Xã hội

Chuyện Trung “đồng nát” xây trường, nuôi trẻ vùng cao

18/04/2020, 06:21

Với chàng trai 30 tuổi Hoàng Hoa Trung, giúp đỡ trẻ em nghèo vùng cao là mục tiêu và niềm vui sống.

img
Hoàng Hoa Trung bên các em nhỏ vùng cao

25 điểm trường được xây dựng khang trang, 12 nghìn trẻ em vùng cao được kết nối nuôi bữa trưa hàng ngày là kết quả không ngừng nghỉ trên hành trình tình nguyện của chàng trai trẻ Hoàng Hoa Trung.

Đem ánh sáng đến núi rừng

Hơn một năm trước, thầy trò điểm trường Nậm Pang, xã Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) học trong gian nhà tranh tre tuềnh toàng, xiêu vẹo, bàn ghế thì được đóng từ những thân gỗ tạp gồ ghề, cái cao cái thấp. Điểm trường này cách xa trường chính hơn 10km, đường đi đến điểm trường đồi núi gập ghềnh khó đi.

Ông Bùi Văn Ần, chuyên viên Phòng Giáo dục huyện Nậm Pồ tâm sự: “Nhìn những điểm trường tranh tre nứa lá, phòng học dột nát, cô và trò vừa học vừa kê bàn ghế tránh mưa mà xót xa. Hoàn cảnh gia đình các em cơ bản đều khó khăn nên nhiều em chỉ cố đến trường được buổi sáng, còn buổi chiều về nhà kiếm ăn”.

Với những thành tích hoạt động vì cộng đồng, Hoàng Hoa Trung trở thành 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2019; được Forbes Việt Nam đưa vào danh sách 30 under 30 năm 2020 (30 gương mặt nổi bật dưới 30 tuổi). Hoàng Hoa Trung và Nhóm tình nguyện Niềm tin đã 3 lần được nhận Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia của Trung ương Đoàn.

Từ giữa năm 2019, Nậm Pang cùng với hơn 10 điểm trường khác như Huổi Nẳm, Huổi Anh (xã Chà Tở), Nậm Hài 1 (xã Chà Cang), Nậm Đích 2 (xã Chà Nưa) ở huyện Nậm Pồ đã có những phòng học xây gạch khang trang.

“Đó là công sức, tấm lòng của Hoàng Hoa Trung - Trưởng nhóm tình nguyện Niềm tin và các nhà hảo tâm”, ông Ần cho biết.

Ông Ần vẫn nhớ, năm 2018, Hoàng Hoa Trung cùng những bạn trẻ trong nhóm tình nguyện Niềm tin tới Phòng Giáo dục huyện, đề nghị phối hợp triển khai chương trình hỗ trợ bữa ăn trưa hàng ngày cho những học sinh không thuộc diện Nhà nước hỗ trợ.

Khi huyện đồng ý, Trung nhanh chóng kết nối, cung cấp thức ăn bữa trưa cho hơn 4.000 học sinh tại các điểm trường trong toàn huyện. Tới năm 2019, Trung lại chủ trì, kết nối những nhà hảo tâm xây dựng những điểm trường kiên cố, xóa bỏ những phòng học tranh tre nứa lá dột nát.

“Suốt hơn nột năm, Trung không biết bao nhiêu lần bắt xe khách lên với Nậm Pồ, đem từng món đồ lên cho các em học sinh, đem tiền hỗ trợ lên khảo sát, xây trường. Giờ đã có trường lớp khang trang, học sinh có bữa trưa miễn phí nên không còn bỏ học ca chiều, cả giáo viên, phụ huynh và học sinh đều yên tâm học tập”, ông Ần nói.

Nói về Trung cùng nhóm tình nguyện, cô giáo Tòng Thị Sơi ở bản Nậm Nhừ Con, xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ xúc động: “Gần hai năm trước, khi Hoàng Hoa Trung cùng nhóm bạn trẻ từ Hà Nội vượt núi vào bản khảo sát, nói là sẽ xây cho chúng tôi một điểm trường mới thay cho mấy gian nhà tranh tre, nứa lá dột nát, khi đó bản thân tôi cũng không tin.

Bởi nơi này bốn bề núi hun hút, đến chuyển vật liệu lên cũng khó, chưa nói đến kinh phí. Vậy mà chỉ vài tháng sau, ngôi trường khang trang được xây dựng, như trong mơ. Không những thế, hơn một năm qua, chương trình “Nuôi em” do Trung phát động đã giúp các em có bữa ăn trưa có thịt, có trứng”.

Cuối tháng 3/2020, tại Lễ biểu dương 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019, cái tên Hoàng Hoa Trung được xướng lên với thành tích: Riêng năm 2019, Trung và nhóm tình nguyện Niềm tin xây dựng được 15 ngôi trường cho trẻ em vùng cao (trị giá khoảng 3,9 tỷ đồng), nâng tổng số trường Trung và nhóm Niềm tin đã xây dựng cho học sinh vùng cao là 25 trường.

Ngoài ra, từ năm 2014 đến nay, Trung và nhóm Niềm tin đã kết nối các nhà hảo tâm thực hiện dự án “Nuôi em”, hỗ trợ cơm trưa cho học sinh vùng cao 7 tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Quảng Nam, Hà Giang, Nghệ An, Cao Bằng, Thanh Hóa.

Bán đồng nát kiếm tiền làm thiện nguyện

img
Điểm trường ghép bản Huổi Đeng, xã Mường Toong, Mường Nhé, Điện Biên được xây dựng lại với trị giá khoảng 280 triệu, gồm 3 phòng học diện tích 89m2

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, khi đang học phổ thông, Trung rẽ ngang sang học công nghệ thông tin. Với kiến thức lập trình học được, khi những bạn đồng trang lứa đang bận suy nghĩ xem thi vào trường đại học nào thì Trung đã có thể kiếm tiền, “sống khỏe” từ nghề lập trình.

Tuy vậy, cũng chính giai đoạn này Trung lại vướng vào khủng hoảng. Trung chia sẻ: “18 tuổi em bị khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng, luôn có suy nghĩ mình sống làm gì nhỉ, khi chẳng có lý tưởng gì. Thế rồi, một ngày em nhìn thấy nhiều trẻ em, người già sống khó khăn vất vả, em suy nghĩ hãy làm gì đó để giúp họ, đó chính là ý nghĩa cuộc sống của mình. Ý tưởng tình nguyện cứ thế hình thành, lớn dần trong em”.

Năm 2008, Trung bắt đầu hoạt động tình nguyện đầu tiên của đời mình với những công việc đơn giản như giúp đỡ những người khuyết tật, lao động nghèo và người vô gia cư trong thành phố nơi anh sống. Năm 2009, Trung gia nhập nhóm thiện nguyện Niềm tin và nhanh chóng trở thành một “thủ lĩnh” của nhóm.

Để có tiền làm từ thiện,Trung và các cộng sự phải lăn lộn với nhiều dự án biến phế liệu thành tiền. Trung tìm đến các khu ký túc xá sinh viên, công ty, xí nghiệp… xin lại sách vở cũ, giấy tờ đồ dùng đã bỏ đi gom lại một chỗ sau mang đi bán đồng nát để lấy tiền gây quỹ.

Trung còn tìm đến làng gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội) xin phép được nhặt lại những món đồ gốm sứt mẻ, có lỗi nhỏ người dân đã bỏ đi, từ chiếc bát gốm, lọ hoa hay những món qua lưu niệm nhỏ… về cọ rửa, tái chế như mới.

Những món đồ ấy, Trung và các thành viên nhóm Niềm tin mang tới bán ở các hội sách, chia nhau đi bán ở nhiều nơi và gom góp về những khoản tiền để xây trường, mua cơm trưa cho các em nhỏ vùng cao.

Những ngày lăn lộn xin đủ thứ cũ kỹ bán đi lấy tiền từ thiện ấy đã gắn thành biệt danh “Trung đồng nát” của chàng trai trẻ.

Ước mơ xóa hết điểm trường tranh tre, nứa lá

img
Hoàng Hoa Trung là 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019

Ngôi nhà Trung ở phố Giải Phóng (Hà Nội) giống như một nhà kho chứa đồ mà người khắp mọi miền gửi về giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn.

Mời PV ngồi lên chiếc ghế salon phủ một tấm rèm, Trung dí dỏm nói: Cái ghế này nhặt từ bãi rác về, phủ thêm tấm rèm là dùng được. Trung cho biết, gần như mọi đồ vật trong nhà đều là đồ cũ đã bị vứt bỏ, cho đi được nhặt về, sửa chữa, tái chế để sử dụng.

Nhìn cuộc sống của Trung, không ai nghĩ rằng chàng trai này hiện có công việc chỉ bán thời gian nhưng thu nhập tới vài chục triệu/tháng.

“Em chỉ có thể làm các công việc bán thời gian, bởi em còn phải dành thời gian cho công tác tình nguyện”, Trung lý giải.

Nói về thành công của dự án “Nuôi em” và xây điểm trường cho học sinh miền núi, Trung cho hay, nhiều lần đến các vùng núi cao, thấy nhiều học sinh miền núi tới lớp chỉ cầm theo túi nilon có ít cơm trắng, phòng học thì trống toang hoác nắng rọi, mưa dột, gió lùa tứ phía.

Để học sinh nghèo vùng cao có chỗ ngồi học, bữa cơm có thêm thịt, trứng, Trung đứng ra kêu gọi. Ban đầu, chỉ có ít người ủng hộ. Trung lắng nghe, tìm hiểu và nhận ra, những người quyên góp ủng hộ dù bỏ ra số tiền dù lớn hay nhỏ thì đều muốn phải công khai, minh bạch số tiền từ thiện.

Từ đó, Trung nảy sinh ý tưởng cung cấp danh sách các em nhỏ cần nuôi bữa trưa để mỗi người nhận chăm một em học sinh trong cả năm học. Các nhà hảo tâm đều nắm được đầy đủ thông tin của học sinh mình nhận nuôi, biết mặt, địa chỉ, số điện thoại của thày cô giáo, già làng, trưởng bản.

“Mỗi năm, chúng tôi tổ chức 4 lần để các nhà hảo tâm tới thăm học sinh mà mình nhận nuôi. Chính ý tưởng này đã giúp con số các em được nhận nuôi cơm trưa tăng từ 6.000 em (năm 2018) lên 12.000 em (năm 2019).

Ý tưởng xây trường tặng học sinh vùng cao thành công cũng xuất phát từ việc minh bạch và cá nhân hóa hoạt động thiện nguyện như vậy. Theo đó, mỗi nhà hảo tâm đều được công khai, họ biết được số tiền đó đã góp phần giúp xây điểm trường nào”, Trung kể.

Nhằm xóa bỏ tư tưởng chỉ người giàu mới làm từ thiện, từ đầu năm 2020 Hoàng Hoa Trung triển khai dự án “Sức mạnh 2.000”. Dự án này rất đơn giản là mỗi người có thể làm thiện nguyện bằng cách mỗi ngày bỏ ra 2.000 đồng làm từ thiện bằng cách chuyển tiền qua hình thức tiết kiệm qua thẻ ATM, ví MoMo. Từ đầu tháng 2/2020 tới nay, chương trình “Sức mạnh 2.000” đã thu được số tiền 500 triệu đồng đủ sức xây 2 điểm trường.

Trước đó, trong dịp Tết Nguyên đán, Trung lập nên dự án lì xì tặng trường cho học sinh miền núi đã thu được số tiền đủ xây 3 điểm trường. Dự kiến, trong năm 2020, Trung sẽ vận động xây 30 điểm trường trong hành trình xóa toàn bộ những điểm trường tranh tre, nứa lá ở những vùng sâu, vùng xa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.