Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012-2022 sáng 30/6, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí đã kiến nghị áp dụng thay xử lý hình sự bằng phạt tiền trong án tham nhũng, kinh tế.
Theo ông Trí, mục tiêu quan trọng là thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, chiếm đoạt, thất thoát. Nên nếu tăng tính phòng ngừa và giảm xử lý hình sự đối với người vi phạm, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta sẽ thành công hơn nữa.
TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Pháp chế, Thanh tra Chính phủ
Ủng hộ đề xuất này, Tiến sỹ Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho rằng, thời gian qua, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có xu hướng tăng dần, nhưng số tài sản thu hồi so với bị chiếm đoạt, thất thoát còn thấp.
Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, cơ quan thi hành án dân sự các cấp trong 10 năm qua đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt 34,7%, trong đó chỉ riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỷ đồng, đạt 41,3%.
"Do đó, khuyến khích tội phạm tham nhũng, kinh tế khắc phục hậu quả để tăng tỷ lệ thu hồi tài sản, hạn chế án hình sự là cần thiết. Phi hình sự hóa các vụ án kinh tế là xu hướng, nhiều nước đang áp dụng, tất nhiên những vi phạm nghiêm trọng vẫn phải xử lý hình sự", ông Minh nêu quan điểm.
Ông Minh cũng cho biết, Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) năm 2006 đã nêu rõ việc chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng; áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng.
"Nghị quyết cũng đặt vấn đề nghiên cứu sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng khoan hồng hơn đối với người đưa hoặc người nhận hối lộ nhưng tự giác khai báo và nộp lại tài sản trước khi bị phát hiện; chú trọng các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng", ông Minh nói và cho biết, sau đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã thể hiện rõ quan điểm trên.
Cụ thể, Điều 40 quy định người bị kết án tử hình về tội "Tham ô tài sản", tội "Nhận hối lộ" mà sau đó chủ động nộp lại ít nhất 3/4 số tiền phạm tội và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, hoặc lập công lớn thì có thể được giảm xuống chung thân.
Tiến sỹ Đinh Văn Minh cho biết, nhiều nước đã cho phép người phạm tội nộp tiền thay cho ngồi tù đối với những hành vi phạm pháp mà việc buộc ngồi tù không cần thiết.
"Tội phạm kinh tế khi không bị ngồi tù vẫn có thể lao động, làm nghề có ích, không gây mất an ninh trật tự như tội phạm trộm cắp, cướp giật - tất nhiên là phải chịu sự kiểm soát. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước lại thu hồi được tiền thất thoát. Ví dụ, cầu thủ bóng đá ở một số nước như Tây Ban Nha, Brazil bị kết tội trốn thuế đã nộp tiền thay vì ngồi tù, và họ vẫn có thể ra sân phục vụ khán giả", ông Minh nói và nhận định tội phạm về kinh tế nên hình phạt hướng đến trừng phạt mạnh về kinh tế là phù hợp.
Tuy nhiên, ông Minh lưu ý, cần phân biệt kết tội và thi hành án. Vi phạm pháp luật thì sẽ bị kết tội bằng một bản án, nhưng nếu khắc phục hậu quả tốt thì được xem xét giảm nhẹ hình phạt. Tội danh vẫn sẽ nằm trong lý lịch tư pháp chứ không phải là trả tiền rồi trắng án.
"Phạt tiền cũng là hình phạt, chứ không phải sự ưu ái. Có thể có người phải đi vay nợ để khắc phục hậu quả, rồi sau đó lao động vất vả để trả nợ. Đó là cái giá phải trả cho tội lỗi của mình", ông Minh nói.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM
Không phải vụ nào cũng chỉ cần nộp tiền là xong
Đồng quan điểm, nhưng luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, cần phải xác định những vụ án tham nhũng, kinh tế nào được áp dụng nộp tiền thay bằng xử lý hình sự,
"Không phải vụ nào cũng chỉ cần nộp tiền là xong. Bởi những vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều người tham gia, với quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến lòng tin của nhân dân thì cần phải được xử lý nghiêm. Như thế vừa thể hiện tính nghiêm minh, vừa thể hiện sự khoan hồng của pháp luật và mục đích thu lại tiền từ những vụ án tham nhũng, kinh tế không bị giảm", luật sư Hậu nêu quan điểm.
Theo luật sư Hậu, để đề xuất này đi vào thực tiễn thì cần phải sửa đổi các luật, các quy định để cho phù hợp, không thể tạo kẽ hở để những đối tượng phạm tội lợi dụng có thể bỏ trốn.
"Cần phải có những chế tài để ngay từ khi thanh, kiểm tra nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm phải có biện pháp ngăn chặn những đối tượng thực hiện hành vi bỏ trốn ra nước ngoài trước khi chuyển tài liệu sang cơ quan điều tra", ông Hậu nói.
Luật sự Hậu cũng cho rằng, để người có chức vụ quyền hạn không lợi dụng việc này mà có tư tưởng "cứ tham nhũng đi rồi trả lại tiền là xong" thì cần có những cơ chế giám sát quyền lực, thêm vào là thực hiện việc công khai tài sản của những người này.
"Nếu hoàn thiện tốt cơ chế phòng ngừa chặt chẽ thì người có chức vụ, quyền hành sẽ "không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng. Từ đó người có tư tưởng tham nhũng muốn thực hiện cũng không thể làm. Bởi nếu làm anh sẽ bị phát hiện", luật sư Hậu nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận