Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, vẫn nên cân nhắc tiếp tục linh hoạt chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, thậm chí có thể nghiên cứu hỗ trợ tiền mặt cho người dân để kích cầu tiêu dùng như một số nước đã làm.
Chuyên gia Nguyễn Thường Lạng
Tốc độ phục hồi chưa cao như mong đợi
Các chỉ số cho thấy tăng trưởng kinh tế những tháng qua khá khả quan. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp cho biết vẫn còn rất khó khăn. Quan sát của ông thì sao?
Sáu tháng đầu năm, tăng trưởng GDP đạt trên 6% và con số tháng 7 cũng khả quan. Tuy nhiên, nếu quan sát cụ thể hơn, có thể thấy tăng trưởng GDP chủ yếu đến từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài - nhập khẩu tăng cao và xuất khẩu cũng tăng đáng kể, chiếm tới hơn 70% giá trị xuất nhập khẩu.
Khu vực này hình thành được các chuỗi cung ứng có tính khép kín cao. Còn các doanh nghiệp trong nước chủ yếu gia công các công đoạn có giá trị gia tăng không lớn. Vì thế, mức độ lan tỏa của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đến kinh tế trong nước hạn chế.
Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước phải lo từng đơn hàng trong điều kiện thế giới vẫn bất ổn.
Sức mua của cả doanh nghiệp và người dân chưa được cải thiện đáng kể do tốc độ phục hồi chưa cao như mong đợi, các biện pháp kích tổng cầu chưa phát huy hết. Nhiều thị trường quan trọng và có tính nền tảng chưa được kích hoạt, phát huy tác động thỏa đáng như: Bất động sản, nhà ở, lao động.
Lãi suất cho vay doanh nghiệp chưa như mong đợi, thực chất vẫn khá cao so với chính sách giảm đề ra. Thị trường vàng vẫn tiềm ẩn tính bất ổn do tác động của thị trường thế giới.
Tất cả yếu tố đó tác động trực tiếp và gián tiếp đến doanh nghiệp trong nước, sức mua trong nước và nền kinh tế Việt Nam.
Nền kinh tế vẫn cần "tiếp sức"
Nói như vậy, nền kinh tế thời gian tới vẫn cần "tiếp sức" từ các chính sách hỗ trợ?
Đúng vậy. Việc hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết để vừa duy trì hoạt động của các doanh nghiệp hiện có, vừa thúc đẩy thành lập doanh nghiệp mới để đạt mục tiêu thành lập 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2025.
Tính chung trong 7 tháng qua, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường lên tới 125,5 nghìn, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính ra bình quân mỗi tháng có hơn 17,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Hơn nữa, nhìn vào bản chất vấn đề giảm sức mua, rõ ràng, nội lực của người dân suy giảm, buộc họ phải điều chỉnh thói quen tiêu dùng, chuyển sang sống tiết kiệm hơn. Đây không phải là điều dễ dàng để thay đổi nếu như không có động lực đủ mạnh.
Hỗ trợ tiền mặt cho dân, chúng ta có thể làm được
Thực tế, chúng ta đã có khá nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng nhiều ý kiến cho rằng việc hấp thụ của nền kinh tế còn hạn chế, theo ông lý do vì sao và cần thay đổi thế nào?
Thực tế những gói hỗ trợ trước cho thấy, việc giải ngân gặp khó do rào cản thủ tục, quy định tiêu chuẩn ràng buộc chặt chẽ, làm mất thời gian, tăng chi phí cơ hội và giảm động lực. Điều này khiến doanh nghiệp nản lòng.
Chuyên gia cho rằng, Việt Nam có thể hỗ trợ thẳng tiền mặt cho người dân để kích cầu tiêu dùng.
Vì thế, để nền kinh tế hấp thụ nhanh, chính sách hỗ trợ cần kịp thời, thực chất và tác động đến việc cải thiện sức chống chịu doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng quy mô và đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Việc hỗ trợ có thể tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, minh bạch hóa môi trường kinh doanh. Cùng đó, có thể cho phép các địa phương áp dụng cơ chế đặc thù nhằm gia tăng năng lực phát triển doanh nghiệp địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Vậy còn hỗ trợ người dân thì sao? Một số nước, họ hỗ trợ thẳng tiền mặt cho người dân để kích cầu. Theo ông, Việt Nam có thực hiện được biện pháp này không?
Tôi cho là chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Số tiền này sẽ được đưa ngay vào nền kinh tế, kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, việc hỗ trợ nên bàn làm sao để công khai, minh bạch, công bằng, vì cách này dễ sơ hở.
Nhưng trong bối cảnh ngân sách luôn phải co kéo, liệu chúng ta có đủ sức để duy trì các chính sách hỗ trợ?
Bội chi ngân sách các năm qua cũng được kiểm soát khá tốt. Chúng ta cũng đang có xu hướng quản lý tốt thuế từ thương mại điện tử. Đây là nguồn thu lớn. Chưa kể, nguồn tiền thuế từ bất động sản sẽ thu được nhiều hơn khi Luật Đất đai đã có hiệu lực.
Chúng ta cũng thu được nhiều thuế từ tiêu dùng tăng lên và hoạt động doanh nghiệp tốt lên.
Nói chung, tình hình khó khăn nhưng không phải không có cách. Có thể thực hiện giải pháp tăng cường tiết kiệm, kết hợp tăng thu từ nhiều nguồn có nguy cơ thất thoát thuế lớn. Như những tháng qua, chúng ta thực hiện rất tốt biện pháp quản lý thuế qua máy tính tiền, hóa đơn điện tử.
Cảm ơn ông!
Ông Đậu Anh Tuấn (Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI):
Doanh nghiệp tư nhân đang đuối sức
Điều tra của VCCI cho thấy, doanh nghiệp tư nhân hiện rất khó khăn. Khi hỏi hơn 10.000 doanh nghiệp tư nhân tại 63 tỉnh, thành về kế hoạch mở rộng quy mô kinh doanh thời gian tới, chỉ có khoảng 27% khẳng định là có.
Con số này thấp hơn con số 34-35% của năm 2012-2013 khi nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với tác động kép của khủng hoảng tài chính toàn cầu cùng với những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước. Kể cả giai đoạn Covid-19, tỷ lệ này cũng lên đến 35-37%.
Năng lực nội tại của khu vực tư nhân trong nước là chỉ số rất quan trọng. Nhưng đáng tiếc, con số thống kê công bố hay các phân tích về "sức khỏe" doanh nghiệp tư nhân trong nước hơi ít, không sâu sắc.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR):
Hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu
Kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với các rủi ro liên quan đến bất ổn kinh tế toàn cầu khiến tình hình phục hồi kinh tế chậm. Bên cạnh đó là tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, cạnh tranh thu hút FDI các quốc gia lân cận.
Kinh tế trong nước đã có khởi sắc, động lực tăng trưởng chính là sản xuất và xuất khẩu đã có tín hiệu phục hồi tích cực. Tuy nhiên, xu thế chưa thực sự bền vững và còn nhiều rủi ro bất định phía trước.
Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thời điểm hiện nay, cần các giải pháp cụ thể và thiết thực. Trong đó, có thể xem xét các chương trình hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đặc biệt, muốn phục hồi tiêu dùng trong nước thì phải nói không với việc tăng thêm thuế, phí. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ đặc thù đối với những lĩnh vực tiêu dùng tạo giá trị gia tăng cao, tiêu dùng xanh.
Mặc dù dư địa về mặt tài khóa đang khá hạn hẹp những năm gần đây, tuy nhiên, chúng ta có thể dựa trên những kinh nghiệm trong quá khứ để có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế linh hoạt để vừa duy trì được mặt bằng lãi suất phù hợp với khả năng tiếp cận của doanh nghiệp đang rất khó khăn, vừa bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo đà cho sự phát triển…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận