Tuyến đường góp phần hình thành con đường “hoằng dương Phật Pháp” theo bước chân Phật Hoàng Trần Nhân Tông, thu hút hàng triệu du khách đổ về Bắc Giang.
Kết nối các khu du lịch tâm linh
Toàn cảnh TL293 - đường về cõi Phật Tây Yên Tử. (Ảnh: Internet)
Là một trong những người đầu tiên gắn bó với dự án cải tạo, nâng cấp TL293 và các tuyến nhánh vào Tây Yên Tử, chùa Vĩnh Nghiêm được triển khai từ năm 2009, ông Hoàng Thế Hưng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang chia sẻ: “Năm 2011, Ban còn trực thuộc Sở GTVT, tôi được Giám đốc Sở GTVT Bùi Thế Sơn tin tưởng, giao trực tiếp phụ trách. Khi đó, tôi là cán bộ trẻ, mới được bổ nhiệm trong khi dự án này được triển khai thuộc diện lớn nhất trên địa bàn tỉnh”.
Theo ông Hưng, đến nay vẫn chưa có bất kỳ dự án xây dựng công trình giao thông nào tại Bắc Giang có tổng mức đầu tư cũng như quy mô lớn như vậy.
Chưa kể, dự án còn được triển khai trên địa bàn các huyện, xã miền núi nên có nhiều khó khăn, vướng mắc đặc thù.
“Ban phải thành lập tổ giám sát, quản lý hiện trường, thường xuyên có mặt cùng nhà thầu và chính quyền địa phương tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ”, ông Hưng kể.
Dự án có tuyến chính dài 73km từ Km 00 tại ngã 3 giao cắt với đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đến Km 73+300, thuộc thị trấn Thanh Sơn (nay là thị trấn Tây Yên Tử), huyện Sơn Động.
Ngoài ra, còn 3 tuyến nhánh gồm: Nhánh 1 từ TL293 vào chùa Vĩnh Nghiêm dài 6,243km; nhánh 2 từ xã Vô Tranh, huyện Lục Nam đi Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh dài 9,438km; nhánh 3 nối vào Tây Yên Tử với chiều dài 2,5km.
Cả tuyến chính và tuyến nhánh được xây dựng với nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 7m. Đường được thiết kế mặt bê tông xi măng trên móng cấp phối đá dăm.
Riêng đoạn qua TP Bắc Giang, mặt đường được xây dựng bằng bê tông nhựa theo thiết kế đô thị. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.709 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn khác.
Tuyến đường được xây dựng nhằm kết nối các khu du lịch tâm linh, sinh thái trên địa bàn tỉnh Bắc Giang như chùa Vĩnh Nghiêm, đền Suối Mỡ, chùa Hạ, chùa Thượng Tây Yên Tử...
Tuyến đường còn giúp giảm tải cho QL31, đoạn từ Lục Nam đi TP Bắc Giang; giảm thời gian đi lại từ Bắc Giang đến huyện Sơn Động.
“Dự kiến ban đầu, dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2015. Tuy nhiên, sau đó phải nhiều lần gia hạn, kéo dài đến năm 2018. Nguyên nhân là do gặp khó khăn khi nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân chậm, nhỏ giọt.
Dự án trải dài trên địa bàn 4 huyện và 1 thành phố với diện tích đất bị thu hồi lớn, trong khi công tác quản lý đất đai của chính quyền cơ sở còn lỏng lẻo, chồng chéo”, ông Hưng lý giải.
Làm đường, “lãi” thêm đường
Công nghệ thảm bê tông xi măng theo tiêu chuẩn Đức được thực hiện tại Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 293 và các tuyến nhánh
Điều đặc biệt, theo ông Hưng, tuyến đường thi công gần 10 năm mới hoàn thành nhưng không làm tăng tổng mức đầu tư. Thậm chí, sau khi dự án hoàn thành, Ban còn “lãi” thêm một dự án làm đường khác.
Cụ thể, sau khi quyết toán, nhờ tiết kiệm chi, có phương án thiết kế, thi công hợp lý, dự án còn thừa hơn 200 tỷ đồng từ số vốn đầu tư được cấp ban đầu.
Số tiền này có được là do trong quá trình thi công, chủ đầu tư đã kịp thời phát hiện một số bất cập trong thiết kế, chuyển đổi hướng tuyến, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào thi công; kiểm tra, giám sát chi chặt chẽ, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí trong đầu tư, GPMB…
Theo thiết kế ban đầu, dự án sẽ cải tạo, nâng cấp mặt đường trên nền đường cũ, chạy qua khu dân cư đông đúc tại các xã Trường Sơn và Lục Sơn, huyện Lục Nam.
Tuy nhiên, do công tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập khiến nhiều hộ được cấp đất thổ cư ra đến nền đường làm đội chi phí GPMB, tiềm ẩn nguy cơ khiếu kiện phức tạp, đội vốn.
Trước tình thế trên, Ban đã tham mưu cấp có thẩm quyền điều chỉnh, quy hoạch lại hướng tuyến, mở đường mới tránh khu dân cư. Nhờ đó, dự án đã tiết giảm được hàng chục tỷ đồng tiền GPMB, công tác thi công cũng được triển khai thuận lợi, hiệu quả hơn.
Cùng đó, thay vì thảm bê tông xi măng bán tự động, thủ công, nhà thầu là Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường đã tự dựng trạm bê tông, ứng dụng máy trải thảm bê tông tự động theo công nghệ hiện đại của Đức giúp giảm chi phí nhân công, đẩy nhanh tiến độ, giảm suất đầu tư.
“Quá trình đầu tư, thi công, tại dự án không xảy ra tình trạng tham nhũng, lãnh phí, thất thoát… Điều này đã được thanh tra Bộ Xây dựng, Kiểm toán Nhà nước đánh giá cao”, ông Hưng nói và cho hay, từ nguồn tiền tiết kiệm được, Ban Quản lý dự án đã tham mưu UBND tỉnh Bắc Giang quyết định đầu tư, kéo dài dự án cải tạo, nâng cấp TL293, đoạn từ thị trấn Thanh Sơn đến QL279, thuộc xã Long Sơn, huyện Sơn Động.
Nhờ đó đã có thêm 14km TL293 được cải tạo, nâng cấp mặt đường từ 3,5 lên 7m, cứng hóa bằng bê tông xi măng, giúp kết nối huyện Sơn Động, Bắc Giang với TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Đón hàng triệu lượt khách du lịch
Trao đổi về vai trò, ý nghĩa của dự án cải tạo, nâng cấp TL293, ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang cho biết, tuyến đường góp phần kết nối các điểm du lịch tâm linh, sinh thái trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; hỗ trợ hình thành con đường “hoằng dương Phật Pháp” theo bước chân Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Từ khi dự án hoàn thành, Bắc Giang từ tỉnh trắng về du lịch đã vươn lên mạnh mẽ với điểm nhấn là chùa Vĩnh Nghiêm và Khu du lịch tâm linh- sinh thái Tây Yên Tử.
Hơn 2 năm qua đã có hơn 3 triệu lượt du khách đến Bắc Giang. Năm 2023, ngành du lịch của tỉnh đặt mục tiêu đón 2 triệu lượt khách nhưng chỉ trong 3 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thu hút hơn 1,4 triệu lượt.
Trong đó phần lớn du khách lưu thông theo TL293 về cõi Phật tại Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận