Thị trường

Chuyển dịch sang năng lượng sạch: Cần xây dựng lộ trình khoa học

14/10/2021, 06:30

Để chuyển dịch từ sử dụng các năng lượng sơ cấp (than, dầu) sang các dạng năng lượng sạch hơn, Việt Nam phải xây dựng lộ trình khoa học.

Chuyển dịch năng lượng: Cần có lộ trình

Đây là ý kiến của chuyên gia Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh tại Diễn đàn “Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững”, do Bộ Công thương tổ chức ngày 13/10.

Theo chuyên gia Hà Đăng Sơn, nên nhìn chuyển dịch năng lượng trước tiên từ vấn đề an ninh năng lượng.

img

Điều độ hệ thống điện cũng được xem là một trong những giải pháp để dự báo nguồn điện...

Theo đó, việc chuyển dịch cần được quan tâm trên 4 lĩnh vực, đó là sự sẵn có của các nguồn năng lượng; Khả năng tiếp cận các nguồn năng lượng ở các vùng miền; Khả năng chi trả của người dân và cuối cùng là sự chấp nhận các loại năng lượng tại các địa phương, người dân đến đâu…

"Hiện nay, xu hướng của thế giới là tăng cường tỷ trọng năng lượng tái tạo, và có thể nhận định điện gió, mặt trời, khí hydro sẽ là các nguồn năng lượng trong tương lai.

Nhưng, dù muốn hay không, điện than vẫn sẽ đóng vai trò chạy nền quan trọng, thế giới cũng sẽ không thể loại bỏ hoàn toàn điện than trong một sớm một chiều. Mục tiêu của thế giới tới năm 2030, các dự án điện than cận tới hạn sẽ dừng hoạt động, liệu câu chuyên này có đạt được không", vị này đặt vấn đề.

img

Chuyên gia Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh

Bởi vậy, ông Sơn cho rằng: "Để chuyển dịch năng lượng từ sử dụng các năng lượng sơ cấp (than, dầu) sang các dạng năng lượng sạch hơn, Việt Nam phải nghiên cứu trong lộ trình của mình, thay đổi thế nào, quá trình chuyển đổi ra sao, tỷ lệ các nguồn trong từng thời kỳ? Hay chúng ta cứ nhắm mắt thực hiện theo Net zero – phát thải bằng không? Tôi cho rằng, cần phải tỉnh táo và cân nhắc trên các nghiên cứu khoa học!”.

PGS. TS Phạm Hoàng Lương, Giám đốc Viện khoa học Công nghệ Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản cũng cho rằng, hệ thống năng lượng điện của Việt Nam có nhiều điểm khác biệt so với thế giới và mục tiêu đặt ra phải đảm bảo cung ứng đủ phụ tải. Vì vậy, đâu đó, điện than vẫn là loại hình năng lượng quan trọng.

Các nhà máy nhiệt điện tại Mỹ đã vận hành 40 năm, đủ khấu hao và có thể chuyển đổi; Còn như Trung Quốc, Ấn Độ hay Việt Nam, các nhà máy vận hành trong 10-15 năm thì phải tính toán chuyển đổi thế nào để đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế, vừa đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội…

Khống chế tỷ lệ điện mặt trời vì nhiều hệ lụy

img

Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo

Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) bày tỏ, năm 2019 và 2020, sản lượng điện phát từ nguồn năng lượng tái tạo đạt tương ứng 5.242 tỉ kWh và 10.994 tỉ kWh. Điều này đã góp phần giảm đáng kể điện chạy dầu giá cao.

Các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), đã hỗ trợ tích cực trong việc cung cấp nguồn điện cho miền Bắc khi miền Bắc thiếu nguồn, phụ tải tăng cao, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho cả giai đoạn 2021-2025, giảm phát thải khí nhà kính và các phát thải ô nhiễm khác.

Tuy nhiên, NLTT cũng có những hệ lụy không nhỏ cho an toàn vận hành, an ninh hệ thống điện, tăng truyền tải đường dây 500 KV do điện mặt trời và điện gió hầu hết phát triển ở khu vực miền Nam và miền Trung.

"Điều này tác động đến huy động công suất và số lần tăng giảm công suất của các nhà máy nhiệt điện, tua bin khí; Làm tăng chi phí, nhất là trong điều kiện hiện tại một số loại hình năng lượng tái tạo vẫn đang có giá thành đắt hơn nhiều so với giá thành bình quân ngành điện", ông Hùng nói.

img

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID)

Tuy nhiên, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) lại cho rằng: "Quy hoạch Điện VIII vẫn nên kiên trì và tiếp tục mục tiêu tạo cơ hội tối đa, khai thác triệt để các nguồn NLTT trong nước.

Bởi lẽ đây là các dạng năng lượng không bị phụ thuộc vào nhiên liệu than, khí, biến động giá thị trường. Từ đó, có các chính sách, tạo thị trường để tháo gỡ, thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng này.

Còn việc "đỏng đánh" phụ thuộc vào thời tiết của điện gió và điện mặt trời, theo bà Khanh, cần có chính sách để đưa giải pháp tích trữ năng lượng vào chiến lược phát triển.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.