Mỹ và Nhật Bản hiện đang cân nhắc cách đối phó với "tình huống có thể xảy ra với Đài Loan", ông Randall Schriver, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề An ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương trong chính phủ Mỹ, cho biết tại một cuộc hội thảo tổ chức ở Đài Loan hôm thứ Sáu.
Tại cuộc hội thảo, ông Schriver lưu ý rằng "sự độc lập trên thực tế" của Đảo Đài Loan là phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ, đồng thời nói thêm rằng an ninh trên eo biển cũng rất quan trọng đối với sự an toàn và tự do của toàn bộ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Về sự kiện này, tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 28/10 đăng tải một bài viết của nhà báo Wan Lin biên soạn dựa trên cuộc phỏng vấn với Liu Junhong, một nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc. Bài báo có một số nội dung đáng chú ý sau.
Thứ nhất, theo ông Liu Junhong, những nỗ lực của Mỹ để Nhật Bản tham gia tích cực vào vấn đề Đài Loan là một phản ứng thông thường, đặc biệt là thời gian gần đây khi Mỹ cảm thấy có những mối đe dọa đối với sức mạnh của mình ở Tây Thái Bình Dương.
Sự thống nhất lãnh thổ của Trung Quốc luôn được coi là động thái “tấn công” trong tình hình hai bên eo biển Đài Loan trong mắt chính quyền Mỹ. Hoa Kỳ luôn tìm cách lôi kéo các đồng minh lại với nhau để bảo vệ Đài Loan trước sự "tấn công" tiềm tàng của đại lục đối với hòn đảo.
Không nghi ngờ gì nữa, ông Liu Junhong cho rằng, Nhật Bản cũng hiểu bố cục của Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Trên thực tế, Nhật Bản và Đài Loan có quan hệ mật thiết trên nhiều lĩnh vực.
Về mặt kinh tế, nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận ở Đài Loan được tài trợ hoặc nhận đầu tư từ Nhật Bản, bao gồm cả ngành công nghiệp bán dẫn điện tử. Ngoài ra, sự giao lưu giữa các đảng phái trong giới chính trị giữa Đảo Đài Loan và Nhật Bản cũng rất khăng khít. Điều này đã âm ỉ kể từ khi cựu lãnh đạo Đài Loan Trần Thủy Biển tại vị.
Ông Liu Junhong nhấn mạnh rằng, ngày nay, với sự xấu đi của quan hệ Trung - Mỹ, Hoa Kỳ tỏ ra độc đoán và cứng rắn khi đề cập đến vấn đề Đài Loan. Trong bối cảnh đó, Tokyo có thể phải đối mặt với áp lực lớn hơn từ Washington.
Với hai con bài thương mại và quốc phòng của Nhật Bản trong tay, Washington có thể buộc Tokyo tham gia liên minh “bảo vệ” Đài Loan. Tokyo có thể cũng lo ngại việc Washington có thể áp thuế lên ô tô của mình.
Điều này có thể có tác động lớn hơn đến ngành công nghiệp ô tô vốn đã bị tàn phá của Nhật Bản. Ngoài ra, Washington có thể tiếp tục gây sức ép với Tokyo về đầu tư trang thiết bị quân sự và quốc phòng.
Quốc phòng và thương mại – cả hai lĩnh vực này đều rất quan trọng đối với Tokyo, điều đó có nghĩa là Nhật Bản đang ở thế tương đối bị động trước hai con bài mà Mỹ có.
Nếu không muốn nhượng bộ về hai khía cạnh này, Nhật Bản có thể phải nhân nhượng về vấn đề Đài Loan. Tuy nhiên, chuyên gia Liu Junhong cho rằng, chính phủ Nhật Bản luôn có thái độ thận trọng đối với các vấn đề liên quan đến Đài Loan.
Dưới thời chính quyền cựu Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản tái khẳng định tuân thủ quan điểm của mình đối với vấn đề Đài Loan được nêu trong “Thông cáo chung Nhật-Trung”.
“Tokyo biết rất rõ điểm mấu chốt của Bắc Kinh khi nói đến vấn đề Đài Loan. Nhật Bản cũng biết rằng việc băng qua ranh giới giống như chạm vào một sợi dây điện - nếu Washington thúc ép quá mạnh, Tokyo sẽ là người đầu tiên bị giật. Vì vậy, Nhật Bản luôn chơi Thái Cực Quyền với Mỹ về vấn đề Đài Loan” – chuyên gia Liu Junhong bình luận.
Trên thực tế, theo ông Liu, một số học giả Hoa Kỳ cho rằng việc bảo vệ Đài Loan có lợi cho Nhật Bản. Họ cho rằng nếu không có Đài Loan, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ khó duy trì sự cởi mở.
Nếu đại lục "tái chiếm" được Đài Loan, nằm trong cái gọi là chính sách chuỗi đảo thứ nhất, thì Trung Quốc sẽ dễ dàng phát động "các cuộc tấn công" vào quần đảo Điếu Ngư.
“Nhưng đối với Tokyo, lựa chọn tốt nhất là giữ nguyên hiện trạng và “múa phụ họa” theo Washington về các vấn đề hai eo biển.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp diễn ra vào tuần tới, có nhiều bất ổn trong chính trường Mỹ.
Tokyo nên suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào. Nhật Bản không nên trả lời một cách hấp tấp bất kỳ đề xuất nào đến từ Washington” –vị chuyên gia Trung Quốc Liu Junhong khuyến cáo Tokyo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận