Chính trị

Chuyển sát hạch, cấp GPLX gây rất nhiều xáo trộn và tốn kém không cần thiết

16/11/2020, 17:22

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ chiều nay, ngày 16/11.

img
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau)

Dễ dẫn đến độc quyền, lạm quyền

Chiều nay (16/11), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ.

Tham gia thảo luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) băn khoăn về trình tự, thủ tục khi xây dựng dự án Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, bởi theo danh mục của chương trình dự án luật năm 2020 thì không có luật này.

Cũng như ý kiến nhiều đại biểu khác, ông Hận kiến nghị không nên tách Luật GTĐB thành 2 luật vì phạm trù giao thông là một chỉnh thể thống nhất có quan hệ biện chứng với nhau không thể tách rời, còn bảo đảm ATGT là mục tiêu hướng đến chứ không phải là đối tượng điều chỉnh, nên không thể tách thành luật riêng.

Không đồng tình việc chuyển quản lý đào tạo, sát hạch và cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, đại biểu Nguyễn Quốc Hận cho rằng: Khi thực hiện Luật Công an nhân dân đã làm phát sinh hơn 126 nghìn công an xã đang dôi dư, nên chúng ta cần thiết phải ban hành Luật Lực lượng bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở. Giờ chuyển sát hạch GPLX ang Bộ Công an thì việc bố trí các cán bộ đang làm công việc này như thế nào?

"Thực tế cho thấy, công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đang được thực hiện tốt, thuận lợi, nhanh chóng, kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia từ năm 2019, liên thông trong toàn quốc. Việc này ít có ngành làm được, được nhân dân ủng hộ, chúng ta đã ký hiệp ước với 85 quốc gia. Nếu thay đổi sẽ gây xáo trộn, tốn kém cho Nhà nước và nhân dân; phải thay đổi các điều khoản đã ký trong hiệp ước, phải thay đổi GPLX cho toàn dân; trong khi chúng ta còn khó khăn, Chính phủ đang phát động tiết kiệm nguồn lực xây dựng đất nước", ông Hận phân tích.

ĐB Hận cũng cho rằng, chẳng ai dám đảm bảo, chịu trách nhiệm cá nhân khi chuyển việc công việc này sang Bộ Công an thì không có GPLX giả, TNGT giảm. Bởi hiện nay, những giấy tờ do ngành công an cấp vẫn đang bị làm giả như căn cước công dân giả, hộ chiếu giả thậm chí là cả thẻ công an giả.

"Hơn nữa, việc tập trung nhiều lĩnh vực vào một số ngành, cơ quan, đơn vị như thế dễ dẫn tới việc độc quyền, lạm quyền, đặc quyền đặc lợi. Hiện nay tình hình trật tự an toàn xã hội đang diễn biến phức tạp, tội phạm về ma túy, cướp giật, băng nhóm, trộm cắp… còn là vấn đề nhức nhối của xã hội. Lực lượng công an với chức năng, nhiệm vụ của mình nên giải quyết tốt các vấn đề trên thì nhân dân đã cảm kích lắm rồi. Bộ Công an không cần nhận thêm những nhiệm vụ mới”, ông Hận nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Võ Thị Như Hoa (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, những bất cập trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX hiện nay hoàn toàn có thể khắc phục được mà không nhất thiết phải chuyển giao sang Bộ Công an.

“Không có gì chắc chắn việc chuyển giao này sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn. Trong khi đó, chắc chắn việc chuyển giao sẽ gây xáo trộn lớn trong xã hội, kéo theo nhiều vấn đề phát sinh về trang thiết bị, con người của cả hai ngành GTVT và Công an, gây lãng phí lớn cho ngân sách”, đại biểu Hoa nói.

img
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng

Đi ngược chủ trương cải cách hành chính

Không đồng tình tách Luật GTĐB thành hai luật, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng, chắc chắn khi tách luật sẽ tăng thêm thủ tục hành chính, đây là vấn đề đi ngược, thậm chí không phù hợp với chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật về cải cách thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, sẽ gây hệ lụy về pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật, xung đột thẩm quyền nhiệm vụ, thậm chí là xung đột lợi ích.

"Như vậy là xâm phạm lợi ích của Nhà nước, người dân và lãng phí các nguồn lực khác, dẫn đến "quyền anh, quyền tôi" mà Thủ tướng đã nhắc đến”, ông Nhưỡng nói.

Cũng theo ông Nhưỡng, Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ có nhiều nội dung được tách ra từ Luật GTĐB. Đây đều là những nội dung đã được Quốc hội nghiên cứu, thông qua trong nhiều năm và đang ổn định, không có cơ sở nào để phá vỡ.

“Chúng ta tách hành vi của con người ra khỏi hoàn cảnh có nghĩa là chúng ta làm sai nguyên tắc quản lý. Một Bộ quản lý về con người, một Bộ quản lý về hạ tầng là không đồng bộ, hạ tầng và con người phải đi cùng với nhau”, ĐB Nhưỡng nói.

Theo vị ĐB này, Quốc hội nên giao lại cho Chính phủ nghiên cứu lại vấn đề này, cũng giống như trả lại hồ sơ để điều tra lại.

ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Nga (đoàn Hải Dương) cũng đề xuất không nên tách Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ thành một dự luật riêng. Đồng thời, cần nghiên cứu kỹ việc thay đổi cơ quan quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. Bởi trước đây, đã có thời gian công tác này đã giao cho Bộ Công an quản lý, qua nghiên cứu, phân tích không phù hợp mới giao về Bộ GTVT quản lý.

"Bộ GTVT quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX là phù hợp với tinh thần Nghị quyết 17/2015 cuả Đảng, thực hiện chuyển một số lĩnh vực có điều kiện dân sự hóa thì chuyển cho cơ quan dân sự quản lý. Sau 25 năm Bộ GTVT thực hiện công tác này, đã có nhiều thay đổi, hiện đại và minh bạch hơn. Công tác này không phát sinh quá nhiều tiêu cực, bất cập phải thay đổi cơ quan quản lý”, ĐB Nga khẳng định.

Quan tâm bảo đảm ATGT cho người dưới 18 tuổi

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hoà Bình) cho rằng, việc tách Luật GTĐB và xây dựng Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ đã được Chính phủ thảo luận và cân nhắc kỹ lưỡng. Sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia và cơ quan nhà nước có thẩm quyền và của Hội đồng thẩm định của Bộ Tư pháp, thì Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến đồng ý.

ĐB Quách Thế Tản (Hoà Bình) cho rằng, việc Chính phủ trình 2 dự án luật đã được thảo luận đánh giá khách quan xuất phát yêu cầu thực tiễn, được sự đồng tình cao của các bộ, gắn trách nhiệm từng bộ cụ thể. Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ đã làm rõ được 3 vấn đề: Bổ sung quy định về quy tắc giao thông; xây dựng chính sách thực thi pháp luật và xử lý các hành vi vi phạm.

ĐB Tản kiến nghị dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ cần quy định rõ ràng hơn, chặt chẽ hơn về sức khoẻ của người lái xe. Theo đó, các cơ quan chức năng cần có cơ chế phối hợp để kiểm soát sức khoẻ của người lái xe vì đây là quy định quan trọng liên quan đến ATGT. “Có người trên 60 tuổi vẫn đảm bảo sức khoẻ để lái xe nhưng có người dưới 60 tuổi sức khoẻ không đảm bảo, phản xạ kém thì không nên cấp GPLX”, đại biểu Tản nói.

ĐB Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) thì đề nghị nên xây dựng Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ theo hướng quy định đối tượng cần phải có GPLX mới được điều khiển phương tiện. Bởi quy định hiện hành, việc điều khiển phương tiện dưới 50m3, không cần GPLX, trong khi đối tượng là người dưới điều kiển loại phương tiện này dưới 18 tuổi, là học sinh đang tuổi trưởng thành, thích thể hiện mình, còn xe máy điện, xe dưới 50cm³ có tốc độ khá cao, đến 40km/h, thậm chí có phương tiện tốc độ lên đến 80cm³.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.