Đi xe buýt vẫn rẻ nhất
Liên quan đến đề xuất điều chỉnh tăng giá vé xe buýt của Sở GTVT Hà Nội, trao đổi với Báo Giao thông, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng việc Hà Nội tăng giá xe buýt vào thời điểm đầu năm 2024 là hoàn toàn phù hợp.
Theo ông Bình, Hà Nội đã giữ nguyên mức giá vé xe buýt từ năm 2014 đến nay. Khoảng thời gian 9 năm là khá dài. Tôi nghĩ thời điểm năm 2020 cũng phù hợp để tăng giá vé, nhưng do dịch Covid-19 nên cơ quan quản lý nhà nước không thể tiến hành tăng giá được, lùi đến thời điểm này.
"Theo đề xuất của cơ quan quản lý, tuyến dưới 15km chỉ tăng từ 7 lên 8 nghìn đồng. Mức tăng này khiêm tốn, cũng là rẻ nhất so với các phương tiện vận tải khác, không phải là mức tăng lớn, ảnh hưởng tới thu nhập của người dân.
Hiện nay lượng hành khách đi lại nhiều, ngoài tệp khách truyền thống trước đây như học sinh, sinh viên, người cao tuổi thì người đi làm, khối dân công sở đi lại nhiều hơn… Vì vậy tăng giá xe buýt với mức nói trên không làm ảnh hưởng lớn tới hành vi đi lại của người dân.
Có thể có người băn khoăn, nhưng đa số sẽ chấp nhận vì không có phương tiện giao thông công cộng nào lại rẻ như đi xe buýt", ông Bình nói và dẫn chứng: "Chúng ta sử dụng xe ôm công nghệ một chuyến đi ngắn trung bình đã mất 20.000 đồng, chứ không thể 8.000 đồng, rẻ dưới một nửa cũng đủ hấp dẫn người dân rồi".
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thuỷ - giảng viên Trường Đại học GTVT cho rằng, mức giá xe buýt, chất lượng phục vụ ở Hà Nội đang tốt hơn so với các tỉnh khác. Hiện ở Hà Nội vé tháng đi xe buýt với giá 200.000 đồng nhưng ở một số tỉnh lân cận mức giá tháng lên tới 300.000 đồng - 400.000 đồng.
"Chất lượng phục vụ xe buýt ở Hà Nội đang được nâng lên, chất lượng xe buýt sạch đang được điều chỉnh, bổ sung, thêm mới. Ngồi trên xe buýt giờ thấp điểm cũng không quá khác biệt nhiều so với taxi, nhưng rẻ hơn taxi rất nhiều. Tôi nghĩ mức tăng này là chấp nhận được. Cũng không quá cao để người dân phải quay lưng lại với dịch vụ này", bà Thuỷ nói.
Nằm trong khả năng chi trả của người dân
Là khách hàng thường xuyên đi làm bằng xe buýt từ suốt gần 4 năm nay, chị Nguyễn Thị Hồng (Quốc Oai, Hà Nội) cho rằng, theo như mức giá đề xuất của Sở GTVT Hà Nội, chị đang đi vé liên tuyến với giá 140.000 đồng, sang đầu năm 2024 mức giá có thể lên thành 200.000 đồng.
Chị Hồng đánh giá, mức giá này chị vẫn chấp nhận và chi trả được, bởi mức tăng không quá cao.
"Tôi thấy xe buýt ở Hà Nội chất lượng phục vụ đang dần hẫp dẫn người dân, hệ thống xe mới nên việc tăng ở mức này so với xe cá nhân và các loại phương tiện khác là vẫn rẻ, có thể chi trả", chị Hồng nói.
Em Đào Thế Anh, sinh viên năm 3 Trường Học viện Bưu chính Viễn thông chia sẻ: "Mức giá của xe buýt liên tuyến đối với sinh viên, học sinh từ 100.000 đồng lên 140.000 đồng em có thể chi trả được. Tăng giá vé em vẫn sử dụng xe buýt vì thấy đây là mức giá ưu đãi, rẻ nhất khi đi lại.
Việc đi tới trường, về nhà bằng xe buýt mỗi tháng giúp gia đình em tiết kiệm thêm cả vài triệu tiền ở trọ, sinh hoạt ở gần trường, vì thế chắc chắn em vẫn lựa chọn xe buýt để di chuyển hàng ngày, không có phương tiện nào sử dụng trợ giá đến như vậy".
Theo phân tích của Sở GTVT Hà Nội, những năm gần đây mức thu nhập bình quân của người dân Hà Nội đã tăng đáng kể.
Năm 2022 thu nhập bình quân của người dân Hà Nội xấp xỉ đạt 8,4 triệu đồng (theo số liệu công bố tại báo nghề nghiệp cộng sống), tăng 75% so với năm 2014 nên khả năng chi trả cho đi lại bằng xe buýt cũng tăng.
Nhiều khảo sát đã chỉ ra khả năng chi tiêu tối đa cho nhu cầu đi lại khoảng 10%. Vì vậy khả năng chi trả trung bình cho nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội hiện nay khoảng trên 800.000 đồng/tháng nên việc điều chỉnh giá vé xe buýt hiện nay là phù hợp và không ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân.
Cùng đó, Sở GTVT Hà Nội cũng lý giải việc tăng giá vé còn để tạo khả năng cân đối ngân sách TP. Do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên ảnh hưởng thu ngân sách của TP. Trong khi đó, chi phí cho VTHKCC bằng xe buýt tăng dần qua các năm.
Thực tế, trong những năm qua các yếu tố đầu vào phục vụ cho hoạt động này như nguyên, nhiên liệu, tiền lương... cùng với các chính sách khuyến khích hỗ trợ đối tượng người dân tham gia dịch vụ này được mở rộng dẫn đến chi phí trợ giá cao. Trong khi đó, giá vé xe buýt hiện nay vẫn thực hiện theo giá vé từ năm 2014.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận