Xuyên mưa bão, xuyên dịch vì hành khách
Giữa tháng 10/2022, cơn bão số 5 đã gây ảnh hưởng nặng đến hạ tầng đường sắt trên tuyến Bắc - Nam qua khu vực Đà Nẵng, Huế, nhất là khu vực đèo Hải Vân.
Chuyến tàu SE7 xuất phát ga Hà Nội sáng ngày 14/10, khi đến ga Huế vào tối hôm đó cũng phải dừng lại tránh trú để đảm bảo an toàn. Tưởng là chỉ dừng vài giờ, nào ngờ chờ đến tận chiều hôm sau, sau khi đường sắt qua đèo khắc phục xong, tàu mới chạy vào tiếp ga Cầu Hai để chuyển tải hành khách bằng ô tô đến ga Đà Nẵng.
Nhân viên phục vụ trên tàu Hoàng Thị Quyên luôn nhiệt tình hỗ trợ hành khách mang hành lý lên, xuống tàu
Hành khách trên tàu sốt ruột nhưng luôn được các nhân viên trên tàu thông tin, động viên, đồng thời phục vụ miễn phí suất ăn, nước uống. Trong đó hành khách toa 5 ấn tượng với nhân viên phụ trách toa xe Hoàng Thị Quyên luôn phục vụ tận tình, chu đáo.
Rồi khi thực hiện chuyển tải bằng đường bộ, hành khách lại lần nữa cảm động trước sự nhiệt tình của chị Quyên, cẩn thận hướng dẫn hành khách, không nề hà hỗ trợ hành khách mang vác hành lý lên, xuống tàu.
Nhưng với chị Quyên, đây chỉ là công việc thường nhật, là trách nhiệm. Tuy có vất vả hơn nhưng hành khách “đi đến nơi về đến chốn” an toàn là niềm vui của những nhân viên phục vụ trên tàu như chị.
Tàu đi gặp bão phải dừng dọc đường là “chuyện thường ngày ở huyện” mỗi khi vào mùa mưa bão. Nhưng với những nhân viên phục vụ trên những chuyến tàu chuyên biệt đưa bà con từ các tỉnh miền Nam về quê thời điểm dịch Covid-19 bùng phát dữ dội thực sự là kỷ niệm không thể quên.
Chị Quyên là một trong những nhân viên trong tổ tàu xung phong đi chuyến tàu chuyên biệt đầu tiên đưa bà con về Hà Tĩnh hồi tháng 7/2021. Chuyến tàu đó có hơn 700 khách, toàn người già, trẻ em, phụ nữ mang thai. Hành khách đều có giấy chứng nhận test Covid-19 âm tính còn hiệu lực, nhưng để tránh lây nhiễm, anh em siết chặt các biện pháp phòng dịch trên tàu như: Thường xuyên mặc quần áo bảo hộ; Kiểm tra thân nhiệt hành khách; Vệ sinh khử khuẩn các vị trí trên tàu dễ lây lan dịch…
“Tuy vậy nguy cơ lây nhiễm vẫn rất cao. Nói không lo lắng là không đúng, nhưng sợ thì không. Nếu sợ tôi đã không đi, vì lãnh đạo cũng đâu có ép, tổ tàu xung phong mà. Chỉ nghĩ miền Nam dịch phức tạp quá, nhiều người chết quá, giờ bà con về được quê, đỡ nguy hiểm là tôi không thấy sợ gì nữa.”, chị nói.
Chị kể, ngay sau khi tiễn bà con xuống ga Yên Trung, trên hành trình tàu quay về, chị nhận được tin toa chị phụ trách có hành khách nhiễm virus. Thế là khi tàu veed ga Sài Gòn, chị phải tự cách ly tại nhà một mình, chồng thì ở công ty, con gửi về quê nội...
Khi được hỏi nếu thời điểm đó, được lãnh đạo phân công đi tàu chuyên biệt tiếp, chị có nhận nhiệm vụ không, chị khẳng định ngay: “Đi chớ, mình cứ cố gắng tuân thủ nghiêm phòng dịch để đưa bà con về an toàn là yên tâm, là vui rồi”.
Giúp được hành khách là niềm hạnh phúc
Chị Quyên chia sẻ, hồi nhỏ nhà ở gần ga Chu Lễ (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh), nên từ bao giờ tiếng còi tàu, hình ảnh đoàn tàu mang hành khách đi muôn phương đã “ngấm” vào chị, trở thành niềm yêu thích. Khi học xong phổ thông, chị mong ước được công tác trong ngành đường sắt, được gắn bó với con tàu nên quyết định Nam tiến, học và theo nghề.
Với những nhân viên phục vụ trên tàu chuyên biệt đưa người dân về quê tránh dịch Covid-19 như chị Quyên, đưa được bà con về an toàn là niềm vui, hạnh phúc. Ảnh: minh họa
Ra trường, chị làm nhân viên phục vụ trên tàu thấm thoắt đã 12 năm. Khi chị đầu quân vào ngành được vài năm thì bắt đầu giai đoạn tàu hỏa không còn hấp dẫn hành khách như trước, hàng không giá rẻ, ô tô chất lượng cao, đường cao tốc phát triển đã hút nhiều khách. Vận tải khách đường sắt sụt giảm, ngày càng khó khăn hơn, thu nhập nhân viên đi tàu cũng vậy.
Trong khi hai vợ chồng chị đều xa quê vào thành phố lập nghiệp, chị thì Hà Tĩnh, chồng ở miền Tây Nam bộ, lại còn hai con nhỏ đều đang tuổi đến trường. Chi phí sinh hoạt ở thành phố đắt đỏ, nên thu nhập 2 vợ chồng tùng tiệm lắm cũng chỉ đủ tiêu.
Hơn nữa, nghề phục vụ trên tàu là “làm dâu trăm họ”, vất vả, áp lực, nhưng thu nhập cả chuyến đi, chuyến về cũng chỉ khoảng 1,1-1,2 triệu. Vì thế tháng nào đi nhiều chuyến cao nhất cũng chỉ 8 triệu/tháng, tháng thấp điểm chỉ khoảng 5 triệu...
“Nhưng không hiểu sao tôi không chán nghề, cũng chưa bao giờ muốn bỏ nghề. Càng đi tàu tôi càng gắn bó, càng yêu nghề, càng thích đi tàu. Có lẽ vì trên tàu tôi gặp được nhiều người, gặp được nhiều hoàn cảnh mình có thể giúp đỡ chút ít dù nhỏ; ngược lại cũng có hành khách thấy mình phục vụ tốt lại tặng quà, động viên mình. Khi đó thực sự tôi thấy hạnh phúc, lại có thêm động lực...”, chị Quyên nói.
12 năm rong ruổi theo những chuyến tàu, chị không nhớ hết đã bao lần phát hiện tài sản khách bỏ quên trên tàu và báo trưởng tàu để liên lạc, trao trả lại; Đã bao lần chị bớt chút tiền lương ít ỏi của mình để mua suất cơm hay đồng quà tấm bánh biếu những hành khách nghèo trên tàu khi họ sẵn sàng “nhịn” đói để tiết kiệm tiền...
Đặc biệt là mỗi khi vào chiến dịch vận tải Tết kéo dài cả tháng. Chị kể, khi đó lịch đi tàu căng như dây đàn, theo tàu ra Hà Nội, rồi quay luôn vào ga Sài Gòn, nghỉ được vài tiếng, tranh thủ về nhà với con, tối lại lên tàu đi tiếp. Liên miên như vậy.
“Tủi nhất là chiều 30, mùng 1 phải xách va li đi, đón giao thừa trên tàu. Ngày Tết, gia đình người ta quây quần, mình thì để con nhỏ ở nhà, trông cậy cả vào người thân, lên tàu phục vụ hành khách. Những lúc đó buồn thế, nhớ chồng con, nhớ gia đình đến phát khóc.
Nhưng chỉ cần nhìn hành khách háo hức, vui mừng được trở về quê đón tết là tôi lại cố gắng vượt qua. Nghề phục vụ trên tàu như chúng tôi, quan trọng nhất là đưa hành khách về đến nơi bình an, hành khách hài lòng... Đơn giản thế đã là hạnh phúc”, chị Quyên chia sẻ.
Ông Phạm Văn Bảy, Trạm trưởng Trạm tiếp viên Sài Gòn (Đoàn tiếp viên đường sắt phương Nam) cho biết, chị Hoàng Thị Quyên là một nữ tiếp viên toa xe rất chăm chỉ, không ngại việc, luôn sẵng sàng nhận nhiệm vụ ngay cả những thời điểm khó khăn như đợt dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hay cao điểm Tết, hè. Trong công tác phục vụ luôn tận tâm, trách nhiệm, được hành khách khen ngợi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận