệu xây dựng từ các tỉnh khu vực phía Nam lên Thủ đô, thường xuyên phải gánh lượng lớn xe quá tải. Lưu lượng phương tiện di chuyển trên tuyến cao (trung bình khoảng 50.000 lượt xe/ngày đêm).

“Đáng nói, trong tổng số 30km chiều dài tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, có tới 1/3 đi qua khu vực nền đất yếu. Không ít vị trí được xử lý bằng bấc thấm bị lún sâu trong quá trình khai thác, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cao”, ông Khôi chia sẻ.

Đường cũ xuống cấp nghiêm trọng, dự án nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ lên chuẩn cao tốc theo hình thức BOT được nghiên cứu lập nhưng hành trình triển khai lại không rải toàn “màu hồng”.

Năm 2013, Tổng công ty Đường cao tốc miền Trung Nhật Bản (Nexco Central) bất ngờ không tiếp tục tham gia dự án chỉ sau một năm đề xuất bởi quan ngại những rủi ro về tài chính.

Từng tham gia dự án đầu tư, một cán bộ thuộc Ban QLDA Thăng Long cho biết, thời điểm ấy, Nexco lo ngại về cơ chế doanh thu của dự án. Để chứng minh được với các ngân hàng bên nước họ, yêu cầu đặt ra với nhà đầu tư là đến năm thứ 2, thứ 3 phải có lợi nhuận. Khác hẳn với các doanh nghiệp Việt Nam có thể xác định 4, 5 năm sau khi đưa vào khai thác mới bắt đầu có lãi.

Thậm chí, phương án hoàn thành thu phí xong giai đoạn 1 mới đầu tư tiếp giai đoạn 2 đã từng được nhà đầu tư Nhật Bản tính tới để đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Nhà đầu tư cũng yêu cầu phía Việt Nam phải bàn giao mặt bằng sạch 100% mới thực hiện. Đây là thách thức rất lớn, rất khó đáp ứng. Nhiều yếu tố cộng lại khiến nhà đầu tư không còn mặn mà”, vị cán bộ Ban QLDA Thăng Long chia sẻ.

Tìm hiểu của PV, ở thời điểm đề xuất đầu tư dự án, Nexco tính toán thời gian thu phí cho cả hai giai đoạn khoảng hơn 20 năm. Trong khi đó, thời gian thu phí hoàn vốn của liên danh nhà đầu tư nội làm dự án chỉ hơn 15 năm.

Thần tốc triển khai khi doanh nghiệp nội nhập cuộc

Theo ông Phạm Văn Khôi, được sự chấp thuận của các cấp có thẩm quyền, năm 2014, Phương Thành Tranconsin bắt tay triển khai dự án BOT nâng cấp, cải tạo giai đoạn 1 tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ - Công trình nâng cấp, mở rộng đường cao tốc đầu tiên ở Việt Nam.

Tại thời điểm đó, nhà đầu tư đã triển khai sửa chữa, bù vênh mặt đường, rải thảm với kích thước hình học, quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh được giữ nguyên. Tháng 10/2015, dự án giai đoạn 1 hoàn thành, đưa vào khai thác vượt tiến độ so với yêu cầu.

Đến năm 2016, giai đoạn 2 được tiếp tục triển khai. Sau khoảng 1 năm làm công tác GPMB, đầu năm 2017, dự án cải tạo, nâng cấp cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 2 chính thức khởi động, mở rộng từ 4 làn lên 6 làn xe hoàn chỉnh.

“Triển khai dự án, bài toán đặt ra đối với nhà đầu tư, đơn vị thi công là phải đưa ra giải pháp kỹ thuật sao cho phần đường cũ và phần mở rộng đồng bộ kết cấu, tránh nguy cơ nứt dọc. Thách thức thứ hai là phải đưa ra giải pháp vừa thi công, vừa phải đảm bảo an toàn cho phương tiện lưu thông.

Kế tiếp là tuyến đường đi qua nhiều khu dân cư, công tác GPMB có thể đối diện với nguy cơ kéo dài”, ông Khôi nói và cho biết, nhận diện khó khăn ấy, hàng loạt giải pháp đột phá về công nghệ và GPMB đã được Phương Thành Tranconsin chủ động đề xuất.

Thành công lớn nhất là việc áp dụng công nghệ xử lý nền đất yếu bằng cọc xi măng đất, triệt tiêu độ lún cố kết. Làn đường đã được khai thác và phần mở rộng có được sự lún đều, tránh rủi ro nứt dọc.

Thi công trong điều kiện tuyến đường lúc nào cũng “ngợp” phương tiện, để đảm bảo an toàn tuyệt đối, nhà thầu bố trí cả dải phân cách cứng giữa làn đường thi công và làn đường phương tiện lưu thông. Trong quá trình thực hiện không có vụ tai nạn, sự cố đáng tiếc nào xảy ra.

Là người từng nắm vai trò Giám đốc điều hành dự án, ông Vũ Đức Nhận, Phó tổng giám đốc Phương Thành Tranconsin cho biết, thi công trong điều kiện phức tạp, để đẩy nhanh tiến độ các hạng mục, có thời điểm, nhà thầu đã tổ chức tới 30 - 40 mũi thi công, tổng lượng kỹ sư, công nhân đến 400 - 500 người và hàng trăm đầu máy, thiết bị.

Ấn tượng nhất đối với ông Nhận là sự vào cuộc quyết liệt của địa phương và nhà đầu tư. Thống kê ở thời điểm triển khai giai đoạn 2, tổng số hộ dân phải di dời khoảng 200 hộ.

Theo ông Phạm Văn Khôi, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là dự án có thời gian GPMB tương đối thần tốc, kéo dài trong khoảng 2 năm (2016 - 2018) so với thời gian 5 năm, thậm chí là lâu hơn như nhiều dự án giao thông trước đó ở Thủ đô.

Kéo giảm TNGT, tạo thuận lợi cho dân cư dọc tuyến

img

Một đoạn cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

Trải qua 5 năm khai thác từ khi được mở rộng lên 6 làn xe, đến nay, dù lượng phương tiện lưu thông trên tuyến ngày càng gia tăng, song, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vẫn được đảm bảo êm thuận với tốc độ từ 80 - 100km/h, không xảy ra hiện tượng lún, nứt.

Theo ông Phạm Văn Khôi, để tuyến cao tốc đạt được chất lượng như hiện tại, bên cạnh áp dụng công nghệ xử lý nền đất yếu phù hợp, với những vùng đất thông thường, đơn vị còn đưa những thiết bị hiện đại nhất thi công, đảm bảo lớp đất, cát, base đạt độ chặt, thậm chí là vượt, giúp công trình có được tình bền vững.

“Việc thi công mặt đường được áp dụng phương pháp bê tông nhựa rỗng, tạo nên độ nhám, thoát nước tốt, không bị bắn bẩn trong mùa mưa, chống ồn, chống lóa. Những vị trí đường cong, khu đô thị được đầu tư hệ thống chiếu sáng, đinh phản quang, tường chống ồn… tạo nên hệ thống ATGT đồng bộ, hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân hai bên đường”, ông Khôi cho hay.

Cũng theo lãnh đạo Phương Thành Tranconsin, sự khác biệt tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ còn là phương án thiết kế dải phân cách.

Hiện, đây vẫn là một trong những tuyến đường cao tốc đẹp nhất của Việt Nam với hàng ngâu ở dải phân cách giữa, vừa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, chống chói cho người điều khiển phương tiện, vừa tạo nên “dải lụa xanh”, mang lại sự khác biệt về thẩm mỹ của tuyến đường.

“Từ thời điểm tuyến cao tốc được đầu tư hoàn chỉnh, những vụ TNGT thương tâm gần như không có. Số người bị nạn rất ít, chỉ bằng 5 - 10% so với trước kia”, ông Khôi chia sẻ.

Trong khi đó, theo ông Vũ Đức Nhận, ngoài việc cải thiện chất lượng quy mô, mặt đường tuyến chính, dự án nâng cấp, cải tạo giai đoạn 2 đã xây dựng hệ thống đường gom song song dọc tuyến, tạo thuận lợi đi lại cho người dân 4 quận, huyện: Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên.

Trong quá trình vận hành, khai thác, Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng là một trong những dự án cao tốc đầu tiên được đầu tư 100% các cửa thu phí tự động không dừng ngay từ năm 2019, tình trạng ùn ứ trong các dịp cao điểm lễ, Tết giảm đáng kể.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, trong tương lai, Hà Nội sẽ có thêm các tuyến đường quan trọng như: Vành đai 4, Vành đai 5… song, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vẫn là con đường cửa ngõ phía Nam đến Thủ đô ngắn nhất, thuận lợi nhất. Trong 5 năm tới, tuyến cao tốc này cần được nghiên cứu lên 8 làn xe.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.